25/12/2020 18:39 GMT+7

Nếu làm như đốt pháo thì sẽ ngăn được chặt đào rừng chơi tết

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Quy định trong luật về việc nghiêm cấm chặt phá cây rừng đã có nhưng việc quản lý chặt đào rừng, cây rừng chơi tết còn chưa đúng mức nên cần chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về để bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Nếu làm như đốt pháo thì sẽ ngăn được chặt đào rừng chơi tết - Ảnh 1.

Đào rừng được bày bán la liệt tại chợ Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020 - Ảnh: NAM TRẦN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận định như vậy khi trả lời báo chí về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc kiểm soát, ngăn chăn chặt phá, mua bán đào rừng, cây rừng chơi tết. 

Ông Tuấn cho rằng cần kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, cây rừng mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày tết để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên.

"Yêu cầu này của Thủ tướng hướng đến lưu giữ nét đẹp của tập quán hái lộc đầu năm của dân tộc ta, không chặt phá cây rừng, tổ chức Tết Trồng cây Tân Sửu hiệu quả, thiết thực, triển khai một bước việc trồng mới 1 tỉ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có nội dung kiên quyết bảo vệ rừng, nghiêm cấm chặt phá, kinh doanh đào rừng, cây rừng và vận động người dân hái lộc có văn hóa, hái lá không hái cành", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, thực tế trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng; tuy nhiên, đúng là việc bảo vệ, quản lý những cây đào rừng, cây rừng chơi tết còn chưa được quan tâm đúng mức.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về, ông Tuấn cho rằng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an… chứ không chỉ lực lượng kiểm lâm.

"Một việc khó như cấm đốt pháo chúng ta còn thực hiện được và rất hiệu quả thì tôi nghĩ với việc cấm chặt phá đào rừng cổ thụ, nếu như các địa phương, các lực lượng vào cuộc như việc cấm đốt pháo thì việc ngăn chặn chặt phá đào rừng sẽ thành công", Thứ trưởng Tuấn nói

Trước đó, tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo một cách nghiêm túc về việc cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng.

"Hôm nay, Thủ tướng tuyên bố người dân mà chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm", Thủ tướng dẫn chứng ngày tết, đi trên các bờ đê, đường phố sẽ thấy nhiều cây đào rừng đẹp bị chặt mang về bày la liệt nhưng nếu bán không được thì làm củi.

"Như vậy làm sao còn một nông thôn, miền núi với những cánh rừng đẹp. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi tết", Thủ tướng yêu cầu.

Chặt đào rừng về phố khác gì cưa sừng tê giác, ngà voi? Chặt đào rừng về phố khác gì cưa sừng tê giác, ngà voi?

TTO - Đào rừng về phố, những cây đào thân cổ thụ, mốc rêu, ứa nhựa vì những nhát cưa ngọt theo người ta xuống phố, về những giàu (nhà to mới có chỗ chứa đào lớn)... Rừng bị tàn phá đâu chỉ là gỗ tảng, làm nhà đâu?

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên