18/05/2022 11:32 GMT+7

Nghệ thuật tăng giá

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Giá cả đang nóng, lúc này nếu tăng giá dịch vụ công như điện, nước, viện phí, học phí... có khác nào ném cả hòn núi vào hồ nước gây dậy sóng.

Nghệ thuật tăng giá - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TP.HCM) trong giờ học. Theo dự thảo, bậc THCS ở các quận có mức tăng mạnh nhất, từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Người dân TP.HCM rất quan tâm đến đề xuất tăng học phí năm học mới. Tăng giá, phí là việc chẳng đặng đừng, nhưng tăng giá, phí mà không gây sốc, hay tạo ra nạn té nước theo mưa, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ công. Vậy tăng học phí thế nào để hàng triệu phụ huynh bớt lo lắng?

Muốn phụ huynh bớt lo lắng cần điều hành giá một cách nghệ thuật. Bởi lẽ, giá cả tăng không chỉ do chi phí đầu vào tăng hay khan hiếm... mà còn do kỳ vọng, lo lắng. Chính tâm lý lo lắng, kỳ vọng giá sẽ tăng càng làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. 

Việc tăng giá dồn vào một thời điểm rất dễ nảy sinh tâm lý này do ai cũng tăng giá dự phòng. Cụ thể, tháng 8 là lúc hàng triệu hộ gia đình phải mua sắm dụng cụ học tập, đồng phục cho con em mình, nếu thêm tăng học phí ở tháng 9, sẽ đẩy giá dịch vụ giáo dục lên cao. 

Vì vậy cần tránh tăng học phí ngay từ năm học mới, trùng với đợt mua sắm dụng cụ học tập của cả xã hội.

Có một kinh nghiệm cũng cần nhắc đến là tránh máy móc đề xuất tăng học phí theo lộ trình hay quy định. Chẳng hạn cơ quan chức năng đề xuất tăng học phí nhưng cơ quan thẩm quyền (HĐND) không quyết hay tạm hoãn cũng kịp... gây ra "hậu quả". 

Lý do là khi thông tin đề xuất tăng học phí loan ra, kéo theo tâm lý lo lắng giá cả tăng khó tránh tăng giá tát nước theo mưa, dù sau đó học phí không tăng.

Vậy tăng giá, phí dịch vụ công vào lúc nào? Lựa lúc thị trường trầm lắng, nhu cầu tiêu dùng ở mức bình thường, mùa thấp điểm, tránh dồn tăng giá dịch vụ vào ngày khai trường hay các tháng cuối năm có nhu cầu tiêu dùng tăng cao. 

Nói cách khác, thay vì ném tảng đá to (tăng giá, phí) xuống hồ (mặt bằng giá), phải phân tán ra, lựa lúc trời quang mây tạnh, sóng lăn tăn mà thả xuống.

Kinh nghiệm đã có. Đó là Bộ GD-ĐT từng đề nghị các địa phương đăng ký lộ trình, thời điểm dự kiến tăng học phí vào một thời điểm. 

Hay có năm Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm dừng tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh trong bối cảnh vừa mới tăng giá xăng dầu và điện để hạn chế tối đa tác động đến chỉ số giá. Thậm chí "phân công", đô thị A tăng trước, sau đó đến đô thị B... 

Chính phủ cũng đã nhiều lần đưa ra cam kết không tăng giá điện trong thời gian nhất định để tránh gây tâm lý giá cả sẽ tăng.

Vận dụng nghệ thuật tăng giá cũng sẽ có hệ lụy, đó là ngành giáo dục không đủ nguồn thu để chi trả và nâng chất công tác dạy và học. 

Nhưng cân đo giữa bảo vệ túi tiền với phải có thêm chi phí để nâng chất dạy và học, có lẽ việc tránh "viêm túi" cho hàng triệu hộ gia đình ở thời điểm này vẫn cần được ưu tiên. Bởi túi tiền của các gia đình còn phải chi cho xăng, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác đang rậm rịch tăng giá.

Cả thế giới đang điêu đứng vì giá cả tăng. Vì vậy, đây là lúc cần phải vận dụng tối đa nghệ thuật điều hành giá hay tăng giá dịch vụ công để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của giá cả đến đời sống người dân. Bài học này không chỉ áp dụng với học phí, cả viện phí, phí bảo hiểm... Khi trời sáng, tăng giá cũng đâu muộn.

Cơm, phở Cơm, phở 'ăn theo' xăng tăng giá

TTO - Nhiều người dân, nhất là người có thu nhập thấp, đang chịu ảnh hưởng mạnh với đà tăng của giá xăng dầu khi giá hầu hết các loại hàng hóa đều tăng. Ngay cả những đĩa cơm, tô phở... vỉa hè cũng bắt đầu tăng giá trước sức ép chi phí tăng.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên