23/03/2021 10:24 GMT+7

Người đi câu cá khắp đất nước

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Theo tâm nguyện cha từng là cựu binh trấn thủ ở Hoàng Sa, một người đàn ông đã vác cần câu và mang di ảnh cha rong ruổi qua các vùng biển đảo Tổ quốc.

Người đi câu cá khắp đất nước - Ảnh 1.

Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc câu trúng cá quý được đóng khung treo trong nhà anh Thức - Ảnh: B.D.

"Tui mơ ngày được ra thăm quần đảo Trường Sa và mang hình ba theo cùng. Riêng Hoàng Sa thì lúc còn sống, ba luôn dặn tôi rằng dù đảo đang bị Trung Quốc chiếm nhưng là người Việt thì phải luôn nuôi hi vọng. Một ngày nào đó tôi sẽ theo tàu ngư dân mình ra đó thả câu, thắp hương báo cho ba biết.

Phạm Ngọc Thức

Một ngày giữa tháng 3, tôi gặp anh Phạm Ngọc Thức (đường Quang Trung, TP Đà Nẵng) - con trai cụ Phạm Khôi, một cựu binh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Từ ngày cha qua đời, anh Thức là người "kế nghiệp", kể chuyện Hoàng Sa từ cha mình và cung cấp tư liệu quý phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Nhưng ít người biết truyền nhân Hoàng Sa này còn là một thợ câu khắp vùng biển đảo để tiếp tục thỏa ước nguyện của cha.

Truyền nhân của nhân chứng Hoàng Sa

Trong không gian nhà trưng bày Hoàng Sa trên bờ biển Đà Nẵng có thông tin về cụ Phạm Khôi từng hai lần ra bảo vệ Hoàng Sa. Nhiệm vụ chính của cụ là kiểm soát tàu ra vào đảo này, hằng ngày báo cáo về sở chỉ huy và hỗ trợ tàu bè gặp nạn. Lần đầu cụ có mặt năm 1965, lần thứ hai năm 1969.

Tháng 4-1970, sau chuyến trở về từ đảo, cụ Khôi bế trên tay đứa con đầu lòng và đến thẳng chính quyền để đăng ký khai sinh, ngày rời đảo được lấy làm ngày chào đời của đứa trẻ. Đứa bé ấy giờ đã là người đàn ông qua tuổi 51 - anh Phạm Ngọc Thức, hiện là nhân viên Công ty Điện lực Đà Nẵng.

Căn nhà của anh Thức trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung, chỉ rộng chừng 40m2 nhưng treo chật đồ nghề câu cá và những tấm bằng khen, ảnh anh Thức săn được cá quý ở các hòn đảo.

Thức cho biết thật ra lúc còn nhỏ anh không mấy quan tâm đến biển cả. Nhưng câu chuyện tình yêu Hoàng Sa của cha đã thấm dần vào anh. Ngày cụ Khôi còn khỏe mạnh, buổi tối cụ thường ngồi với các bạn để kể cho nhau những chuyến đi biển. Thức ngồi nghe và mê mẩn với cảnh những con vích ở Hoàng Sa to bằng thúng chai bò lên đảo cát, những chú cá lớn thấy ánh sáng đèn trên đảo liền lao vào như thiêu thân. Rồi tới một hôm Thức tình cờ phát hiện một chiếc hòm nhỏ đựng đầy những vỏ điệp khổng lồ, nhiều vỏ ốc lớn như trái bí đao của cha.

Những câu chuyện về biển, về những ngày ở Hoàng Sa được cụ Khôi kể cho Thức, cụ không hề biết rằng chính mình đang nuôi lớn dần một chú "sói biển". Cụ Khôi giỏi bơi lội, mê sông nước và cũng rất rành đi câu. Ông dẫn Thức mỗi chuyến ra sông, ra biển. Thức quen dần và mê mải với con nước.

Anh Thức kể rằng mình trở thành thợ câu chuyên nghiệp bắt đầu vào năm 1997. Những ngày đó đi làm được bao nhiêu tiền anh đều đổ vào để mua sắm đồ câu. Cứ rảnh rỗi là bỏ nhà xách đồ nghề lên đường, có khi ngồi cả ngày chẳng được con cá nào nhưng vẫn cứ mê.

"Tui mê câu, cho tới giờ chỉ cần nhìn mặt biển là tui biết chỗ nào cạn, chỗ nào sâu, con nước nào có cá, chỗ nào không thể thả câu" - Thức nói.

Người đi câu cá khắp đất nước - Ảnh 3.

Thấu cảm tâm nguyện cha, chứng nhân từng trấn thủ Hoàng Sa với hồi ký ghi lại tâm nguyện, anh Thức luôn mang theo di ảnh cha mỗi lần đi câu cá trên biển đảo Tổ quốc - Ảnh B.D. chụp lại

Ra đảo thả câu

Chị Phan Thị Hoa, vợ anh Thức, cho biết hễ có thời gian là anh Thức lại vác câu lên đường. Trong lịch trình đi biển của mình, anh Thức ghi chép rất cẩn thận số lần, mốc thời gian đến các đảo. Vùng biển miền Trung anh gần như thuộc từng rạn san hô, từng mỏm đá. Không chỉ câu cá giỏi mà anh Thức còn là một thợ lặn có tiếng.

Vào năm 2013, trong một lần khảo sát hiện trạng thủy sinh đáy biển khu vực vịnh Đà Nẵng, một đơn vị tổ chức thiên về môi trường đã liên hệ để nhờ anh lặn, chụp ảnh phục vụ dựng bản đồ.

Anh Thức cho biết chuyến đi xa nhất của mình trong những ngày mới vào nghề là ra một hòn đảo tại Quảng Ninh.

"Đợt đó tui không có bạn câu, thấy trên mạng người ta giới thiệu về hòn đảo đó mà tui ham quá nên tự mò thông tin rồi đặt vé xe lên đường. Ra tới bờ biển thì phải tự thuê ghe, đi chuyến đó mất mấy ngày mà về không được gì vì không quen con nước" - anh nói.

Trong hàng trăm bộ ảnh, clip mà anh lưu lại từ các lần đi câu, Thức nói rằng ấn tượng nhất vẫn là Phú Quốc và Thổ Chu.

Để tới được đây, người đi câu phải chuẩn bị cả tháng trời, từ việc cắt phép cho tới chuẩn bị tiền bạc làm lộ phí. Mỗi chuyến đi xa như vậy tốn kém không dưới 10 triệu, thậm chí vài chục triệu đồng. Trong một chuyến đi câu vào tháng 3-2017, anh câu được một con cá mú đỏ nặng 6kg.

"Loài cá này rất ngon, đắt tiền và hiếm khi gặp. Đợt đó tui tưởng về tay trắng rồi nhưng nhờ con cá mú này mà đủ vốn liếng" - anh Thức nói.

Ngồi lẩm nhẩm đếm lại những lần ra đảo của mình, anh kể Phú Quốc đã ít nhất 11 lần anh đặt chân đến. Các hòn đảo như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang, Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên anh đều ra không dưới vài chục lần, cứ có thời gian là vác câu lên đường.

"Nhưng câu cá sướng nhất phải nói rằng ở Phú Quốc, An Thới (Kiên Giang) và đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Những nơi đó cá tôm nhiều vô kể, mình không có sức để mà câu thôi" - người thợ câu cười vang.

Người con của nhân chứng Hoàng Sa cho biết để câu được cá, người đi câu phải đặc biệt có kinh nghiệm. Không phải chỗ nào thả mồi cũng có cá và không phải mồi nào cũng có cá ăn, người đi câu ai cũng biết câu nói "chim chết vì ná, cá chết vì nước" là vậy.

Mấy chục năm lang thang hết các vùng biển, anh Thức cũng lắm lần về tay trắng. Nhưng chiến tích thu lượm được cũng không ít. "Có lần tui câu được con cá bớp nặng tới 22kg ở Phú Quốc, nhưng lần "đã" nhất là kéo lên được một con cá nóc nhím nặng 8kg, đây là loài cực khó câu và hiếm gặp, không có loài cá nào ngon bằng" - anh Thức mải mê kể chuyện và tâm sự hồn cha cùng di ảnh anh mang theo chắc cũng cười vui trước biển cả Tổ quốc.

Mơ một ngày đặt chân lên Trường Sa, Hoàng Sa

cau3 hs

Anh Thức và “chiến lợi phẩm” trong một chuyến ra biển - Ảnh: B.D. chụp lại

Anh Phạm Ngọc Thức cho biết mình làm công nhân điện lực, phải phụ vợ nuôi hai con đi học nên dù rất đam mê mà vẫn phải "kiềm chế" nhiều. Để có tiền đi câu, đi hết các đảo, anh tranh thủ đi sửa điện ngoài giờ. Điều đặc biệt ở người thợ câu này là mỗi chuyến đi anh lại mang theo câu chuyện của người cha mình từng trấn thủ đảo Hoàng Sa.

"Ngày còn sống ba hay động viên tôi đi biển. Ông thường bảo rằng đất nước mình đẹp vô cùng, con ráng đi cho hết. Khi ba mất con hãy cầm di ảnh để ba được thăm đảo cùng con trai. Từ năm 2014 khi ba mất tới nay chuyến đi nào tui cũng mang ảnh của ba theo để ông toại nguyện" - anh Thức nói.

Bốn đời làm Bốn đời làm 'rái cá'

TTO - Ông Ba Hoàng nổ máy, cột dây lặn quanh người, lầm rầm khấn vái rồi lặn xuống sông sâu. Ông là truyền nhân đời thứ 4 của một gia đình nổi tiếng là 'rái cá' miệt sông nước miền Tây.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên