06/05/2020 06:07 GMT+7

Người bệnh COVID-19 tái dương tính không lây nhiễm cho cộng đồng

LAN ANH
LAN ANH

TTO - "Người bệnh tái dương tính COVID-19 không lây nhiễm" - ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khẳng định.

Người bệnh COVID-19 tái dương tính không lây nhiễm cho cộng đồng - Ảnh 1.

Bệnh nhân 137 Đ.V.B. trong vòng vây của báo chí, anh là người phải cách ly, điều trị dài nhất trong số 271 bệnh nhân cho đến nay - Ảnh: Lan Anh

Hiện Bộ Y tế có quy định tất cả bệnh nhân tái dương tính phải được tiếp nhận, cách ly, điều trị như bệnh nhân mới.

Theo ông Kính, COVID-19 khác với bệnh SARS 2003 và nhiều bệnh khác; bệnh SARS, MERS-CoV bệnh nhân khỏi là hết virus, virus cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. 

"COVID-19 bản chất cũng là virus corona giống hai bệnh kể trên, nhưng tính đột biến của virus này đa dạng, không ổn định như SARS và MERS-CoV, thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và miễn dịch của virus này"- ông Kính nói.

Và một trong những bất thường của COVID-19 là làn sóng tái dương tính ở bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh xuất hiện. Việt Nam ghi nhận 14-15 bệnh nhân tái dương tính, Hàn Quốc 260 bệnh nhân... 

"Ở người tái dương tính không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, người đó có biểu hiện hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng khi làm xét nghiệm lần cuối có kết quả tái dương tính" - ông Kính mô tả.

Ông Kính cho biết bản chất của xét nghiệm COVID-19 hiện nay là dùng kỹ thuật Realtime PCR có độ nhạy rất cao (98%). 

"Việt Nam hiện là một trong số ít ỏi các quốc gia có thể nuôi cấy, phân lập virus này, nên tất cả các ca tái dương tính quay lại chúng tôi theo dõi đều chuyển nuôi cấy, phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Tất cả các trường hợp đều có kết quả virus không mọc lại. Kết quả này cho thấy việc xét nghiệm dương tính chỉ là phát hiện cái xác, mảnh của virus, là kết quả của quá trình thải loại. Theo dõi dịch tễ tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản... đều không có lây nhiễm cho người nào, kể cả khi họ về cộng đồng cách ly, hoặc có tiếp xúc với người thân cũng không ghi nhận lây nhiễm" - ông Kính nói.

Bệnh nhân điều trị dài ngày nhất

Ngày 5-5 là ngày thứ 43 của bệnh nhân 137 - anh Đ.V.B. ở bệnh viện, đây có thể coi là bệnh nhân có thời gian điều trị, cách ly dài nhất ở Việt Nam. Anh B. cho biết anh từ Đức về Việt Nam và được đi cách ly tại Hà Nội, ngày thứ 9 của đợt cách ly anh có dấu hiệu ho, sốt, hơi đau vùng thắt lưng, xét nghiệm cho thấy dương tính với virus corona.

"Tôi bị lây nhiễm từ người cùng phòng trong thời gian cách ly, ngày 23-3 tôi được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị, đến 7-4 được công bố khỏi bệnh lần 1, được cách ly tiếp tại bệnh viện 14 ngày đến 21-4. Ngày 22-4 tôi được về quê thì chiều 23-4 ôtô của bệnh viện lại đón tôi quay lại vì kết quả xét nghiệm tái dương tính" - anh B. cho biết.

Vậy là anh B. tiếp tục trở lại bệnh viện. Anh được làm liên tiếp 3 xét nghiệm trong ngày 24-4, xét nghiệm cứ "chập chờn" nên anh được giữ lại theo dõi. Vì là bệnh nhân dương tính, anh được cách ly riêng một phòng để theo dõi.

Ngày 5-5, sau 11 ngày cách ly đợt 2, anh B. được công bố khỏi bệnh lần 2, nhưng anh phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tới.

Như vậy anh đã có 9 ngày cách ly trước khi dương tính, 43 ngày điều trị, cách ly tại bệnh viện và 14 ngày cách ly sắp tới. Nếu mọi việc ổn, anh B. sẽ có tổng cộng 66 ngày vừa điều trị, vừa cách ly.

Thêm 7 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trong đó có 2 ca tái dương tính Thêm 7 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trong đó có 2 ca tái dương tính

TTO - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông báo 5 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, trong đó có 2 ca dương tính lại là bệnh nhân 74 và 137 (dương tính lại sau gần 1 tháng điều trị và cách ly). Tại Ninh Bình cũng có 2 ca được ra viện.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên