12/07/2023 09:22 GMT+7

NATO và bài toán liên minh

Sau nhiều tháng tranh cãi, NATO bước vào cuộc họp thượng đỉnh ngày 11-7 với sự tự tin sẽ đưa ra được một thông điệp đoàn kết trước Nga nhưng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước khi dự họp cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius ngày 10-7 - Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước khi dự họp cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius ngày 10-7 - Ảnh: AFP

Ngày 11-7, các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bước vào cuộc họp tại Vilnius, Lithuania, để giải quyết hai vấn đề là kết nạp Thụy Điển và đưa ra câu trả lời về việc gia nhập khối của Ukraine.

Ngoài ra sự xuất hiện của các lãnh đạo Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cho thấy mối quan tâm của NATO trong việc mở rộng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lộ trình nào cho Ukraine?

"Tôi tin sẽ có một thông điệp tích cực và mạnh mẽ về Ukraine và hướng để Kiev trở thành thành viên (NATO)", Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước thềm cuộc họp.

Trong khi đó cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan cũng nói cuộc họp sẽ gửi "tín hiệu tích cực" về lộ trình gia nhập của Ukraine, mà theo các nhà ngoại giao đã gần đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Dù Ukraine khẳng định chiến sự hiện nay cũng là để bảo vệ châu Âu, các thành viên NATO đều hiểu việc kết nạp Ukraine lúc này đồng nghĩa với việc lửa chiến tranh sẽ lan ra khắp liên minh.

Vẫn còn nhiều bất đồng về việc vạch ra lộ trình và điều kiện gia nhập cho Kiev, trong đó Mỹ và Đức vẫn kiên quyết chỉ mời Ukraine tham gia sau khi kết thúc xung đột.

Ông Stoltenberg tiết lộ Ukraine sẽ nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn, đồng thời tham gia hình thức hợp tác mới có tên Hội đồng NATO - Ukraine.

Dù không đề cập về thời điểm, tổng thư ký NATO nói sẽ nới lỏng các điều kiện để Ukraine gia nhập khối, trong đó bỏ qua bước yêu cầu kế hoạch hành động từ Kiev. Ngoài ra một số đồng minh đang thảo luận song phương và đa phương với Ukraine về việc đảm bảo an ninh cho Kiev.

Theo cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, việc lấp lửng về Ukraine sẽ là sai lầm khiến xung đột với Nga kéo dài bất tận. Nếu không nhất trí được về lời mời cho Ukraine, lựa chọn kế tiếp là vạch ra lộ trình kết nạp theo từng bước.

Ông Rasmussen cho rằng Ukraine có thể đi theo lộ trình như Phần Lan và Thụy Điển và các thành viên NATO có thể hỗ trợ Kiev theo cách Mỹ đang đảm bảo an ninh cho Israel.

Tuy nhiên các chuyên gia khác cảnh báo NATO cũng cần cân nhắc nguy cơ xảy ra xung đột với một nước Nga nắm vũ khí hạt nhân trong tay.

"NATO không chỉ cần bảo vệ các hạ tầng quan trọng mà còn phải bảo vệ 500 triệu công dân châu Âu. Liên minh chưa sẵn sàng cho điều này" - ông Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cảnh báo.

"Tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cấu trúc an ninh châu Âu vốn đã bị phá hủy một nửa, đồng thời cũng sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với chúng tôi", người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cảnh báo NATO và khẳng định Matxcơva sẽ phản ứng mạnh.

Mở rộng liên minh và hợp tác

Trong khi Ukraine vẫn là bài toán khó, việc kết nạp Thụy Điển dường như đã thuận lợi hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ tối 10-7 tuyên bố ủng hộ Stockholm, dù kèm theo điều kiện EU cũng phải mở cửa cho Ankara gia nhập.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng sẽ thông qua kế hoạch cải tổ lớn đầu tiên về quân sự của NATO kể từ sau Chiến tranh lạnh, trong đó tăng cường bảo vệ biên giới phía đông và tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi nước.

Ngoài ra NATO cũng cho thấy sự quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài viết ngày 10-7 trên tờ Guardian, ông Stoltenberg cho rằng Trung Quốc chờ "xem cái giá mà Nga phải trả, hoặc phần thưởng mà nước này nhận được" vì cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản tỏ ra lo ngại những gì "xảy ra ở châu Âu hôm nay có thể xảy ra ở châu Á ngày mai".

Thực tế, trong Khái niệm chiến lược 2022 của NATO đã đề cập đến "các thách thức có hệ thống" từ Bắc Kinh và liên minh này "không giới hạn đối tác".

Theo tờ Conversation, việc hợp tác của NATO với châu Á - Thái Bình Dương không có nghĩa NATO sẽ triển khai quân ở khu vực, hay các nước châu Á sẽ can dự sâu hơn vào vấn đề Ukraine. Nhưng nó sẽ giúp liên minh này đối phó với nhiều vấn đề từ tin giả, an ninh hàng hải, phòng thủ mạng cho đến cạnh tranh trên không gian.

"Do sự phức tạp của những căng thẳng hiện nay với Nga và Trung Quốc, rõ ràng (NATO) cần có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn giữa một nhóm các quốc gia lớn hơn", tờ này viết.

NATO, Nhật Bản hợp tác an ninh

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết Tokyo và NATO sẽ công bố tài liệu hợp tác an ninh tại cuộc họp của NATO.

Hãng tin Kyodo cho biết Nhật sẽ tăng cường hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, đối phó tin giả và không gian.

Theo đó, tài liệu có tên "Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng" cũng nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu để đối phó với các lo ngại từ Trung Quốc.

Nga dọa đáp trả nếu NATO mở rộng, Ukraine nói NATO đừng "mơ hồ"Nga dọa đáp trả nếu NATO mở rộng, Ukraine nói NATO đừng 'mơ hồ'

Nga cho biết sẽ theo dõi sát hai ngày họp của NATO, và có biện pháp đáp trả 'phù hợp' với việc NATO mở rộng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên