04/02/2020 08:54 GMT+7

Ngừng tất cả lễ hội để phòng virus corona: Cơ hội chấn chỉnh?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ngày 3-2, không chỉ các lễ hội chưa khai mạc trong cả nước phải dừng tổ chức mà tại các tỉnh công bố dịch corona phải dừng tất cả lễ hội.

Ngừng tất cả lễ hội để phòng virus corona: Cơ hội chấn chỉnh? - Ảnh 1.

Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) - một lễ hội truyền thống đẹp còn được lưu giữ - Ảnh:NAM TRẦN

Mùa xuân năm nay, đất nước chứng kiến một mùa lễ hội im ắng hiếm có.

Đây có thể là cơ hội cho chúng ta cùng bình tâm nhìn lại những đẹp xấu của lễ hội trên cả nước.

Nhìn lại những hỗn loạn

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết từ sau năm 1990 với chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, các lễ hội truyền thống dần phục hồi. Nhưng cũng như các di tích được trùng tu nhưng bị biến dạng bởi sự trùng tu thiếu hiểu biết, các lễ hội được khôi phục không đầy đủ, bị sai lạc, biến tướng.

Khoảng 10 năm sau khi được khôi phục lại, các lễ hội trở nên quá tải. Ở một số nơi, lễ hội không còn là sự thăng hoa văn hóa nữa mà là sự quá khích của cộng đồng.

Trong thực tế những năm gần đây, xã hội đã không ít lần ngao ngán trước những đám đông quá khích dẫn đến chuyện khó coi ở nhiều lễ hội.

Từ chuyện ngất xỉu vì chen lấn xin ấn đền Trần (Nam Định) cho tới giẫm đạp lên nhau để tranh cướp, cướp phết cầu may ở lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp lộc chiếu ở lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), cướp giò hoa tre ở Hội Gióng (Hà Nội)...

Làm công tác thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội cả nước, phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc cho biết lễ hội đền Trần trước khi chuyển phát ấn đền Trần vào buổi sáng thì năm nào cũng hỗn loạn, có người bị ngất, bị thương phải khiêng qua tường cấp cứu. Năm 2011 có 26 người bị thương do tranh cướp ấn.

Gần đây nhất, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Canh Tý, du khách ồ ạt kéo về "ngôi chùa lớn nhất thế giới" - chùa Tam Chúc - khiến tình trạng chen lấn, tắc nghẽn và hỗn loạn xảy ra bởi hạ tầng và quản trị không đủ để phục vụ cho hơn 10 vạn người đổ về trong một ngày. Rất nhiều lời ta thán về tình cảnh này ở chùa Tam Chúc.

Ngừng tất cả lễ hội để phòng virus corona: Cơ hội chấn chỉnh? - Ảnh 2.

Cảnh chen lấn tại lễ hội khai ấn đền Trần năm 2018 - Ảnh: NAM TRẦN

Dành thời gian cho gia đình

Chị Hằng (Hà Nội) có thói quen năm nào cũng tới "phố ông đồ" ở Văn Miếu Quốc Tử Giám du xuân. Có năm chị xin chữ có năm không, nhưng dịp đầu xuân nào chị cũng đến đây như một điểm du xuân, hò hẹn bạn bè. Năm nay, lần đầu tiên trong hàng chục năm, chị Hằng không đến hội chữ vì corona.

Lễ hội chùa Hương chị cũng đành lỗi hẹn, nhưng hóa ra chị Hằng cũng không có thời gian để cảm thấy trống vắng bởi phải từ bỏ những thói quen đã ăn vào máu. Lo chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân, cùng công việc phải làm đã quá đủ để chị Hằng quên mất sự thiếu vắng lễ hội.

Còn họa sĩ Trần Đức Quyền vốn nhiều năm vẽ ký họa tại hội chữ xuân ở Văn Miếu năm nay cũng thu dọn đồ nghề nghỉ sớm vì hội quá vắng người. Mất một khoản thu nhập tốt nhưng anh Quyền lại sung sướng dành thời gian "bù đắp" cho gia đình, bởi mấy năm nay anh đều dành cả cái tết miệt mài vẽ ký họa ở hội chữ xuân trong khi vợ con về quê ăn tết với họ hàng.

Bà Tam ở Thái Nguyên vốn là một phật tử thuần thành, mùa lễ hội nào bà cũng đi khắp các chùa lớn nhỏ quanh vùng và cả các chùa ở tỉnh xa bởi các con cháu bà đều sống ở thành phố xa xôi.

Năm nay, các con liên tục gọi điện thoại nhắc bà hạn chế đi lễ hội, những nơi tụ tập đông người, lại nghe đài, tivi nói nhiều về dịch corona nên bà Tam đành tạm bỏ niềm vui tuổi già. Các cháu bà được nghỉ học nên bà đang tính sẽ lên thành phố chơi với các cháu trong những ngày hội đóng, chùa vắng.

Phải biết "chỉnh, sửa"

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho rằng dịp không may phải tạm dừng các lễ hội lần này nên được coi là cơ hội để hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa thật sự của các lễ hội và trả lại cho lễ hội những nét đẹp vốn có.

Theo ông, thời gian qua, nhiều lễ hội vốn là lễ hội làng rất đẹp đã bị đưa vào các yếu tố tâm linh, thu hút lượng khách lớn đổ về để phát triển thương mại cho địa phương khiến cho lễ hội trở nên mất kiểm soát, sai lạc.

Trong khi đó, các lễ hội mới được hình thành cũng phát triển theo hướng kinh doanh du lịch nên bức tranh lễ hội cả nước xấu xí đi nhiều.

May mắn là các hội làng ở quy mô làng xã, chưa bị thương mại hóa vẫn giữ được nhiều nét đẹp. Cộng đồng có thể tìm về các lễ hội làng này để hiểu vẻ đẹp thật sự của lễ hội mà gìn giữ và để sửa những cái sai.

Ngày 3-2, theo lịch là ngày chính thức khai hội xuân Yên Tử 2020. Năm nay, lễ khai hội không được tổ chức vì corona, nhưng lượng khách kéo về đây cũng vẫn khá đông.

Ban tổ chức cho biết lượng khách về Yên Tử ngày 2-2 là 8.345 khách, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các nơi đã công bố dịch corona Dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các nơi đã công bố dịch corona

TTO - Dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các nơi đã công bố dịch; tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, để tránh tập trung đông người, kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách…

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: lễ hội Corona virus