10/10/2017 18:26 GMT+7

Ngũ Hành Sơn - danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ 2: Ngọn núi Phật giáo

TRƯỞNG TRUNG
TRƯỞNG TRUNG

TTO - Từ nhiều thế kỷ trước, Ngũ Hành Sơn đã là một trong những địa điểm rất sớm in dấu chân khai phá của di dân Đại Việt trên đường Nam tiến.

Ngũ Hành Sơn - danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ 2: Ngọn núi Phật giáo - Ảnh 1.

Chùa Tam Thai, một trong hai ngôi quốc tự thời Minh Mạng trên ngọn Thủy Sơn. Tấm ảnh này do người Pháp chụp khoảng năm 1888-1924

 Tiền nhân không quên mang theo những tín ngưỡng truyền thống để biến nơi đây thành một vùng đất Phật với những ngôi chùa cổ.

Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây

Vua Minh Mạng

Ngũ Hành Sơn - danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ 2: Ngọn núi Phật giáo - Ảnh 3.

Nhà tu hành trên núi Ngũ Hành Sơn hồi đầu thế kỷ 20 - Ảnh: chụp lại từ ebay.com

Dấu xưa bia cổ

Chiếc thang máy chầm chậm đưa đoàn người lên ngọn núi Thủy Sơn. Từ bên trong nhìn ra ô cửa một vùng biển xanh ngắt với bãi cát dài gợn sóng. 

Khi thang chạm đỉnh, dãy Bạch Mã kéo liền tới Trường Sơn rồi toàn bộ quần thể đảo Cù Lao Chàm nằm trong tầm mắt.

Ông Lâm Minh Hùng, Việt kiều Pháp, trước làm nghề thợ ảnh, lặng lẽ quan sát kỹ những ngôi nhà quanh năm hòn núi. 

Tay ông đưa cao bức ảnh cũ kỹ chụp từ đài vọng cảnh trên ngọn Thủy Sơn với tiền cảnh là hai cậu bé bán nhang, hậu cảnh là ngọn Hỏa Sơn, xa hơn nữa vùng đồng bằng rộng lớn có vài ngôi nhà đơn lẻ được điểm xuyến bởi dòng Cổ Cò uốn lượn. 

Ông Hùng cố tìm lại những hình dung về vùng đất này thời điểm ông chụp bức ảnh trước những xoay vần thời cuộc.

"Khó mà nói hết được cái hình thế đặc biệt của ngọn núi khi lúc này đường lớn được mở tứ phía, nhà cửa đã vươn cao ăn vào chân núi. Lúc tôi ở đây người Mỹ vẫn chưa xây cầu nối đôi bờ sông Hàn. 

Sông Hàn và dòng Cổ Cò biến bãi cát ven biển này thành ốc đảo. Các ngọn núi này là một "điểm mạnh" trong khung ảnh dù tay máy có đứng cách đó cả chục cây số" - ông Hùng nói.

Trong các trang sử Việt, không có ghi chép về những người đầu tiên sống trên ngọn núi này. Nhưng bằng chứng về sự tu hành khổ hạnh của các thiền sư thì vẫn còn khắc trên vách đá mấy trăm năm qua.

Hai tấm bia khắc trên vách động Vân Thông (bia Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lặc) và động Hoa Nghiêm (bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật) còn đó như một chứng tích không thể xóa nhòa của thời gian. 

Cố GS Lê Trí Viễn, trong cuốn Cơ sở ngữ văn Hán - Nôm có đưa bài văn bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật vào phân tích. 

Khi bàn về niên đại bia, GS Viễn và cộng sự đã suy đoán năm Canh Thìn được ghi trong bia là năm 1640 dựa trên những lối sử dụng kỵ húy của các đời vua chúa. 

Những văn bia này nói về thiền sư Huệ Đạo Minh người Thanh Hóa, khi đến đây tu đã thấy "dấu Phật" quá đổ nát bèn phát tâm đứng ra quyên góp dựng lại chùa.

Khi đã có những bản dịch từ bia đá, sau này các chuyên gia đối chiếu với các địa danh làng xã cũng đã xác định bia Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lặc lập năm 1631. Như vậy có thể thấy sự hiện diện của Phật pháp đã ăn sâu vào lòng núi từ nhiều thế kỷ trước.

Dấu tích Chămpa thế kỷ 7

Dấu vết của con người ở núi Ngũ Hành Sơn có từ rất sớm, thể hiện qua các di khảo dưới chân núi.

Tại một số hang động trên núi hiện vẫn còn tồn tại hình thái thờ tín ngưỡng linga-yoni và một số bệ đá chạm trổ công phu.

Năm 2000, GS Trần Quốc Vượng và đoàn khảo cổ khi đó đã tiến hành hố khai quật dưới chân ngọn Thổ Sơn. Kết quả của cuộc khai quật cho thấy nơi đây từng là khu vực sinh sống của cư dân Chămpa từ thế kỷ thứ 7-9.

Ngũ Hành Sơn - danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ 2: Ngọn núi Phật giáo - Ảnh 5.

Chùa Linh Ứng, danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trong hai ngôi quốc tự thời vua Minh Mạng vừa được tôn tạo

- Ảnh: TR.TR.

Một núi hai quốc tự

Ngày chớm đông, chúng tôi theo chân sư thầy chùa Tam Thai đi một vòng quanh năm hòn núi trong chưa đầy hai cây số vuông này. 

Chúng tôi đếm được 14 ngôi chùa đang có người tu hành nhưng đó là chưa kể những danh tự một thời được sử chép như Thái Bình, Vân Phong, Phổ Đà... nay chỉ còn lại chút vết tích gạch đá.

Sư thầy Thích Đồng Phú chỉ bức không ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1888-1925 ghi lại toàn bộ kiến trúc chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn. 

Trong bức ảnh ấy có thể nhìn thấy năm khối nhà gạch mái ngói âm dương được xây kiên cố riêng lẻ, mỗi gian được bao bọc bằng tường rào gạch với lối ra vào bằng phẳng. 

"Thời bấy giờ nếu không được nhà vua phong là quốc tự thì khó có những công trình bề thế như vậy trên núi" - sư thầy Thích Đồng Phú cho biết.

Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng vua Minh Mạng có đến ba lần ngự giá lên núi thăm thú chùa chiền, hang động và ban thưởng hậu hĩnh cho các tự viện. 

Riêng hai ngôi chùa Tam Thai, Linh Ứng trên ngọn Thủy Sơn được vua ban sắc tứ, trở thành quốc tự của triều đình. 

Lần ngự giá đầu tiên của vua năm 1825, sử nhà Nguyễn chép rằng vua bảo thị thần: "Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây".

Sau chuyến đi này, vua Minh Mạng đã lệnh cho tôn tạo Ngũ Hành Sơn, trong đó chủ yếu là xây dựng và sửa sang các chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách... 

Ngày nay, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng vẫn còn lưu giữ một số hiện vật được tạo tác trong thời gian này là hai tấm biển gỗ do vua sắc ban ghi tên chùa. 

Chùa Tam Thai còn có một tấm biển bằng đồng hình quả tim có tia lửa vòng quanh, mặt trước có những dòng chữ được in rập từ chính ngự bút của vua Minh Mạng.

Lý giải về sự xuất hiện sớm của Phật giáo trên núi, nhà sư Thích Như Tịnh (chùa Viên Giác, Hội An) nhận định: Với một hệ thống hang động dày đặc thâm u, Ngũ Hành Sơn mặc nhiên trở thành nơi lý tưởng cho những ai có hạnh ẩn tu, xa lìa cõi tục. 

Từ những di chỉ của người Chăm để lại, chúng ta có thể biết người Chiêm Thành trước đây cũng đã chọn nơi này làm chỗ tế tự tín ngưỡng. Đến khi mảnh đất này thuộc về Đại Việt, Phật giáo Đại thừa từ miền Bắc theo dòng người di dân đã đến và đặt nền tảng tại đây. 

Chùa Tam Thai là một trong những ngôi cổ tự được người Việt lập khá sớm tại núi này, về sau những ngôi tự viện được kiến tạo thêm và nơi đây trở thành một trong các trung tâm Phật giáo lớn nhất xứ Quảng.

Từ lời kể của thiền sư Từ Trí (1852-1921), Albert Sallet, một người phương Tây đến Trung kỳ những năm đầu thế kỷ trước, đã cung cấp thêm một lý do vì sao nơi đây là một trung tâm Phật giáo được nhà Nguyễn nâng đỡ: công chúa Ngọc Lan, con vua Gia Long, cũng là em gái của vua Minh Mạng đã bí mật từ bỏ tất cả danh vọng để đến ẩn tu trong ngọn núi này.

*******************

Kỳ tới: "Danh thắng Đàng trong" trong mắt người nước ngoài

TRƯỞNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên