Ngành thép lao đao

ĐÔNG HÀ (HUẾ) 20/11/2022 07:02 GMT+7

TTCT - Ngành thép đang lao đao vì nhu cầu giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.


Ngành thép lao đao - Ảnh 1.

Lượng thép tồn kho của các công ty hiện nay khá lớn. Trong ảnh: thép xây dựng thành phẩm sản xuất tại một nhà máy thép ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Khó khăn chồng chất

Các KCN ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là thủ phủ của ngành thép ở phía Nam. Tại đây có 20 nhà máy thép với tổng công suất thiết kế khoảng 12 triệu tấn/năm. Sản phẩm thép của các nhà máy thép tại đây gồm: phôi, cán nóng, cán nguội, xây dựng, cuộn, mã kẽm, nhúng kẽm… Tổng số công nhân trong các nhà máy trên gần 8.000 người.

Cuối tháng 9 và 10-2022, hai công ty thép lớn tại Phú Mỹ đã phát đi thông báo "tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch, ngừng sản xuất dài ngày trong tháng 10, 11 và 12-2022" và "chấm dứt hợp đồng vì lý do kinh tế". 

Lý do là bởi "khó khăn chồng chất" khi hậu quả của dịch COVID-19 chưa khắc phục xong thì xung đột Nga - Ukraine xảy ra, đẩy giá dầu lên cao, khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng theo, trong khi đó giá thép, phôi thép giảm liên tiếp. 

Trong thông báo, công ty thép ở Phú Mỹ này phải đóng cửa một lò thép, không còn lựa chọn nào khác là phải cho công nhân một số bộ phận thôi việc. Một công ty thép khác lý giải do nhu cầu thép xây dựng trên thế giới và nội địa giảm sút vì các dự án đầu tư bất động sản trì trệ nên phải giảm sản xuất.

Hiện có công ty thép chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 50% công suất. "Nếu tiếp tục làm ra sản phẩm, chưa nói đến thị trường không có nhu cầu thì cũng không có nhà máy nào đủ nhà kho để lưu trữ hàng tồn. Do đó biện pháp cuối cùng là phải giảm sản lượng", một người làm trong ngành thép cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một người kỳ cựu trong ngành sản xuất thép cho biết nhu cầu thép sụt giảm mạnh là do nhiều nước sợ lạm phát, không muốn cho tăng trưởng "nóng". Cộng thêm chính sách "zero COVID" của Trung Quốc và xung đột ở Nga - Ukraine kéo dài. "Tất cả những yếu tố trên đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng", vị này nói.

Lo công nhân bị mất việc

Đầu tháng 11-2022, đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với một công ty thép ở Phú Mỹ về vấn đề lao động và bảo hiểm xã hội. Đại diện công ty này cho biết từ giữa tháng 9-2022 một lò luyện cao tần của họ đã ngưng hoạt động. 

Công ty này nợ khoảng 5 tỉ đồng tiền BHXH và đã thống nhất với cơ quan bảo hiểm là trả theo hình thức gối đầu, với cam kết trả hết tiền nợ BHXH vào cuối năm 2022. Trước đây công ty có khoảng 1.200 công nhân nhưng đến đầu tháng 11-2022 chỉ còn gần 900 người. 

Trong số hơn 300 người không còn làm việc ở công ty, có hơn 180 người xin nghỉ việc hoặc công ty chấm dứt hợp đồng, còn hơn 130 người chuyển sang làm việc cho một công ty thép khác ở Phú Mỹ.

Gần 900 người còn làm việc tại công ty cũng đối diện một tình hình không khả quan, dù công ty bố trí làm việc đủ giờ nhưng hiệu suất chỉ đạt 70-80% do không có nguyên liệu đầu vào. Và không làm thêm giờ nên thu nhập của họ giảm so với trước.

Một người có trách nhiệm của công ty trên cho biết họ chỉ cắt giảm lao động ở những khâu không quan trọng như tạp vụ, vệ sinh, thời vụ. Họ cố gắng duy trì, vượt qua giai đoạn này, giữ những công nhân chủ chốt để khi nhà máy hoạt động hết công suất trở lại thì có nhân lực. 

"Những công nhân giỏi và lành nghề đã gắn bó với mình mấy chục năm rồi, giờ mới khó khăn thì không thể sa thải họ ngay. Do đó chúng tôi vẫn duy trì 70-75% nhân viên chủ chốt", vị này cho biết.

Anh Hưng, một công nhân ngành thép vừa phải nghỉ việc, nói rằng anh rất thông cảm với nhà máy, công ty, việc anh phải chấm dứt hợp đồng lao động là do tình hình chung, gần như bất khả kháng. 

"Tôi mong tìm được việc mới để có thu nhập lo cho cái Tết sắp đến. Tôi mong ngành thép hoạt động ổn định trở lại để quay lại làm việc vì mình đã quen với công việc ở đây", anh nói.

Ông Nguyễn Anh Triết, trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ông đang rất lo lắng cho công nhân của ngành thép tại tỉnh vì chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Tết. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận