08/08/2023 14:21 GMT+7

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Bạn đọc lý giải nguyên nhân và chỉ cách khắc phục

Trong khi BQL dự án cho biết sẽ cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành để khảo sát tìm nguyên nhân chính xác gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thì bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng điều này không khó và chỉ cách khắc phục.

Ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: CTV

Ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: CTV

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục BẠN ĐỌC LÀM BÁO giới thiệu ý kiến tâm huyết dưới đây của bạn đọc.

"Theo tôi, lý do chính gây ngập úng là vì vị trí chọn để cao tốc băng qua sông Phan chưa tối ưu (như vị trí quốc lộ cạnh đó băng qua sông Phan).

Nguyên tắc căn bản định vị nơi xây cầu để chỉ cần xây một đoạn cầu ngắn băng qua dòng chảy, mà không cần xây đường dẫn dài nâng cốt nền hai bên dòng sông để chống ngập, là phải chọn điểm cắt qua dòng sông là nơi dòng sông chảy thẳng vài km về phía hạ lưu, không có đoạn cong thế năng.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: thanh thải lòng sông chưa phải là giải pháp tin cậy

Vị trí cắt ngang sông Phan của cao tốc mới xây vi phạm nguyên tắc này tới 2 lần. Dòng chảy quanh co của một dòng sông có 2 loại: thế năng và động năng. Sông Phan đoạn kế cạnh cầu cao tốc mới xây là loại quanh co vì thế năng, do không có đủ chênh lệch về độ cao để chảy thẳng.

Quanh co vì động năng là nơi có dòng nước chảy mạnh, và động năng muốn chảy thẳng của dòng chảy bào mòn khiến một vết cong nhỏ của dòng chảy dần dần trở thành một vòng cong lớn.

Vị trí cao tốc cắt ngang sông Phan là nơi dòng chảy bị thế năng bẻ ngang. Rồi ngay sau đó dòng sông Phan bị vướng thêm một gò cao và to rộng hơn nữa nên phải chảy gần như một vòng tròn.

Muốn đào để hạ độ cao mực nước ứ lại làm ngập cao tốc do vậy phải đào giải tỏa 2 điểm cản thế năng đó: một điểm là ngay sau đoạn quẹo của dòng sông Phan khi cắt qua cao tốc.

Và điểm thứ hai là ngay sau vòng tròn dòng chảy dưới hạ lưu cách vài km.

Cụ thể, cần đào hạ thấp 2 điểm cản đó một lượng đất đủ để duy trì độ dốc đáy dòng sông khoảng 2 phần ngàn so giữa điểm đầu vào và điểm đầu ra của mỗi đoạn cong thế năng".

Ý kiến bạn đọc PHONG VU

Có thể tư vấn thiết kế chưa kể đến ảnh hưởng của thoát nước dọc. Khi chưa có đường cao tốc, tốc độ thoát nước dọc bị hạn chế do có cây cỏ cản lại nên nước chảy ra sông Phan một cách từ từ, do đó sông Phan đủ sức tải lượng nước.

Khi có đường cao tốc, nước từ nơi lân cận theo rãnh thoát nước dọc của đường cao tốc chảy nhanh về cống thoát ngang và thoát nhanh ra sông Phan.

Vậy, sông Phan tiếp nhận lượng nước nhanh hơn trước, không đủ thời gian để chuyển tải về hạ lưu nên nước bị dềnh lên và gây ngập.

Ý kiến bạn đọc LÊ VĂN DIỆP

Có gì đâu mà không biết nguyên nhân. Theo tôi, có 2 nguyên nhân dưới đây:

- Một là tại mưa xuống mà cống không kịp thoát nước do cống bị rác gây nghẹt cộng với mặt đường bị trũng ở khúc nào thì sẽ gây đọng nước ở khúc đó.

- Hai là do mặt đường và cống thấp hơn mặt nước sông khi thủy triều dâng cao sẽ gây ngập nước ở mặt đường.

Không biết khi xây dựng đường cao tốc, bên thiết kế có để ý tới lưu lượng nước sông khi dâng cao không nữa. Giờ thì chỗ nào bị ngập có thể trải nhựa tráng chỗ đó cao hơn sẽ không bị ngập thôi.

Ý kiến bạn đọc Ly Nguyen Khanh

Chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu GiâyChưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết sẽ cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành để khảo sát tìm nguyên nhân chính xác gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên