30/09/2022 09:03 GMT+7

Người dân vùng bão không cô đơn

TR.MAI - T.B.DŨNG - N.LINH
TR.MAI - T.B.DŨNG - N.LINH

TTO - Bão đi qua, nhìn nhà cửa tan hoang, chưa biết xoay xở ra sao đã thấy hàng xóm, thanh niên, bộ đội, công an có mặt hỗ trợ. Họ cùng lợp lại những mái nhà. Hoa màu gãy giập, xót xa lắm nhưng phải lo tính ngay vụ mùa mới.

Người dân vùng bão không cô đơn - Ảnh 1.

Chiến sĩ trẻ của Đoàn thanh niên công an tỉnh giúp dân dọn dẹp mái nhà để lợp lại tôn sau bão - Ảnh: LÊ TRUNG

Những nghĩa cử ân tình từ xóm giềng, sự khẩn trương vào cuộc của các lực lượng, những tính toán hỗ trợ nhanh từ chính quyền cùng những món quà hỗ trợ đến sớm đã tiếp thêm sức cho bà con vùng bão Noru vừa quét qua.

Nhanh tay gieo hạt giống mới

Thiệt hại nặng nề nhất tại Quảng Ngãi là ngành nông nghiệp, gần 750ha đất bị thiệt hại, cây trồng hư hỏng. Trong đó có 307ha rau, gần 20ha cây ăn quả, gần 159ha cây trồng hằng năm, 348ha rừng, 70ha hành ở huyện Lý Sơn; hơn 1.650 con gia súc, gia cầm đã chết.

Tại huyện Nghĩa Hành, nơi có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh, bão làm hư hỏng hoàn toàn hơn 12ha chuối ngự. 

Ông Tô Văn Tĩnh (xã Hành Tín Đông) xót xa nhìn 10 sào chuối ngự sắp thu hoạch của ông bị bão quật tả tơi. "Tôi coi như mất trắng 50 triệu đồng chỉ sau một đêm. Nhưng rất cảm ơn địa phương cử người giúp tôi dọn dẹp ngay vườn chuối ngã đổ", ông Tĩnh nói.

Tại vựa rau Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) mấy trăm héc ta đã bị quật tả tơi, đu đủ, bí đao bị gió quật đổ, rau giập nát dưới trời mưa lớn. 

Anh Nguyễn Hữu Tuân (xã Nghĩa Hà) đang tranh thủ dọn dẹp lại 5 sào đất trồng cải ngọt để xuống giống trồng thay thế ngay. "Sau bão ra vườn rau chẳng còn gì. Đất sạch, tôi ra cào và xuống giống lại, hy vọng gỡ gạc gì được thì gỡ" - anh Tuân nói.

Cách đó không xa, ông Đinh Văn Phú rầu rĩ nhìn 2 sào ngô của nhà mình đã đổ rạp, chỉ còn cách cắt làm cỏ cho bò ăn. "Xót của nhưng biết làm sao giờ. Cả vựa rau lớn nhất tỉnh đang xanh tốt giờ nát bấy", ông Phú nói.

Tìm mọi nguồn lực sớm ổn định

Nằm trong vùng mắt bão quét qua, phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tới chiều 29-9 vẫn ngổn ngang. Cây cối, đồ đạc bị gió quật ra đường. Lực lượng dân quân, công an, Đoàn thanh niên... đã được huy động tổng lực dọn dẹp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - đại diện UBND phường Điện Dương - cho biết bão Noru đi qua đã làm hư hại gần 100 căn nhà, có nhà đổ sập hoàn toàn. Những ngôi nhà này đa số của bà con trong vùng dự án, đang đợi di dời. Các nhà dân bị hư hại là bị tốc mái tôn, sập tường nhà, tường rào, hư hại công trình phụ.

Ngay sau khi bão đi qua, các lực lượng xuống hỗ trợ bà con sửa sang, lợp lại nhà cửa. Số nhà bị tốc mái quá nhiều, chiều 29-9 nhiều gia đình có nhà hư hại vẫn chưa thể trở về do nhà chưa sửa kịp. 

Trong ngày, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể tìm mọi nguồn lực tới từng hộ dân bị sập nhà để trao quà, nhu yếu phẩm, chăn màn, thuốc men. 

"Số tiền chưa thấm vào đâu, chúng tôi đang tranh thủ các nguồn khác để tính thêm, những ngày tới sẽ tăng cường dân quân, Đoàn thanh niên trực tiếp xuống thu dọn" - ông Tuấn nói.

Trở về nhà hai ngày sau khi bão tràn qua, gia đình bà Văn Thị Xê, ở thôn Hà My Đông B, Điện Dương (Điện Bàn), bàng hoàng khi thấy mọi thứ tan tành. Mái nhà đã bị gió bốc đi chỉ còn trơ lại bốn bức tường, chiếc xe máy cũ nằm ở thềm bị tường đổ đè lên hư hỏng. 

Nhà xây 16 năm, trong khu vực giải tỏa nên lâu nay không được tu sửa. Lãnh đạo phường Điện Dương cho biết trường hợp như gia đình bà Xê thì trước mắt sẽ dời qua nhà con cái để ở, địa phương sẽ tranh thủ các nguồn lực để giúp đỡ sớm ổn định cuộc sống.

Người dân vùng bão không cô đơn - Ảnh 2.

Lực lượng bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế giúp người dân thôn Khánh Mỹ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) lợp lại mái nhà - Ảnh: NHẬT LINH

Chung sức giúp dân

Đến chiều 29-9, tại thôn Khánh Mỹ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), những căn nhà trơ mái sau bão quét qua đang dần được người dân cùng lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ xã cùng nhau lợp lại.

Khánh Mỹ là thôn chịu thiệt hại nặng nề với gần 70 ngôi nhà bị tốc mái và đổ sập. Sau bão, trời nắng lên, những người dân may mắn không bị thiệt hại đã tự đến những căn nhà khác để hỗ trợ láng giềng.

Biết hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Sinh (65 tuổi) khó khăn, nhà lại neo người nên ông Trương Công Tuấn (hàng xóm của bà Sinh) đã đến phụ giúp bà Sinh lợp lại mái ngói bị bão thổi bay. "Trong hoàn cảnh này ai cũng vậy thôi, giúp được nhau cái gì sau thiên tai thì giúp", ông Tuấn nói.

Tỉ mẩn đặt từng viên ngói mới toanh lên mái nhà ông Trương Văn Đào (70 tuổi), trung úy Lê Phước Hoàng Phúc - cán bộ Đồn biên phòng xã Vinh Xuân, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết anh cùng đồng đội tham gia hỗ trợ người dân thôn Khánh Mỹ từ sớm 28-9. 

"Thấy cảnh người dân ôm nhau khóc vì nhà cửa tan hoang mà không cầm được lòng. Chúng tôi sẽ vẫn ở đây, chung sức giúp bà con lợp lại mái nhà", anh Phúc nói.

Từ bên dưới ngó lên mái nhà đang được bộ đội lợp lại, ông Trương Văn Đào nói rằng chỉ biết thầm cảm ơn các chú bộ đội biên phòng. "May mắn có các chú về đây dọn dẹp và lợp lại mái nhà. Rồi có nhiều nhà hảo tâm đã đến cho tiền, giúp dân tụi tui gượng dậy sau bão", ông Đào nói.

Sau cơn bão quét qua Khánh Mỹ, nhiều đoàn thiện nguyện đã về đây để chia sẻ khó khăn cùng bà con. Có đoàn thì trao tiền, đoàn thì tặng thực phẩm như gạo, dầu ăn... để động viên người dân nơi đây gượng dậy sau bão.

Ông Nguyễn Đồng - chủ tịch UBND xã Vinh Xuân - cho biết đến chiều 29-9 đã có hơn 7 đoàn thiện nguyện về xã để hỗ trợ, tặng quà cho bà con bị thiệt hại do bão gây ra. Hơn 45 cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ cùng lực lượng biên phòng đang hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà.

"Chúng tôi cũng đang cố gắng rà soát toàn bộ danh sách người dân bị thiệt hại, thiệt hại bao nhiêu để gửi lên cấp trên nhằm sớm có chính sách hỗ trợ bà con sau thiên tai", ông Đồng nói.

Lợp lại nhà, hỗ trợ giống

Thiếu tá Hồ Trịnh Hùng - phó đồn trưởng Đồn biên phòng xã Vinh Xuân, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết trong ngày 29-9 đồn đã huy động hơn 20 cán bộ chiến sĩ tham gia hỗ trợ, lợp lại nhà cho người dân xã Vinh Xuân bị thiệt hại sau bão số 4.

"Chúng tôi đang ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ các hộ neo đơn, khó khăn lợp lại mái nhà trước. Đồn cũng đến từng nhà để báo cho người dân cần hỗ trợ thì anh em chúng tôi sẽ chia nhau ra để đến từng nhà giúp họ lợp mái", anh Hùng nói.

Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau bão Noru, các địa phương trên toàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Người dân đang xuống đồng sớm ổn định sản xuất.

Nhiều nơi địa phương hỗ trợ lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả. Với lượng rau màu hư hỏng, tỉnh yêu cầu các địa phương thống kê, xem xét, hỗ trợ giống cho bà con nếu cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết sau bão Hội An có 10 nhà trên xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) bị tốc mái.

Tới ngày 29-9 việc khắc phục đã xong xuôi nhờ lực lượng quân đội trên đảo cùng lực lượng của xã. Các hộ dân được che lợp lại nhà cửa, hỗ trợ các thứ cần thiết để trở lại đời sống thường ngày.

Dồn sức giúp nhau vượt khó

Chung suc cung dan lop lai mai nha

Ông Trương Công Tuấn giúp hàng xóm là bà Nguyễn Thị Sinh (65 tuổi) lợp lại mái nhà bị bão cuốn bay - Ảnh: NHẬT LINH

Chiều 29-9, chị Nguyễn Thị Hiền, chủ của ngôi nhà bị lốc giật sập hoàn toàn ở ngay trước mặt chợ Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), vẫn đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để điều trị chấn thương do tường nhà sập đè lên hai ngày trước.

Theo chẩn đoán của bệnh viện, chị Hiền bị đa chấn thương, gãy chân, ảnh hưởng vùng lưng, đầu. Ba người con của chị cũng bị thương ở chân, tay và vùng đầu.

Chồng chị làm phụ hồ, chị mở một quán tạp hóa bán ngay trong nhà. Giờ nhà đã bị sập, đồ đạc, hàng hóa cũng bị cuốn bay đi. Chỉ có một điều làm chị thấy được an ủi nhất, đó là sự tương trợ của những người hàng xóm láng giềng, và cả những đoàn viên thanh niên, bộ đội.

Anh Nguyễn Hồng Quân, bí thư Huyện Đoàn Gio Linh, kể không phải chờ đến khi bão tan, ngay sau khi lốc xoáy qua đi, thanh niên địa phương đã có mặt tại các nhà dân bị ảnh hưởng nặng. Nhờ lực lượng này, nhiều vật dụng của các gia đình bị sập, bị tốc mái đã được đưa đến gửi ở những nơi an toàn, không bị mưa ướt.

50 tình nguyện viên gồm cả thanh niên và bộ đội chia nhau đến các gia đình bị ảnh hưởng để phụ giúp dọn dẹp. Toàn khu vực có đến 120 nhà bị tốc mái nên nhóm tình nguyện phải mất gần một ngày mới xong. Sau đó toàn bộ tập trung về dọn thêm đống đổ nát từ 180 gian hàng ở chợ Cửa Việt.

"Lực lượng thanh niên của huyện đã kết nối với các tiểu thương ở chợ. Ngay ngày mai họ sẽ mua vật liệu về sẵn và lực lượng thanh niên sẽ hỗ trợ miễn phí nhân lực để lợp lại mái cho các hàng quán này", anh Quân cho biết.

Riêng với những ngôi nhà bị tốc mái, ông Trần Văn Quảng, bí thư Huyện Ủy Gio Linh, nói huyện đã lên sẵn phương án hỗ trợ hết sức cho những gia đình này.

"Hiện các gia đình bị ảnh hưởng bởi trận lốc đã tạm ổn định. Những nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì được bố trí ở tạm những nhà người thân. Về việc lợp lại nhà, những gia đình này đang chờ mua tôn, ngói cũng như vật liệu. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ khi họ cần", ông Quảng nói.

Ân tình sau bão

Chiều 29-9, tại trụ sở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam rợp màu áo xanh của công an, quân đội. Gần 70 chiến sĩ là đoàn viên thanh niên công an, quân sự, chia nhau bảy tổ, tỏa ra các khu dân cư, ngã đường, đến những căn nhà tốc mái, sập đổ sau bão Noru.

Sau một đêm trú ẩn ở điểm trường học, về lại nhà bà Nguyễn Thị Nga (51 tuổi, thôn Phú Đông, xã Tam Phú) bàng hoàng khi mái tôn bị gió quật bay tứ tung, áo quần, đồ đạc trong nhà ướt sũng nước mưa. Đội quân trẻ của công an tỉnh xắn tay áo, thoắt một cái đã lên mái nhà, dọn dẹp và lợp lại mái.

Anh Phan Trần Huy - phó bí thư Đoàn Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Anh em sẽ hỗ trợ, giúp đỡ người dân hết mình, mong sao họ vượt qua những thiệt hại để ổn định cuộc sống sau bão dữ".

Ngoài giúp dân khắc phục thiệt hại, công an tỉnh cũng huy động cán bộ chiến sĩ ra quân dọn dẹp cây cối ngã đổ ra đường, dọn vệ sinh đường phố.

Những chiến sĩ trẻ của Lữ đoàn công binh 270 (Quân khu 5) đã đến giúp dân dọn dẹp. Các tấm tôn, la phông vắt vẻo sắp rơi đã được sửa sang rất nhanh.

Thượng úy Nguyễn Công Đoàn - Lữ đoàn Công binh 270 - kể rằng sau khi giúp người dân sơ tán trú bão, dọn dẹp vệ sinh đường sá, hôm nay anh em lại lao vào giúp dân dọn nhà cửa, lợp lại mái nhà. Mồ hôi ướt áo nhưng sự nhiệt huyết của người lính bộ đội Cụ Hồ luôn có thừa trong tim, trong máu của họ.

"Thấy dân bị thiệt hại nặng nề do bão, chúng tôi cũng muốn góp một tay giúp họ vượt qua, ổn định cuộc sống. Anh em ra quân từ nay đến khi giúp xong các nhà bị hư hỏng" - thượng úy Đoàn chia sẻ.

Q.NAM - L.TRUNG

Quảng Nam dọn dẹp phố xá, cứu cây xanh bật gốc, ngã đổ sau bão Quảng Nam dọn dẹp phố xá, cứu cây xanh bật gốc, ngã đổ sau bão

TTO - Đường sá tiêu điều, cây xanh ngã đổ, người dân cùng với lực lượng chức năng đã ra quân dọn dẹp đường sá, cứu những cây xanh ngã đổ do bão số 4.

TR.MAI - T.B.DŨNG - N.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên