05/07/2020 08:45 GMT+7

Nàng tiên cá phân biệt chủng tộc?

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Theo cảnh sát địa phương, bức tượng nàng tiên cá ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) đã bị phá hoại.

Nàng tiên cá phân biệt chủng tộc? - Ảnh 1.

Hiện trường tượng nàng tiên cá bị bôi bẩn - Ảnh: AFP

Cảnh sát Copenhagen cho biết một hoặc nhiều người chưa được xác định đã ghi dòng chữ "racist fish" (cá phân biệt chủng tộc) lên tảng đá bệ tượng nàng tiên cá của thành phố. Sự việc xảy ra trước 9h (giờ địa phương) ngày 3-7.

Nàng tiên cá (tiếng Đan Mạch: Den lille havfrue) là một bức tượng đồng cao 125cm, nặng 175kg, đặt trên một tảng đá trong công viên Churchill, cảng Copenhagen.

Tượng được Edvard Johannes Eriksen (1876-1959) hoàn thành năm 1913 dựa vào khuôn mặt của nữ vũ công Ellen Price (1878-1968) và thân hình của Eline Eriksen (1881-1963) - vợ nhà điêu khắc.

Từ ngày khánh thành đến nay, tượng nàng tiên cá là biểu tượng và điểm thu hút khách du lịch chính ở Copenhagen. Đặc biệt, luật Đan Mạch cấm đưa ảnh toàn cảnh bức tượng lên web cho đến năm 2029 (70 năm sau khi tác giả mất).

Vì nàng tiên cá là nhân vật chính trong truyện cổ cùng tên của nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875), kênh truyền hình TV2 đã phỏng vấn bà Ane Grum-Schwensen - một chuyên gia về các tác phẩm của Andersen. Theo nữ chuyên gia, truyện Nàng tiên cá không hề có những ám chỉ phân biệt chủng tộc.

Trước các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, các công trình kiến trúc và tượng đài liên quan đến lịch sử thuộc địa của nhiều quốc gia trên thế giới đang trở thành trung tâm tranh luận.

Gần đây, nhiều tượng ở Đan Mạch bị phá hoại, trong đó có tượng vua Đan Mạch và Na Uy Christian IV (1577-1648), tượng nhà truyền giáo Đan Mạch Hans Egede (1686-1758), tượng nhà cách mạng Ấn Độ Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948).

Tượng nàng tiên cá đã bị phá hoại nhiều lần. Đầu tượng bị cưa và đánh cắp vào năm 1964 và 1998. Một cánh tay cũng bị cắt vào năm 1984.

Tháng 1 vừa rồi, ai đó đã viết dòng chữ "free Hong Kong" trên tảng đá bệ tượng để nhắc nhở phong trào phản kháng bùng nổ ở Hong Kong vào năm 2019.

Hiện tại, cảnh sát Copenhagen đang mở cuộc điều tra.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên bị nghi ngại phân biệt chủng tộc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên bị nghi ngại phân biệt chủng tộc

TTO - Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) đã thay đổi tên gọi giải thưởng sách thiếu nhi trước đó đặt theo tên tác giả tiểu thuyết Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên vì nghi ngại định kiến phân biệt chủng tộc.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên