03/04/2023 14:00 GMT+7

Người dân Prin Thành quyết giữ cánh rừng tự nhiên cuối cùng

Thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được ví như phòng tuyến đầu tiên giữ cánh rừng tự nhiên cuối cùng ở xã biên giới này.

Những cây cổ thụ bên suối A Lâu được giữ gìn bởi người dân Prin Thành - Ảnh: TRẦN MAI

Những cây cổ thụ bên suối A Lâu được giữ gìn bởi người dân Prin Thành - Ảnh: TRẦN MAI

Khi những khoảng rừng già dần trở thành đất trống, rừng sản xuất thì 54ha rừng tự nhiên ở đây vẫn thăm thẳm xanh nhờ công sức giữ rừng của người Pa Cô nơi đây.

Anh Hồ Văn Chín, trưởng thôn Prin Thành mới 33 tuổi, nói lời tự hào rằng: "Khi tôi chưa ra đời, cha chú đã giữ cánh rừng này rồi. Trong rừng còn nhiều cây gỗ quý to lớn, đó là mạch nguồn của bao ngôi làng, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ".

Chuyện già Mơ

Thôn Prin Thành như phên giậu giữ rừng, con đường trước thôn dẫn thẳng vào rừng được già Mơ bỏ tiền ra làm giờ trở thành lối đi từ thôn thẳng vào rừng nhanh nhất - Ảnh: TRẦN MAI

Thôn Prin Thành như phên giậu giữ rừng, con đường trước thôn dẫn thẳng vào rừng được già Mơ bỏ tiền ra làm giờ trở thành lối đi từ thôn thẳng vào rừng nhanh nhất - Ảnh: TRẦN MAI

Từ trung tâm xã A Dơi, chiếc xe máy xuyên qua thôn Prin Thành đi thẳng vào rừng. Thấy người lạ đi về phía rừng, những ánh mắt dò xét của người trong thôn dòm theo. Già Hồ Mơ (84 tuổi) bước từ trong nhà ra đứng trước hiên nhà dõi mắt nhìn theo. Rồi già Mơ nói một tràng tiếng Pa Cô với đồng bào mình, lập tức trưởng thôn Hồ Văn Chín lấy xe máy "đua theo" người lạ.

Ở thôn Prin Thành, bao nhiêu năm qua, người dân vẫn là tai mắt của cánh rừng tự nhiên cuối cùng. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về rừng, già Mơ hồ hởi pha ấm trà mời khách. Người thương binh 3/4, từng là dũng sĩ diệt Mỹ này là người đầu tiên bảo vệ cánh rừng, được người Pa Cô tin tưởng. Lời ông nói đủ sức nặng để cộng đồng chung tay giữ rừng.

"Dù cánh rừng tự nhiên cách thôntận 7km nhưng thôn Prin Thành này là bìa rừng. Mỗi người Pa Cô phải tự xem mình là kiểm lâm, không thờ ơ với bất kỳ động tĩnh nào mới bảo vệ được rừng", già Mơ chắc nịch.

Năm 1969, chàng chiến sĩ Mơ từng để lại một chân trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở chiến trường A Lưới, Thừa Thiên Huế. Rồi chuyển ra Bắc điều trị, năm 1982 ông trở về quê nhà, tham gia cuộc chiến giữ rừng. Thời đó, rừng bị chặt phá vô tội vạ, từng cây lớn ngã đổ già Mơ tiếc đứt ruột. Thành lũy xanh cuối cùng ở A Dơi bây giờ cũng từng bị xâm phạm nghiêm trọng. 

"Hồi đó đói, người dân phá rừng sản xuất. Sau này thì nhiều người lợi dụng chặt gỗ mang đi bán. Tôi vận động bà con, phải giữ cánh rừng đó lại, mất đi sẽ không còn nguồn nước. Bởi đó là đầu nguồn của suối A Lâu", già Mơ tâm tình.

Suối A Lâu khởi đầu từ núi A Lâu nước róc rách quanh năm, bên bìa rừng, những cây cổ thụ to lớn được giữ, tỏa bóng mát truyền đời - Ảnh: TRẦN MAI

Suối A Lâu khởi đầu từ núi A Lâu nước róc rách quanh năm, bên bìa rừng, những cây cổ thụ to lớn được giữ, tỏa bóng mát truyền đời - Ảnh: TRẦN MAI

Quyết tâm giữ rừng, già Mơ kéo cả nhà vào suối A Lâu dựng nhà sàn, khai hoang đất dọc suối làm lúa, nuôi dê, bò. Dù mất một chân nhưng ông đi rừng rất khỏe, sau khi khảo sát toàn bộ 54ha rừng, già Mơ kết luận nhiều cây gỗ quý như hương, trắc... đã bị đốn hạ, cỏ dại mọc um tùm, rừng không thể tái sinh. Ông kêu gọi con cháu đi phát cỏ cho rừng xanh trở lại, nhưng sức người không làm nổi. Thế là ông nghĩ ra cách cho trâu, bò lên ăn cỏ dại. Từ đó, rừng được tái sinh.

Nhắc đến già Mơ giữ rừng, người Pa Cô, Vân Kiều ở vùng biên viễn Hướng Hóa đều nể trọng. Chính ông là người bỏ tiền túi thuê xe đào, bạt núi đồi mở tuyến đường 7km nối từ thôn Prin Thành vào rừng A Lâu. Câu chuyện đã trải qua hơn 20 năm nhưng luôn được cộng đồng nhắc đến để chung tay giữ gìn rừng. 

Già Mơ nói: "Hồi đó, tôi bỏ mấy chục triệu ra mở đường, cốt để bà con đi lại sản xuất và cũng thuận tiện trong việc bảo vệ rừng. Chứ nghe có người phá rừng mà lội bộ vào đến nơi thì cây đã bị đốn xong thì sao giữ được rừng".

Già Mơ, người đầu tiên trong thôn giữ rừng. Thời đó, ông dựng nhà sàn ngay dưới cánh rừng để bảo vệ thành lũy xanh cuối cùng ở xã A Dơi - Ảnh: TRẦN MAI

Già Mơ, người đầu tiên trong thôn giữ rừng. Thời đó, ông dựng nhà sàn ngay dưới cánh rừng để bảo vệ thành lũy xanh cuối cùng ở xã A Dơi - Ảnh: TRẦN MAI

Prin Thành là phên giậu của rừng A Lâu

Già Mơ tuổi đã cao, ông rời căn nhà sàn nơi bìa rừng trở lại thôn sinh sống. Đã rất lâu rồi ông không vào rừng nữa, nhưng bây giờ ông có thể yên tâm bởi cả thôn Prin Thành từ người lớn tuổi đến đứa trẻ đều giữ rừng. 

Con cháu trong nhà cũng tiếp nối cha cùng người trong thôn giữ rừng. Anh Hồ Văn Quý (con trai ông) là thành viên đắc lực tham gia giữ rừng A Lâu, mỗi tuần đều vào rừng kiểm tra và trở về thông tin lại cho ông Mơ biết rừng vẫn xanh tốt.

Trong những lần họp với kiểm lâm địa bàn về công tác bảo vệ rừng, người Prin Thành luôn được tuyên dương bởi trên thực tế cánh rừng tự nhiên 54ha đã được cấp sổ đỏ cho 8 hộ dân và đó là rừng tự nhiên sản xuất. Nhưng đã từ lâu, A Lâu là rừng của thôn, là tài sản chung của người Pa Cô. Họ cũng giữ rừng mà không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ Nhà nước. Tất cả là tự nguyện và tình yêu rừng.

Chàng trưởng thôn Hồ Văn Chín dẫn chúng tôi vào rừng, xuyên qua những quả đồi trồng cao su, anh Chín nói rằng nhờ cánh rừng tự nhiên che chắn mà bao lần bão gió, cây cao su ở đây không hư hỏng gì. 

"Mình quý rừng, rừng cũng che chở cho cuộc sống của bà con ấm no hơn. Người miền xuôi lên đây hay nói bà con tử tế với rừng. Còn người Pa Cô thì xem đây là bức tường thành kiên cố, mạch nguồn của ấm no phải giữ gìn cho mai sau", anh Chín nói.

Dừng chân bên suối A Lâu, dòng nước róc rách chảy, anh Chín bảo đã 33 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ anh thấy dòng suối này khô cạn, mùa mưa nước cũng không hung tợn. Ngay bên bờ suối, nhiều cây gỗ lớn vẫn lừng lững xanh tốt, thậm chí một cây gỗ to đến ba người ôm chết khô vẫn còn nguyên vẹn bên bìa rừng. 

Điểm khởi đầu của dòng suối này chính là cánh rừng A Lâu, dòng nước chảy qua nhiều buôn làng, cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất lúa cho các xã ở dải đất rộng lớn có tên gọi chung là Vùng Lìa này.

Anh Chín chỉ tay về núi đồi bao la xung quanh đã trở thành rẫy mì, cao su, keo của người dân thay cho lời giải thích vì sao rừng A Lâu được người Pa Cô xem là "thành lũy xanh" cuối cùng. Nếu không giữ dòng suối sẽ không còn nước nữa, lúc đó đói nghèo sẽ tìm đến người Pa Cô, Vân Kiều.

Ông Hồ Phức đi tuần rừng và bứt đót về bán. Ông nói trong rừng có đàn nai - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Hồ Phức đi tuần rừng và bứt đót về bán. Ông nói trong rừng có đàn nai - Ảnh: TRẦN MAI

Đang trò chuyện, bất ngờ có tiếng xe máy từ lõi rừng lao ra phá vỡ sự u tịch của núi đồi. Ông Hồ Phức chở trên xe một bó đót, dừng lại nói với anh Chín người trong thôn vừa đi tuần rừng kết hợp khai thác đót về bán. Ông Phức tỏ ra vui mừng khi phát hiện dấu vết của một đàn nai ở quả đồi phía bên kia và dọc suối A Lâu có dấu vết của heo rừng, trút sinh sống. 

"Chim làm tổ nhiều lắm Chín, cứ đà này mấy năm nữa A Lâu thành nhà của thú rừng. Mấy con nai, heo rừng không cho bà con vào hái đót, bẻ măng nữa không chừng", ông Phức nói vui rồi phóng xe đi. Được một đoạn ông dừng lại nói vọng: "Mấy ông có đi vô rừng thì đi dưới lòng suối và lối mòn lớn. Cẩn thận chứ có rắn nhiều lắm".

Cuộc giữ rừng A Lâu của người Prin Thành mấy chục năm qua luôn nhận được sự yêu quý của bao thế hệ lãnh đạo xã A Dơi. Ông Hoàng Khánh Hòa, phó chủ tịch UBND xã A Dơi, nói rằng A Lâu dù là cánh rừng tự nhiên duy nhất còn lại ở xã nhưng địa phương cũng không phải đau đầu bảo vệ. Tất cả nhờ vào "phên giậu Prin Thành". 

Ôg Hòa mở điện thoại đưa cho chúng tôi xem một cây rừng có hoa lạ mọc từ thân vừa được phát hiện trong đợt khảo sát rừng của kiểm lâm địa bàn và lãnh đạo xã dịp đầu năm.

Rừng gỗ trắc độc nhất vô nhị  ở Việt Nam khi nằm ngay giữa làng, bên con đường bê tông nối các thôn xóm, người Prin Thành giữ rừng trắc bằng lệ làng - Ảnh: TRẦN MAI

Rừng gỗ trắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam khi nằm ngay giữa làng, bên con đường bê tông nối các thôn xóm, người Prin Thành giữ rừng trắc bằng lệ làng - Ảnh: TRẦN MAI

Nhờ bà con thôn Prin Thành, rừng không bị xâm hại. Thậm chí rẫy quanh rừng A Lâu dần bị thu hẹp bởi cây tự nhiên phát triển, bà con cũng không chặt phá mà giữ lại cho rừng thêm rộng.
Ông HOÀNG KHÁNH HÒA

Rừng gỗ trắc giữa thôn Prin Thành

Không chỉ giữ rừng A Lâu, ở giữa thôn Prin Thành còn có một rừng gỗ trắc với khoảng 40 cây lớn nhỏ xanh tốt. Quần thể gỗ trắc này ở ngay bên con đường bê tông xuyên qua thôn Prin Thành. Già làng Hồ Văn Cơn nói rừng gỗ trắc đã ở đó hơn 50 năm và chưa mất một cây nào.

Để giữ rừng, người Prin Thành đã biến khu rừng nhỏ đầy gỗ trắc này thành "rừng ma" là nơi chôn cất người Pa Cô. Đây trở thành rừng chung, được bảo vệ bởi 10 dòng tộc người Pa Cô.

Đã có thời điểm người ta đến ngã giá tiền tỉ để mua rừng gỗ trắc nhưng người Prin Thành kiên quyết không bán. Đây cũng được xem là quần thể gỗ trắc cực kỳ quý hiếm còn sót lại ở miền núi Quảng Trị.

"Bà con biết rừng gỗ trắc thuộc nhóm 1, là nhóm gỗ quý nhất hiện nay. Nhưng càng quý càng phải giữ, bán đi thì mai này con cháu không còn rừng nữa. Nói chung, thôn Prin Thành chỉ có trồng thêm rừng chứ không phá bỏ rừng. Người trong thôn tự hào đã giữ được những cánh rừng xanh tốt", già làng Hồ Văn Cơn nói.

Du mục chăn ong giữa đại ngàn Tây NguyênDu mục chăn ong giữa đại ngàn Tây Nguyên

"Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật..." - lời hát trong bài Tháng 3 Tây Nguyên như lời mời gọi người nuôi ong giữa đại ngàn Tây Nguyên một mùa mật hoa cà phê thơm ngát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên