18/07/2022 10:10 GMT+7

'Nàng Kiều' biến ngôi làng heo hút thành làng du lịch

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Khi cô gái trẻ đến, làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) là thôn dã ẩn dật, chỉ còn những người già bám lại. 5 năm sau, ngôi làng có tên trên bản đồ du lịch, trở thành làng du lịch cộng đồng 3 sao.

Nàng Kiều biến ngôi làng heo hút thành làng du lịch - Ảnh 1.

Kiều cùng cụ già người H'rê trong một lần gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện du lịch - Ảnh: TRẦN MAI

Năm 2017, Nguyễn Thị Diễm Kiều (31 tuổi) đến làng Gò Cỏ, cô lạc lõng với bà con nơi này. Nhưng giờ Kiều đã trở thành người làng, được người dân quý mến.

Những lời cảm ơn bà con dành cho là thước đo lớn nhất đối với Kiều. Cô hạnh phúc khi thanh xuân của mình đã khơi dậy nội lực làng, người dân biết quý trọng di sản và biết dựa vào di sản mà sống.

Ngày Kiều đến Gò Cỏ

Mời du khách xuống ghe thưởng ngoạn đầm An Khê, Kiều lấy từ trong túi xách ra một micro và chiếc loa di động nhỏ bắt đầu giới thiệu về đầm An Khê và không gian văn hóa của người Sa Huỳnh cổ, được tiếp nối bởi văn hóa Chăm Pa và Đại Việt.

Kiều có một kiến thức hoàn hảo về vùng đất này, dù mới gắn bó 5 năm. "Đầm An Khê có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km.

Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian cách đây 6.000 - 7.000 năm và trở thành đầm nước ngọt cách đây khoảng 3.000 - 4.000 năm", Kiều thuyết trình.

Ở đây cũng có nhiều di tích của người Chăm Pa vẫn còn nguyên vẹn với quy mô lớn như giếng Chăm, bia ký Chăm, hệ thống thủy lợi được xếp bằng đá... chứng minh người Chăm Pa từng sống rất phồn thịnh ở nơi này. Sau đó người Đại Việt đến, tiếp nối và trở thành chủ nhân mới của vùng đất.

Du khách Ái Thi (TP Đông Hà, Quảng Trị) hỏi: "Vậy tại sao người Đại Việt đến, người Chăm Pa bỏ đi mà không chiến tranh khi những di sản của người Chăm Pa đến giờ vẫn nguyên vẹn?".

Kiều kể có câu chuyện ngoại sử truyền đời trong dân, khi người Đại Việt đến, để không xảy ra giao tranh, người Chăm Pa và người Việt đã tổ chức cuộc thi xây cầu, ai hoàn thành cây cầu trước sẽ là chủ nhân của vùng đất.

"Người Chăm Pa tự tin vào kỹ thuật sắp đá đã làm một cây cầu đá. Nhưng rồi với sự thông minh, người Đại Việt đã làm một cây cầu gỗ và hoàn thành trước. Người Chăm Pa thua cuộc và rời khỏi vùng đất này.

Chuyện ngoại sử ấy có khi lại đúng, khi các nhà khảo cổ phát hiện một cây cầu đá xây dựng dang dở ẩn mình dưới đầm An Khê", Kiều chia sẻ.

Rời khỏi đầm An Khê trở về làng Gò Cỏ, du khách đi qua miền di sản dù chỉ gói gọn trong ngôi làng rộng hơn 100ha. Kiều nhớ lại năm 2017, khi các chuyên gia UNESCO đi thuyền dọc ven biển khảo sát xây dựng hồ sơ không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, Kiều may mắn được tham gia chuyến đi.

Dịp tình cờ đó, Kiều đã lần đầu đến Gò Cỏ. Vốn yêu thích du lịch cộng đồng, Kiều mê mẩn với tầng lớp di sản và văn hóa ở đây và cô quyết định trở lại sau chuyến đi. Kiều đến từng nhà, mời tham gia làm du lịch cộng đồng.

Trong mắt người làng lúc đó, Gò Cỏ là nơi "khỉ ho cò gáy", chẳng ai biết đến. Mọi người từ chối với đề nghị của Kiều, họ chán ngấy với từng lớp đá vây lấy đời họ.

"Thời điểm đó, dân làng nói rằng làng toàn người già, trẻ con thì làm du lịch kiểu gì. Thiệt sự là bế tắc, nhưng với "nội lực" của ngôi làng, tôi tin nơi này làm du lịch cộng đồng sẽ rất tốt. Bà con sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ chính ngôi làng "khỉ ho cò gáy" của mình", Kiều tâm tình.

Vốn đam mê du lịch, Kiều mời bà con đi tham quan Cù Lao Chàm, Hội An. Chuyến đi ấy đã giúp những ông, bà già có cái nhìn lạc quan hơn. Họ bắt đầu có niềm tin vào du lịch. Những khúc mắc về thiếu vốn, không có kinh nghiệm... bà con đưa ra đã được Kiều xóa tan.

"Du lịch cộng đồng là làm theo năng lực, bà con có gì làm nấy. Không nhất thiết phải có tiền để làm homestay. Bà con có thể dẫn khách đi trồng khoai sắn, ai hát bài chòi giỏi thì hát bài chòi, ai làm bánh lá gai giỏi thì hướng dẫn du khách làm bánh. Mỗi người một việc tạo ra sức mạnh cộng đồng. Đó chính là du lịch", Kiều giải thích.

Nàng Kiều biến ngôi làng heo hút thành làng du lịch - Ảnh 2.

Người già, thanh niên, trẻ em Gò Cỏ cùng tham gia làm du lịch. Mỗi người một thế mạnh, tạo ra sức mạnh cộng đồng du lịch làng Gò Cỏ - Ảnh: TRẦN MAI

Làng giờ khác rồi, du khách đến nườm nượp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải. Tất cả nhờ cô Kiều.

Bà BÙI THỊ VÂN

Những mộng mơ ở tương lai

Những ông lão, bà lão đã đứng lên đăng ký ra Cù Lao Chàm học làm du lịch. Lúc trở về, họ sắp lại bờ đá, giếng cổ, mở lối lên núi, trồng thêm rừng, dọn dẹp lại nhà cửa... đón khách.

Đúng 3 tháng sau ngày Kiều đến, những vị khách đầu tiên tham quan làng trong sự ngỡ ngàng của người dân. Những đồng tiền đầu tiên từ du lịch chẳng ai quên được.

Kiều ở Gò Cỏ tròn 5 năm, cô đã kịp để lại cho Gò Cỏ những nền tảng tuyệt vời. Năm 2019, Kiều vận động bà con thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng.

Cô đứng ra làm giám đốc, gánh tất cả những công việc lập web, trang Facebook, làm việc với các đơn vị lữ hành, đặt tour, phân chia các đội nhóm dịch vụ như hướng dẫn viên, nấu ăn, hát bài chòi, dẫn khách đi đánh cá... Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.

Bà Bùi Thị Vân (68 tuổi) đã biến ngôi nhà tranh quê mùa của mình thành homestay hút khách. Bà bảo rằng cả đời bà sống giữa di sản mà chẳng biết, khi biết thì đã già, nhưng bà hăng hái học làm du lịch. Ngôi nhà tranh của bà giờ đã thành homestay.

"Làng tôi từng không ai biết, không ai thèm đến. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng giờ khác rồi, du khách đến nườm nượp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải. Tất cả nhờ cô Kiều", bà Vân tâm sự.

Chia sẻ về ý định cho Gò Cỏ thời gian đến, Kiều bảo sẽ biến ngôi làng lên chuẩn 5 sao. Gò Cỏ giờ không chỉ có nội lực mà còn sức đề kháng, tự điều chỉnh trước những tác động xấu làm hư hỏng giá trị ngôi làng. Người dân chăm chút cho cảnh quan, hệ sinh thái và gìn giữ từng di sản ngàn năm còn lưu dấu.

Đến bây giờ, Kiều vẫn là giám đốc làng du lịch Gò Cỏ, nhưng cô bảo rằng sẽ không ở lại đây lâu. Khi làng đạt chuẩn 5 sao, bà con tự hoạt động được sẽ bàn giao. Kiều sẽ tìm đến những ngôi làng khác viết tiếp câu chuyện "khơi dậy nội lực làng". 

Làng Teng (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đang có trong mộng mơ của Kiều. Ngôi làng dệt thổ cẩm cuối cùng của đồng bào thiểu số H’rê có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng chưa được đánh thức và trả lại "đúng tầm".

Nhờ Kiều

Bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi) bảo rằng cũng nhờ sức trẻ, sự thông minh của Kiều mà làng Gò Cỏ mới được như hôm nay. Bây giờ Gò Cỏ đã được lên tivi, báo chí, được cả nước biết đến.

Hôm nay người ngoài đã có cái nhìn khác về Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ cũng rất tự hào về làng. Rồi vài năm sau, con em chúng tôi được về lại quê nhà để góp công góp sức cùng người già trong làng làm du lịch, sống no ấm trên chính quê hương mình, không còn tha hương.

Ông Nguyễn Minh Vương, phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết đây là cộng đồng rất có trách nhiệm với môi trường sinh thái, di sản văn hóa thông qua những lớp học cộng đồng, hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường xanh, di sản, địa chất...

Quảng Bình mở tuyến du lịch đường sông tham quan các làng nghề Quảng Bình mở tuyến du lịch đường sông tham quan các làng nghề

TTO - Từ ngày 20-2, tỉnh Quảng Bình có thêm tuyến du lịch mới bằng đường sông, đưa du khách tham quan các làng nghề truyền thống và thắng cảnh dọc sông Son.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên