03/05/2021 09:40 GMT+7

Nghệ nhân Lê Khắc Tùng qua đời, đờn ca tài tử lại vắng một tiếng đàn

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Biết thầy sống chung với bệnh vài chục năm nay, song tin thầy Lê Khắc Tùng (các nghệ danh khác là Thanh Tùng, Lê Thanh) qua đời vẫn làm nhiều học trò thảng thốt.

Nghệ nhân Lê Khắc Tùng qua đời, đờn ca tài tử lại vắng một tiếng đàn - Ảnh 1.

Nghệ nhân Thanh Tùng chỉ dẫn cách bấm phím cây đàn sến - Ảnh: PHƯƠNG ANH

Mấy chục năm qua, mái hiên nhỏ dưới tán tầm vông trong ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã thành "chốn bình yên" của bao người. Bao lứa học trò thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề đã đến đây học đàn, học ca. Họ đến rồi đi, nhưng dường như trong lòng ai cũng yên tâm ở đó luôn có "ông thầy đờn" sẵn lòng ngỏ cửa đón họ trở lại bất cứ khi nào.

Học trò có người kiên nhẫn nuôi đam mê, người nản lòng bỏ cuộc chơi chỉ sau thời gian ngắn nhưng tất cả đều được thầy tiếp đón, chỉ dạy với tấm lòng tận tụy.

Không kỳ vọng gì to tát, thầy mong ai đến cũng tìm được niềm vui nho nhỏ giữa cuộc sống bộn bề, áp lực. Thầy dạy trò giữ nhịp cho ngay khi đờn hay ca, những mong trò biết "giữ nhịp" đời mình sao cho thong thả. Mỗi lúc thấy trò ca trúng nhịp, đúng hơi, hay nhấn được một chữ đàn đúng như mong đợi, ông thầy chỉ hạnh phúc mỉm cười một mình. Không nghe thấy thầy khen, nhưng nhìn được nét cười đó, học trò nào cũng mãn nguyện.

Trong giới nghệ nhân đờn ca tài tử, không mấy ai có thể thành thạo cả 11 loại nhạc cụ như Nghệ nhân nhân dân Lê Khắc Tùng. Khởi đầu học đàn kìm nhưng niềm say sưa đã khiến ông chơi thành thạo được nhiều nhạc cụ khác như tranh, sến, bầu, ghita phím lõm, tiêu, cò, gáo, tỳ bà, violon...

Không chỉ soạn lời cho rất nhiều bản vọng cổ, 20 bản tổ của đờn ca tài tử, ông cũng là người đã sáng tác ba bài lý (Lý vườn rau, Lý vườn trầu và Lý đồng quê) làm giàu thêm kho tàng các bài ca, điệu lý của đờn ca tài tử phương Nam nói riêng và của âm nhạc dân tộc nói chung.

Ai cũng hiểu sinh tử là quy luật tạo hóa, nhưng sau các tên tuổi lớn như GS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo, sự ra đi của một nghệ nhân lớn nữa trong làng đờn ca tài tử vẫn thật ngậm ngùi. Bởi nhìn đi nhìn lại, lĩnh vực này, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, đang chứng kiến sự đứt đoạn trong đội ngũ kế thừa.

Mấy chục năm dạy học trò cho tới ngày nhắm mắt, có lẽ thầy Tùng được an ủi phần nào khi ông đã có được một truyền nhân xứng đáng. Anh Đặng Thành Được - học trò đã theo học ông từ năm 2003 - giờ đang nối nghiệp thầy, truyền dạy đờn ca tài tử cho các em nhỏ tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Hóc Môn, Trung tâm Văn hóa Củ Chi và nhiều cụm văn hóa khác ở TP.HCM và Bình Dương.

Nghệ nhân Lê Khắc Tùng nguyên là phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, nguyên chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa TP.HCM. Ông đã soạn lời cho hơn 200 bài vọng cổ, bài bản cải lương và góp phần xây dựng hơn 40 CLB đờn ca tài tử tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Tháng 3-2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực "Nghệ thuật trình diễn dân gian" để tôn vinh những đóng góp lớn trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Do tuổi cao sức yếu, Nghệ nhân nhân dân Lê Khắc Tùng qua đời ngày 30-4, thọ 77 tuổi. Lễ an táng được tổ chức ngày 3-5 tại quê nhà Hóc Môn.

Đờn ca tài tử sao hóa thành âm nhạc nghiệp dư!? Đờn ca tài tử sao hóa thành âm nhạc nghiệp dư!?

TTO - Trên nhiều trang web tiếng Anh về văn hóa và con người Việt Nam, tên của đờn ca tài tử vẫn hay được dịch là 'amateur music'.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên