07/02/2019 09:33 GMT+7

Người 'gieo' rối nước Việt Nam ở Ai Cập và Trung Đông

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ở tuổi 33, chị Mai Mohab là trưởng đoàn rối nước đầu tiên tại Trung Đông. Đây là kết quả đơm hoa sau nhiều năm đào luyện kỹ thuật rối nước.

Người gieo rối nước Việt Nam  ở Ai Cập và Trung Đông - Ảnh 1.

Chị Mohab bên những người bạn Việt Nam

Tôi hạnh phúc vì lúc này tôi không phải là nghệ sĩ duy nhất tại Ai Cập yêu thích và biểu diễn rối nước nữa. Tôi có thể tự hào nói rằng chúng tôi đã có cả một nhóm các nghệ sĩ rối nước”.

Mai Mohab

Từ năm 2008, ở tuổi 23, Mohab quyết định chọn rối nước Việt Nam làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ. Bốn năm sau, chị có cơ hội lần đầu tiên tới Việt Nam tham dự liên hoan múa rối trong tư cách một nhà thiết kế sân khấu và thiết kế con rối của Nhà hát múa rối Cairo. 

Đó cũng là lần đầu tiên chị được tận mắt xem múa rối nước Việt Nam. Mohab có thể ngồi hàng giờ ngắm nhìn những con rối gỗ. Đó cũng là khi chị nghĩ về những ý tưởng kịch bản cho các con rối của mình.

Mang về quê nhà

Năm 2013, Mohab một lần nữa trở lại Hà Nội để học hỏi và nghiên cứu múa rối nước Việt Nam với khát vọng mang loại hình nghệ thuật độc đáo này về phổ biến tại quê nhà. Trước đó Mohab từng không thỏa mãn với những tài liệu về múa rối nước Việt Nam đã được dịch sang tiếng Ả Rập. 

Chị muốn học cách điều khiển những con rối này sao cho chúng cũng có thể diễn đạt được trên sân khấu nước những câu chuyện hiện tại của người Ai Cập.

Chỉ có hai tuần học hỏi, nhưng Mohab đã làm việc gần như 24/24 giờ với mức độ tập trung cao nhất. Lúc thì học kỹ thuật múa rối tại Nhà hát Thăng Long, khi thì chạy sang học kỹ thuật sơn màu cho rối ở một làng sơn mài, rồi có lúc lại hối hả chạy sang một làng khác học chế tác, đẽo gọt tạo hình rối.

Những ngày ở Việt Nam cũng là những ngày đáng nhớ nhất với Mohab khi chị được "tiếp cận gần nhất" và sâu nhất với nghệ thuật rối nước. 

Chị được gặp gỡ, làm việc, học hỏi với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ rất am tường và tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Một trong số đó là ông Chu Lượng, một người chị gọi là thầy, là "cha đỡ đầu", người đã giúp chị rất nhiều trong quá trình học hỏi.

Người gieo rối nước Việt Nam  ở Ai Cập và Trung Đông - Ảnh 3.

Chị Mohab chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình nghệ sĩ múa rối Chu Lượng - người mà chị coi như người cha đã nhiệt tình giúp đỡ chị trong thời gian học rối nước tại Việt Nam năm 2013

"Bà bầu" rối nước Việt ở Ai Cập

Đưa múa rối nước Việt Nam vào Ai Cập là công việc không dễ dàng vì trước hết nó là một loại hình nghệ thuật rất mới. Mohab thừa nhận chị từng phải vượt qua nhiều trở ngại để có thể thực hiện công việc này. 

Lần đầu tiên múa rối nước Việt Nam được các nghệ sĩ ở nước ngoài biểu diễn chính là ở Nhà hát múa rối Cairo và với nhóm múa rối hiện gồm 16 thành viên do Mohab một tay chọn lọc, "truyền nghề".

Tin rằng nghệ thuật là một ngôn ngữ quốc tế và tự hào người Ai Cập là những nghệ sĩ từ trong bản năng bởi ngay từ thời các pharaoh, nghệ thuật sân khấu đã rất thịnh đạt và diễn ra ngay trong các khu đền đài, Mohab tự tin rồi đây múa rối nước Việt Nam sẽ trở thành một phần trong đời sống nghệ thuật của đất nước chị.

Tín hiệu vui là khi chị lần đầu công bố những vở biểu diễn rối nước dành cho khán giả Ai Cập, phản hồi của người xem đã nồng nhiệt hơn kỳ vọng ban đầu rất nhiều. 

Một đồng nghiệp của chị, nghệ sĩ Islam Galad tại Nhà hát múa rối Cairo, chia sẻ: "Tôi yêu múa rối và nhất là rối nước Việt Nam. Tôi thích sự khéo léo và sáng tạo của loại hình nghệ thuật này. Tôi nghĩ rối nước Việt Nam có thể được phổ biến tại Ai Cập".

Một đồng nghiệp khác của chị là nghệ sĩ Olam cho biết: "Đây là loại hình nghệ thuật rất độc đáo. Thoạt đầu tôi thấy rất khó điều khiển con rối. Nhưng tôi đã bị hấp dẫn trước nghệ thuật rối nước của Việt Nam và nó khiến tôi xúc động. Nhờ nghệ sĩ Mohab, người đã dạy tôi rối nước, giờ thì tôi đã có thể biểu diễn tốt rồi".

Những điều đó đã động viên Mohab thật nhiều. Nó cũng nhen lên trong lòng người phụ nữ mê rối nước này những kế hoạch và dự định lớn hơn nữa. 

Chị hi vọng sớm có một sân khấu riêng trong tương lai để có thể dàn dựng thêm nhiều chương trình biểu diễn rối nước phục vụ khán giả Ai Cập. Mohab cũng kỳ vọng có thể sử dụng rối nước trong những câu chuyện thần thoại nước mình để truyền cảm hứng và tình yêu rối nước tới các nghệ sĩ trẻ.

Chị mong sẽ có một chương trình biểu diễn rối nước chung giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Ai Cập. Từ đó thể hiện những điểm gặp gỡ trong văn hóa hai nước, giới thiệu vở diễn chung đó với khán giả ở hai quốc gia, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị bang giao giữa Cairo và Hà Nội.

Người gieo rối nước Việt Nam  ở Ai Cập và Trung Đông - Ảnh 4.
Rối nước: du khách hào hứng, người Việt thờ ơ? Rối nước: du khách hào hứng, người Việt thờ ơ?

TTO - Hãng thông tấn AFP ngày 10-6 đăng tải một bài viết về nghệ thuật múa rối nước làm mê mẩn du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đáng buồn là người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lại đang rất thờ ơ với loại hình này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên