01/09/2019 10:46 GMT+7

Nghệ sĩ Trần Hạnh: 'Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai!'

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Sau ba lần trượt danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), lần này nghệ sĩ Trần Hạnh đã... trúng bằng một hồ sơ đặc cách. Nghệ sĩ cười: 'Tôi vui lắm chứ. Vui vì vừa được nhận danh hiệu, vừa được gặp lại thánh đường của gần 50 năm trước'.

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai! - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Trần Hạnh - Ảnh: TRẦN HUẤN

Những buổi sáng áp tết năm kia, tôi thường la cà qua cửa hàng Hồng Quân của con trai NSND Trần Hạnh (trên phố Trần Quý Cáp, phía sau ga Hàng Cỏ) để ngồi... buôn chuyện với ông.

Năm ấy ông còn khỏe, sớm sớm vẫn ra cửa hàng từ tờ mờ sáng phụ con dâu - người con ông luôn khen là "dâu hiếm" - dọn rồi trông hàng.

Chừng 10h là ông tự lái chiếc Cub 50 trở về nhà - ngôi nhà nho nhỏ nằm sâu trong ngõ Linh Quang mà ông sống cùng gia đình anh Quân. Buổi tối ông lại ra với quán xá, phố phường.

NSND Trần Hạnh là người sống rất khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác. Ông thực sự là một nghệ sĩ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa, trọn vẹn với vai diễn của mình, kể cả chỉ là vai phụ cũng luôn để lại ấn tượng tốt đối với khán giả.

Ông Trương Nhuận (nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai! - Ảnh 3.

Năm nay NSND Trần Hạnh đã 90 tuổi, dù mắt mờ, chân chậm nhưng giọng ông luôn giòn khi kể chuyện về sân khấu - Ảnh: Đức Triết

Nhốt mình để... ngâm thơ

Ngồi bên những quần áo, giày dép, NSND Trần Hạnh đeo cặp kính râm, miệng ngâm nga đôi câu thơ: "Tết nhất lòng càng nhớ Nhị Khê/ Mười năm biền biệt chẳng khi về/ Lần trong gang tấc xa nghìn dặm...".

Mặc phố phường ồn ã, ông sang sảng giới thiệu: "Câu đó ở trong vở Lam Sơn tụ nghĩa. Nguyễn Trãi - Trần Hạnh nói đấy", để rồi tìm về ký ức năm xưa - ký ức thánh đường rực rỡ với một Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa, thằng Uôm trong Âm mưu và tình yêu, hay một Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi... - ba vở diễn mà ông nhớ nhất.

Với vai Nguyễn Trãi trong kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, điều "hóc" với ông là phần ngâm thơ chiếm phần lớn. Thế là ông đi học ngâm thơ chỗ nghệ sĩ Linh Nhâm, nghệ sĩ Hoàng Phú. Nhưng khổ thay, lúc về ngâm cho đạo diễn Trần Huyền Trân nghe, đạo diễn lắc đầu bảo không được vì thơ trong Lam Sơn tụ nghĩa không phải là thơ mới mà là thơ cổ nên giọng ngâm cũng phải theo lối cổ đó.

Chẳng biết học ai thì ông đành nhốt mình trong nhà liền một tháng chỉ để... ngâm thơ! Lúc nào thấy oải, ông lóc cóc tìm đến các đoàn chèo, cải lương học... bước đi, đứng, vung tay theo lề lối của người xưa.

Và thành quả một tháng "tu luyện" cuối cùng đã nhận được sự hài lòng của đạo diễn cũng như sự mến mộ của khán giả. Vai diễn đó cũng đã mang về cho ông huy chương vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962.

Tủm tỉm cười, Trần Hạnh bảo hồi trẻ ông đẹp trai, thư sinh kiểu người Hà Nội chứ không... nhàu nhĩ khiến nhiều người xem phim rồi bảo nghệ sĩ nông dân giữa thủ đô. Chẳng thế mà ở một cuốn sách, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã dành tặng ông lời khen, đại thể riêng có Trần Ngọc Hạnh có dáng dấp của người Hà Nội khi đóng vai Nguyễn Trãi.

Còn với vai diễn thằng Uôm trong Âm mưu và tình yêu (Sinler), ông nhớ mãi lần tập kịch với đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi. Vai diễn này có hai trang thoại thế nhưng đạo diễn cắt phăng rồi yêu cầu Trần Hạnh: "Không nói mà vẫn phải ra thằng Uôm".

Mất ba ngày tập ròng rã, thử đủ kiểu mà đạo diễn vẫn lắc đầu. "Sang ngày thứ tư, tôi đã khoác cả cái áo choàng đen, kín mặt, chỉ lộ đôi mắt sắc lạnh cùng đôi tay khúm núm mà lại tàn nhẫn để... diễn cho ra cái sự thâm độc của thằng Uôm thì ông ấy mới chịu".

Nháy mắt thích thú, ông bảo rất may khi được cụ Trân và cụ Nghi trui rèn như thế.

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai! - Ảnh 4.

Năm nay NSND Trần Hạnh đã 90 tuổi, dù mắt mờ, chân chậm nhưng giọng ông luôn giòn khi kể chuyện về sân khấu - Ảnh: Đức Triết

Nhớ dưa, nhớ cà...

Ngày 29-8, nghệ sĩ Trần Hạnh mặc bộ vest xám rộng, lên ôtô của cô con gái cả rồi đến Nhà hát lớn trước giờ nhận danh hiệu những một tiếng đồng hồ. Con gái cả của ông, chị Trần Thị Dung, luôn ca cẩm cha mình sống quá đỗi giản dị, nền nếp trước sau, ân tình như người xưa nên trở thành... khó tính. Và dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không bao giờ phụ thuộc vào ai.

Hôm đi nhận danh hiệu NSND, ông đã định tự đón xe ôm đến Nhà hát lớn chứ không nhờ con cái phải đưa đi. Hay ngày xưa, ông có chỉ tiêu được làm đơn xin cấp nhà ở nhưng ông từ chối với lý do thấy "gia đình tôi đã đầy đủ hơn mọi người nên không xin".

Tết vừa rồi ông gặp trận ốm thập tử nhất sinh. Lúc ăn được, ông chỉ nhớ dưa, nhớ cà... - nỗi nhớ của tuổi thơ dòng dõi con nhà tư sản nhưng sớm mồ côi cha phải bươn chải từ dân quân tự vệ làm đường sắt ở Lào Cai đến đi đóng giày ở hợp tác xã chỗ Tràng Tiền, và cuối cùng trụ lại với sân khấu kịch dù chẳng hề qua một trường lớp đào tạo nào.

Lúc say kịch rồi, về nhà mặc vợ bận cơm nước, con khóc mè nheo, ông cứ một mình ngâm thơ, thuộc thoại... nhiều lúc làm bà bức mình kêu ca mà chẳng ngăn nổi tình yêu của ông. Nhưng lúc đã tìm ra vai diễn, mỗi đêm khuya đi diễn về, ông lại xách đôi thùng ra bể công cộng xách nước về cho vợ con đến 1-2h sáng.

Trước hôm đi nhận danh hiệu NSND, Trần Hạnh thủ thỉ: "Ngoài vui vì được gặp lại thánh đường thì tôi rất nhớ nhà tôi. Giá như được sớm hơn thì đã có bà ấy đi cùng".

Chẳng là ngày trước, mỗi khi có cuộc gì quan trọng của ông là thể nào bà cũng đi cùng dù trên tay ẵm con nhỏ. Nhưng bà mất đã được hơn 10 năm. Tính ra nếu không bị trượt danh hiệu NSND ba lần, mỗi lần cách nhau khoảng 5 năm thì đúng là bà vẫn có thể vui cùng ông.

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai! - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Trần Hạnh (trái) vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch Lam Sơn tụ nghĩa (1962) - Ảnh tư liệu Nhà hát Kịch Hà Nội

"Nguyễn Trãi" ngất trên sàn diễn

Khác với tết năm kia còn vèo vèo phóng xe máy về cả chùa Thầy ăn tết quê ngoại, còn lập lòe đầu môi điếu thuốc Thăng Long, năm nay NSND Trần Hạnh yếu đi rất nhiều. Ông bị nặng tai, đôi mắt gần như không nhìn thấy (một mắt mờ hoàn toàn, một mắt chỉ còn 5%); tay, chân run run. Ông cũng đã bỏ hẳn thuốc lá.

Duy còn giọng nói của ông vẫn giòn, chẳng có gì là "gió thoảng" như thường thấy từ một ông lão tuổi 90. Giọng nói ấy còn giòn hơn bao giờ hết khi nhắc đến sân khấu, đến những bạn nghề Trần Vân, Phạm Bằng, Thanh Tú, Hoàng Thanh Giang, Đam Ka, Minh Trang...

Ông hoan hỉ lục tìm ký ức những tháng ngày cháy trên sân khấu, những năm sân khấu bán vé sướng tay. Đoàn kịch Hà Nội đỏ đèn ngày ba ca diễn ở rạp Đại Nam hoặc Nhà hát lớn là chuyện bình thường.

Riêng với mình, ông không thể quên hôm vào ca hai cho vở kịch Lam Sơn tụ nghĩa ở rạp Đại Nam và bị xỉu ngay trên sân khấu khi đang diễn màn thứ ba. Cánh gà vội khép lại, khán giả vẫn trật tự ngồi chờ. May hôm đó có bác sĩ đến xem nên cấp cứu kịp thời. Lúc tỉnh dậy, ông lại tiếp tục hóa thân vào Nguyễn Trãi như chưa hề có điều gì xảy ra.

NSND Trần Hạnh ít chuyện về cuộc sống, về quãng đời phải xoay như chong chóng với năm đứa con, nhưng lại có cả kho truyện về sân khấu mà ông có thể sôi nổi kể mãi.

Còn với điện ảnh, ông bảo đấy là vai thứ hai trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, cũng "sôi nổi" đến tận năm ngoái khi ông đã 89 tuổi và bị trận ốm nặng.

Trên màn ảnh, ông đóng đinh với hình ảnh lão nông nghèo, hiền lành, khổ hạnh với những Người cầu may, Chiếc bình tiền kiếp, Nước mắt đàn bà, Làng nổi, Ngõ lỗ thủng... chứ không được thỏa sức trong muôn tính cách khác nhau như trên sân khấu kịch.

"Chỉ có kịch là say..." - NSND Trần Hạnh cười khà khà...

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Dù nghèo, vất vả nhưng rất... kiêu, không phụ thuộc ai! - Ảnh 6.

Trần Hạnh (phải) và Trần Vân trong vở Hẹn ngày trở về - Ảnh tư liệu Nhà hát Kịch Hà Nội

"Bố truyền niềm lạc quan vào cuộc sống"

Chị Trần Thị Dung kể: "Bố tôi vẫn dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Bữa ăn có su hào muối, ông động viên chúng tôi: đấy là đang ăn thịt bò kho cho ngon miệng; nồi cơm vừa xới một lượt là hết, ông bảo nhà mình còn sướng hơn nhiều nhà khác.

Ông luôn động viên chúng tôi hãy cố gắng học hành tử tế, dạy chúng tôi nếp thưa gửi, cách gấp, phơi quần áo, để dép thế nào cho gọn... Ông ngâm thơ rất hay nên thường hát ru cho chúng tôi ngủ.

Bố tôi đã truyền cho chính tôi tình yêu, niềm lạc quan về cuộc sống - một cuộc sống luôn màu hồng ấm áp, vui tươi".

Lễ trao tặng danh hiệu NSND: Minh Vương, Trần Hạnh được vỗ tay không ngớt Lễ trao tặng danh hiệu NSND: Minh Vương, Trần Hạnh được vỗ tay không ngớt

TTO - Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT xúc động với rất nhiều niềm vui của các nghệ sĩ đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 29-8.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên