25/02/2021 12:50 GMT+7

Người cứu những quả thận hấp hối

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Lý do chọn nghề y của ThS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, trưởng khoa nội thận - thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, rất đặc biệt: từ nhỏ đến lớn chị luôn đau đáu, mong muốn được giúp đỡ những bệnh nhân từng mắc bệnh thận như ba của chị.

Người cứu những quả thận hấp hối - Ảnh 1.

ThS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Là bác sĩ phải thấu hiểu nỗi đau và hoàn cảnh của bệnh nhân. Bác sĩ không chỉ chữa bệnh về thể xác mà còn xóa được nỗi đau trong tâm hồn của họ.

ThS.BS Phương Thảo

Hơn 20 năm gắn bó với nghề y, ở tuổi 47, bác sĩ Phương Thảo luôn được bệnh nhân coi như chỗ dựa về mặt tinh thần trong lúc đau yếu, khó khăn, thậm chí tuyệt vọng.

Chọn nghề y để giúp người bệnh giống ba

"Cơ duyên nào khiến chị chọn ngành y vậy?", chúng tôi hỏi. Chị Phương Thảo thoáng buồn khi nhắc lại chuyện cũ. 11 tuổi, chị cùng gia đình trải qua cú sốc lớn: ba chị đột ngột ra đi. Thông tin mà gia đình chị nhận được là ba bị suy thận giai đoạn cuối. Ngày đó, chị không khỏi thắc mắc sao căn bệnh này lại khiến ba chị "ra đi" nhanh như vậy? Sao ba chị mới chỉ bị phù một chút đã không thể cứu chữa được nữa? 

Từ đó, trong lòng chị bắt đầu nhen nhóm hình ảnh người bác sĩ. Chị muốn theo ngành y với mong muốn có thể giúp đỡ những người mắc bệnh như ba chị được cứu chữa, những người thân trong gia đình của bệnh nhân không phải chịu nỗi mất mát đột ngột, nỗi đau bàng hoàng như gia đình chị từng phải chịu.

Thuở đó, có một người quen của gia đình cũng là bác sĩ. Và chị bắt đầu xin đi theo đến bệnh viện để tìm hiểu về nghề y. Càng tìm hiểu, chị càng thấy nếu trở thành bác sĩ giỏi chị sẽ giúp được rất nhiều bệnh nhân, rất nhiều gia đình. Thế là chị quyết tâm thi vào Trường đại học Y dược TP.HCM, dù truyền thống của nhà chị là làm nghề giáo viên.

Năm 1992, chị Phương Thảo thi đỗ vào Trường đại học Y dược TP.HCM. Chị học giỏi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên trong thời gian học đại học chị nhận được học bổng của nhiều tờ báo, trong đó có học bổng "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. 

Năm 1998, chị tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc và là một trong những sinh viên hiếm hoi được tuyển thẳng vào học bác sĩ nội trú. Lúc đó, các bác sĩ nội trú thường chọn chuyên khoa "hot" như tim mạch, riêng chị chọn học về thận học - một ngành học mà cho đến hiện nay cũng ít người theo đuổi vì cực nhọc, trầm lặng, không kiếm được nhiều tiền vì xung quanh phần lớn là những hoàn cảnh khổ đau. 

Tuy nhiên, càng tìm hiểu sâu về bệnh thận, chị càng thấy thích thú say mê. Theo chị, không những chị được đối đầu với những thách thức như những bệnh tự miễn phức tạp, những trường hợp tổn thương thận cấp, mà nếu điều trị kịp thời có thể cứu người ta khỏi tình trạng lệ thuộc thận nhân tạo; mà lỡ như có rơi vào giai đoạn cuối cũng còn muôn ngàn cách điều trị thay thế, giúp cho cuộc sống người bệnh ngày càng tốt hơn. 

Sau này, chị được sang Pháp tu nghiệp hai lần, trong khoảng ba năm này chị cũng tiếp tục học về chuyên ngành này.

Giúp bệnh nhân có một cuộc sống tốt hơn

Bác sĩ Phương Thảo kể về một chàng trai sau khi được chị điều trị bệnh viêm thận lupus giờ đã là một tiến sĩ toán tại Chicago (Mỹ), một sinh viên y khoa được chị vận động tiền từ các nhà hảo tâm để được ghép thận hiện đang học tiếp trường y để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. 

Có cả bệnh nhân sau khi được ghép thận đã tham dự cuộc thi "Cơ hội dành cho ai?" và đoạt được giải quán quân, trở thành giám đốc marketing trong một công ty xây dựng... Điều trị bệnh thận tốt sẽ giúp bệnh nhân có một cuộc sống tốt hơn, đồng thời cũng mang lại niềm vui cho người thân của họ.

Đối với các bệnh nhân, lúc đầu biết mình mắc bệnh suy thận mãn, hầu hết đều khó chấp nhận được sự thật này. Bệnh nhân đau khổ, tuyệt vọng khi nghĩ đến những ngày phải lệ thuộc vào chiếc máy chạy thận nhân tạo. Chị tư vấn cho bệnh nhân từng chút về căn bệnh này.

Chị là người khi khám bệnh hay nhớ hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân còn thân thiết với chị như người trong gia đình. Có chuyện vui, buồn gì họ cũng sẵn sàng chia sẻ với chị. Đối với chị, hạnh phúc của nghề đến với chị thật đơn giản, có thể đó là nụ cười của bệnh nhân khi được điều trị bệnh ổn định, những tin vui trong cuộc sống của bệnh nhân, những người bệnh được trở lại với cuộc sống đời thường và được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ...

Không chỉ trao yêu thương cho bệnh nhân mà chính chị cũng nhận được sự lan tỏa yêu thương từ nhiều bệnh nhân của chị. Có bệnh nhân cần ghép thận có hoàn cảnh khó khăn, lúc đầu gia đình không đủ tiền ghép thận, chị đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân này 110 triệu đồng. 

May mắn, vào phút chót gia đình này đã xoay được tiền và sẵn sàng trao số tiền này cho những bệnh nhân khác để được điều trị bệnh. Bệnh nhân nữ này lúc đầu nhận quả thận từ ba, không được tốt lắm nhưng khi nhận ghép kết quả lại tốt hơn cả những gì bác sĩ mong đợi...

Phải chăng cứ trao yêu thương, trao những điều tốt đẹp nhất cho người khác rồi chính mình sẽ nhận được sự yêu thương, tốt đẹp nhất trong cuộc sống này?

Tâm nguyện giúp người khó khăn

Hiện nay ngoài việc điều trị cho những bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ThS.BS Phương Thảo vẫn đang tiếp tục giảng dạy tại Trường đại học Y dược TP.HCM.

Chị Thảo chia sẻ: "Bệnh thận không giống như những bệnh khác. Bệnh thận thường phải điều trị lâu dài, tốn kém. Có những gia đình lúc đầu khá giả nhưng khi có người mắc bệnh thận đã thành khó khăn. Không thể để bệnh nhân không được điều trị bệnh chỉ vì họ không có tiền".

Do đó, ngoài việc đọc sách, trau dồi chuyên môn tìm hiểu những loại thuốc tốt nhất, những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, chị còn luôn đi tìm, kết nối với những nhà hảo tâm để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được điều trị bệnh thận.

"Phải cứu họ thoát khỏi chạy thận"

thsbshuynhngocphuongthao

BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo khám cho bệnh nhân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tính đến nay tôi đã ra trường hơn mười năm. Tôi từng nghĩ mình đã là một bác sĩ tốt, có tâm nhưng mãi cho đến khi được làm việc chung với cô Phương Thảo tôi mới cảm thấy choáng ngợp, hổ thẹn và học hỏi lại thật nhiều cả về kiến thức lẫn y đức của mình.

Ngày đầu làm việc, cô nói với tôi bất cứ lúc nào gặp khó khăn, ca bệnh khó, dù là nửa đêm tôi cũng có thể gọi cho cô, khi nào có thời gian rảnh cô sẽ dạy thêm. Ấn tượng của tôi về cô là một người làm việc từ tốn, cần mẫn và cực kỳ sâu sát. Khác với một người tuổi trẻ luôn thích nhanh nhảu, vội vã, khi đi trình bệnh, cô mở hồ sơ ra, lật từng tờ một từ trang đầu tiên, không bỏ sót một thông tin quan trọng nào.

Thời gian đầu tôi thường bị lúng túng khi bị cô hỏi những câu đơn giản như: bệnh nhân nhà ở đâu, làm nghề gì, có bảo hiểm y tế hay không, đúng tuyến hay trái tuyến, sau khi ra viện bệnh nhân nguyện vọng sẽ điều trị tiếp ở đâu... Bởi vì cô không chỉ quan tâm tới bệnh tình của bệnh nhân mà còn lo lắng họ có khả năng chi trả hay không để từ đó tìm ra phương án phù hợp nhất.

Khoa tôi thường đón nhận những bệnh nhân nhập viện khi đã suy thận quá nặng. Với kiến thức ít ỏi, thời gian đầu tôi thường không nghĩ tới chẩn đoán suy thận cấp vì các triệu chứng và xét nghiệm của bệnh nhân quá giống một người bệnh thận mãn giai đoạn cuối. Cô nhắn nhủ tôi: "Mình là bác sĩ bệnh viện tuyến cuối thì phải cố gắng làm thật tốt, không được bỏ sót bệnh, phải cứu họ thoát khỏi chạy thận, chứ nếu cứ đè bệnh nhân ra chạy thận thì ai cũng làm được".

Tôi còn nhớ có bệnh nhân lớn tuổi, bị tăng huyết áp và đái tháo đường lâu năm, hai thận đã teo, mọi yếu tố kết hợp lại đều cho thấy rất giống một bệnh nhân đã bị bệnh thận mãn giai đoạn cuối, thận không thể hồi phục, bệnh nhân sẽ gắn bó với máy chạy thận suốt đời.

Tuy nhiên, sau khi cô làm xét nghiệm thì phát hiện ra bệnh nhân đang bị tổn thương thận cấp do bệnh lý tự miễn, cần phải tích cực lọc huyết tương và chạy thận nhân tạo. Kết quả sau hai tuần điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi chạy thận định kỳ, chức năng thận hồi phục thành bệnh thận mãn giai đoạn 3 và bệnh nhân cảm thấy rất hạnh phúc.

Nhiều lần vấp ngã trong công việc, cô vẫn không quên động viên tôi cố gắng hơn. Cô không chỉ là người thầy nghiêm khắc mà còn rất quan tâm tới học trò của mình. Cô giáo tôi, sếp của tôi không chỉ là người thầy thuốc giỏi mà còn là người thân thấu hiểu nỗi lòng của bệnh nhân, có lẽ đây chính là điều tạo nên sự thành công của cô.

Tôi nhận ra rằng muốn là một lương y thì phải thật khiêm tốn để biết mình có chỗ chưa đúng, siêng năng đọc thêm tài liệu, và quan trọng hơn cả là phải có tình yêu thương chân thành với người bệnh.

Lê Chí Công (khoa nội thận - thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)

Nữ bác sĩ hiến máu cứu sản phụ thập tử nhất sinh sáng mùng 1 Tết Nữ bác sĩ hiến máu cứu sản phụ thập tử nhất sinh sáng mùng 1 Tết

TTO - Nữ bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê, Hà Giang đã hiến máu cứu sản phụ băng huyết sau sinh, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, khi sản phụ nhập viện sáng sớm nay, mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên