25/04/2023 07:33 GMT+7

'Người đi dép cao su' gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam

Không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, gần 60 phút của vở kịch ‘Người đi dép cao su’ còn là một biên niên sử hào hùng, một bản trường ca xúc động về đất nước và con người Việt Nam trải suốt 2.000 năm.

Người đi dép cao su gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam - Ảnh 1.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh: T.ĐIỂU

Chuyện tưởng chừng không thể này đã được đạo diễn Lê Mạnh Hùng và tập thể diễn viên tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam làm được một cách tương đối trọn vẹn.

Tối 24-4, vở diễn Người đi dép cao su từ kịch bản của nhà văn Algeria Kateb Yacine đã được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Cuộc trình diễn nghệ thuật sân khấu mới lạ

Hơn cả ý nghĩa chính trị của một sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Algeria, vở diễn được đánh giá rất thành công về nghệ thuật, từ dàn dựng tài tình của đạo diễn tới diễn xuất của diễn viên, ánh sáng, phục trang tới âm nhạc. 

Tất cả các khâu đều được làm chỉn chu và sáng tạo.

Bằng lối dàn dựng cũng phi truyền thống ứng với một kịch bản phi truyền thống không có thắt nút, mở nút như Người đi dép cao su, đạo diễn và dàn diễn viên đã tái dựng thành công không gian kịch đồ sộ, mang âm hưởng sử thi hùng tráng của vở kịch khái quát cả lịch sử hơn 2.000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Người đi dép cao su gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam - Ảnh 3.

Hình ảnh Hai Bà Trưng được tái hiện trong vở diễn - Ảnh: T.ĐIỂU

Người xem được thấy một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu được dàn dựng mới lạ. 

Từ đầu đến cuối vở diễn hầu như chỉ toàn những đại cảnh đám đông, rất ít những cảnh tự sự cá nhân, ngoại trừ một vài cảnh kể chuyện Bác Hồ ở trong nhà tù của quân Tưởng Giới Thạch.

Lựa chọn mạo hiểm nhưng thực ra là khôn ngoan này của đạo diễn nhằm chỉ ra một bài học lịch sử sâu sắc về dân tộc Việt.

Đó là lịch sử đã được viết lên từ những cá nhân xuất sắc nhưng tất cả chiến thắng ấy đều dựa vào nhân dân, thuộc về nhân dân anh hùng.

Người đi dép cao su gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam - Ảnh 4.

Ba anh em nhà Tây Sơn - những anh hùng áo vải - Ảnh: T.ĐIỂU

Lịch sử của nhân dân anh hùng

Nhân dân được dàn nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu như biển cả đẩy những con thuyền là những cá nhân anh hùng - những lực lượng cách mạng tiến bộ luôn xuất hiện đúng lúc để lèo lái con thuyền đất nước đi qua hết họa xâm lăng này tới vận nước nọ.

Chỉ có hai nhân vật được khắc họa đậm nét trong vở kịch là Chủ tịch Hồ Chí Minh (nghệ sĩ Minh Hải thủ vai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NSƯT Trịnh Mai Nguyên) trên cái nền những "nhân vật nhân dân" bất tử luôn có mặt trên sân khấu lịch sử.

Vở kịch về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh nhưng đã vượt được ra khỏi câu chuyện về một cá nhân lịch sử để vươn tới tầm sử thi của một dân tộc.

Người đi dép cao su gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam - Ảnh 5.

Bác Hồ rèn luyện tinh thần và thể chất ngay trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch - Ảnh: T.ĐIỂU

Người thiết kế phục trang đã có một lựa chọn tài tình để góp phần vào thể hiện được chất sử thi này cho vở kịch, khi để hầu hết các nhân vật (ngoại trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh) đều khoác áo bào.

Với thế nước hiểm nguy, nhân dân ta trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử đã luôn phải vào vai những người anh hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Lần này Nhà hát Kịch Việt Nam mới chỉ dàn dựng phần đầu vở kịch Người đi dép cao su đồ sộ dài 304 trang, với 1.800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không tên và chắc hẳn là rất khó dàn dựng.

Người đi dép cao su gói hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam - Ảnh 6.

Cùng nhân dân chiến thắng quân Pháp - Ảnh: T.ĐIỂU

Các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã có một nỗ lực tập thể tuyệt vời khi chỉ trong một thời gian ngắn đã dựng lên một vở kịch nhuần nhuyễn. Ở đó, dù chỉ là vai quần chúng (mà chủ yếu là vai quần chúng) đều được thể hiện đầy tâm huyết.

Khán giả còn ngạc nhiên khi thấy khả năng thanh nhạc của các diễn viên nhà hát này trong nhiều bài hát cách mạng được sử dụng trong vở kịch.

Âm nhạc kết hợp giữa ca khúc Việt Nam và nhạc giao hưởng phương Tây được lựa chọn tài tình đã góp công lớn vào tạo dựng tính sử thi của vở diễn này.

Tin vui đã đến nhanh với các nghệ sĩ. Kết thúc buổi diễn tối 24-4, bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã có lời mời tới Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc mang vở sân khấu đến diễn tại tỉnh này - một địa phương được khắc họa đậm nét trong vở kịch với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.

Kateb Yacine (1929 - 1989) là nhà văn Algeria sống nhiều năm ở Pháp, sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch.

Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy trên đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Và kịch bản Người đi dép cao su ra đời.

Lần đầu tiên dựng kịch về Bác Hồ và hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam của tác giả AlgeriaLần đầu tiên dựng kịch về Bác Hồ và hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam của tác giả Algeria

Vở kịch thơ về Bác Hồ và hơn 2.000 năm lịch sử Việt Nam có tên ‘Người đi dép cao su’ của tác giả Kateb Yacine (Algeria) sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lần đầu tiên trên sân khấu Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên