23/02/2018 09:17 GMT+7

Ngán ngẩm với Đà Lạt kẹt xe y chang TP.HCM lúc cao điểm

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Hai năm trở lại đây, tết hoặc mỗi dịp cuối tuần hay những đợt nghỉ lễ, những con đường dẫn vào trung tâm TP Đà Lạt lại tắc nghẽn nghiêm trọng.

Ngán ngẩm với Đà Lạt kẹt xe y chang TP.HCM lúc cao điểm - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Chí Thanh (TP Đà Lạt) gần như ùn tắc mỗi ngày - Ảnh: MAI VINH

Nhiều du khách mất cảm xúc ngay khi vừa đến cửa ngõ Đà Lạt gặp cảnh kẹt xe. Đà Lạt không còn rộng rãi bạt ngàn và ngăn nắp, cuộc sống người dân địa phương cũng bị xáo trộn.

Kẹt đường cục bộ

"Giống y chang TP.HCM vào lúc cao điểm" là nhận định của du khách Nguyễn Hoàng Năm (Q.Tân Phú, TP.HCM) khi tìm cách lái xe ra khỏi khu vực hồ Xuân Hương. 

Người dân Đà Lạt cũng ngán ngẩm với tình trạng kẹt đường. Bà Nguyễn Diễm Phương (P.4, TP Đà Lạt) nói: "Chiều mùng 3 tết, tôi lái ôtô đi 2km vào trung tâm mất hết 70 phút".

Dịp tết, khách du lịch đến Đà Lạt đông, những con đường dẫn về trung tâm TP Đà Lạt xe nối đuôi nhau đi như rùa bò. Đèo Prenn - cửa ngõ vào nội ô TP Đà Lạt - dù được nâng cấp mở rộng nhiều lần nhưng vẫn kẹt trong dịp tết. 

Thời điểm kẹt xe nặng nhất từ 7h-10h và từ 16h-19h. Cơ quan chức năng ghi nhận kẹt xe nghiêm trọng là các nút giao thông quanh hồ Xuân Hương và những cung đường dẫn về hồ Xuân Hương, khu Hòa Bình.

Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cấu trúc giao thông của Đà Lạt góp phần gây tắc nghẽn ở TP này. Khu vực phía bắc và phía nam TP có nhiều khách sạn, nhà hàng, điểm dịch vụ du lịch. 

Du khách muốn đi từ phía nam (cửa ngõ TP) qua phía bắc hoặc ngược lại đều phải đi qua khu vực này. Khi du khách di chuyển với số lượng lớn sẽ tạo thành luồng thì áp lực giao thông đổ dồn lên các điểm ở trung tâm.

Ngán ngẩm với Đà Lạt kẹt xe y chang TP.HCM lúc cao điểm - Ảnh 2.

Dòng xe ùn ứ ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt - Ảnh: M.VINH

Lỗi tại khách sạn?

Ông Trương Hữu Hiệp, giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng tất cả các khách sạn, nhà nghỉ lớn ở Đà Lạt gần như tập trung ở trung tâm TP. Tại Đà Lạt có hơn 1.000 khách sạn với khoảng 17.000 phòng, sức chứa khoảng 50.000 khách/đêm. 

Đây là thống kê chưa tính những cơ sở lưu trú gia đình kinh doanh theo hình thức homestay, ước tính các cơ sở này có số phòng bằng khoảng 20% số phòng của các khách sạn, nhà nghỉ.

Theo ghi nhận, có những con đường dài chưa tới 1km nhưng có hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ như Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Bội Châu. 

Còn những con đường khác như Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân... lượng khách sạn chiếm khoảng 60% các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường, số còn lại là nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ mua sắm nhỏ lẻ. Khách sạn không chỉ mở ở mặt tiền đường lớn, mà còn mở trong các hẻm nhỏ.

Ông Hiệp nhận định: "Khách sạn mọc lên rất nhanh, còn đường thì không có khả năng mở rộng. Khi phát triển dịch vụ khách sạn ở khu vực trung tâm đồng nghĩa với các dịch vụ khác cũng tập trung vào đây, lượng xe lớn nhỏ đổ về và gây tắc nghẽn cục bộ. 

Phải nhìn nhận dịch vụ lưu trú là dịch vụ cơ bản nhất đối với một TP du lịch. Dịch vụ lưu trú đổ dồn vào đâu thì người và xe cộ đổ dồn về đó. Sự việc nghiêm trọng hơn khi tốc độ phát triển ôtô cá nhân đang ở mức 10%/năm". 

Giải pháp giải quyết tắc nghẽn cho Đà Lạt đã có, nhưng TP đang gặp khó về vốn đầu tư.

Ông Trương Hữu Hiệp

Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho rằng có sự mất cân đối trong phát triển du lịch ở Đà Lạt.

"Mọi thứ đổ dồn vào trung tâm, trong khi vùng ngoại ô nằm im" - ông Trung nói. 

Theo ông Hiệp, trước mắt ngành xây dựng của TP Đà Lạt phải hạn chế hoặc ngưng cấp phép mở khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực trung tâm. 

Đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích mở cơ sở lưu trú ra xa trung tâm TP khoảng 4km, hoặc những tuyến đường lớn nhưng lưu lượng xe cộ còn thấp.

Ông Hiệp còn nói: "Hạ tầng giao thông ở trung tâm Đà Lạt quá tải với sự phát triển của khách sạn và dịch vụ liên quan. Về lâu dài, cần có cung đường vành đai nối các vùng vệ tinh trục bắc - nam của Đà Lạt để giảm tải cho khu vực trung tâm".

Theo ông Trung: "Các khách sạn có sức chứa lớn phải lùi ra vùng ngoại ô. Đây là giải pháp giảm áp lực cho trung tâm Đà Lạt và kích thích vùng ngoại ô phát triển".

Ông Trung cho biết thêm UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương xây dựng bến xe - bãi đỗ xe trung tâm cách xa khu trung tâm khoảng 4km (P.11, Đà Lạt). Khi hoàn thành, xe lớn, xe chở khách sẽ không được vào trung tâm Đà Lạt. 

Ông Trung dự báo 3-5 năm tới hiện tượng tắc nghẽn ở trung tâm TP mới giảm được.

Ngán ngẩm với Đà Lạt kẹt xe y chang TP.HCM lúc cao điểm - Ảnh 4.

Trung tâm TP Đà Lạt san sát khách sạn cao tầng. Đây được cho là nguyên nhân gây nên kẹt xe ở TP này - Ảnh: M.VINH

Phát triển hồ Tuyền Lâm, giảm tải Đà Lạt

Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh chủ trương phát triển khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm thành vùng du lịch trọng điểm của Đà Lạt.

Điều đó sẽ đảm bảo đời sống người dân ở khu vực trung tâm không bị xáo trộn, giảm tải cho khu vực này và còn mở rộng vùng kinh doanh du lịch cho Đà Lạt.

Khi hoàn tất các dự án nghỉ dưỡng, tại hồ Tuyền Lâm sẽ có 7.000 phòng khách sạn. Ngoài ra, các khu điểm du lịch lớn cũng sẽ tập trung tại Tuyền Lâm với lưu lượng khách gần 20.000 người.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên