04/06/2023 16:11 GMT+7

Nam sinh Hà Nội 'giả gái' học múa bồng

Tiếng trống bồng vang lên, các cặp vũ công là nam sinh môi son má hồng, chít khăn mỏ quạ hóa thân thành cô gái duyên dáng biểu diễn điệu múa bồng cổ.

Nam sinh Hà Nội giả gái học múa bồng - Ảnh 1.

Phước sở hữu gương mặt được "chấm" ngay từ đầu - Ảnh: HÀ THANH

Câu lạc bộ múa bồng - múa sênh tiền của Trường THCS Tân Triều vừa ra mắt tại hội trường UBND xã Tân Triều (Hà Nội). Tranh thủ dịp hè, nhiều nam sinh của trường đã đăng ký tham gia vào câu lạc bộ múa bồng.

Cao Xuân Phong

Là người trẻ, chúng mình phải là người nối tiếp điệu múa bồng truyền thống, phát huy văn hóa của địa phương, của dân tộc mình. Niềm vui lớn nhất là mang đến niềm vui, tiếng cười cho mọi người đến xem hội làng.

Say mê điệu múa "độc nhất vô nhị"

Sở hữu gương mặt với nụ cười duyên dáng, Hoàng Văn Phước (12 tuổi, lớp 6A8) được các chú, các bác trong Câu lạc bộ múa bồng làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) "chấm" ngay từ đầu.

"Hôm tập tay con hơi cứng nhưng lúc biểu diễn tay con dẻo rồi. Được các cô, các chú khen, con thích lắm" - Phước hồ hởi khoe.

Bắt cặp cùng Phước là Lưu Bảo Khánh (lớp 6A7) sở hữu má lúm đồng tiền chúm chím. Được biểu diễn trên sân khấu, Khánh thật thà nói có hơi run một chút xíu, nhưng những lần sau sẽ nỗ lực để vượt qua ngại ngần.

"Con sẽ cố gắng nối tiếp các chú, các bác trong làng để múa uyển chuyển, điêu luyện và dứt khoát hơn" - Khánh quả quyết.

Biểu diễn thuần thục hơn trên sân khấu là cặp đôi Cao Xuân Phong và Dương Xuân Toàn (17 tuổi, Trường THPT Hà Đông). Cả hai đều là con em làng Triều Khúc, "được chấm" từ năm lên 11 tuổi.

Những ngày còn nhỏ xíu được ba mẹ dẫn đi xem hội làng, Phong say mê hình ảnh các bác, các chú giả gái trang điểm xinh xắn múa điệu múa bồng đến mức xin đi theo các chú học múa cho bằng được.

Ban đầu ngại nhất là… trang điểm, Phong còn bỏ bẵng 1 - 2 tháng không dám bén mảng đến lớp múa vì ngại.

"Các thầy nói trang điểm múa mới xinh, mới đẹp, dần dà mình nghe theo, tự tin trang điểm cho mình luôn. Bây giờ thì mình thấy vui vì được múa, bởi không phải ai cũng được lựa chọn" - Phong bày tỏ.

Nam sinh Hà Nội giả gái học múa bồng - Ảnh 3.

Người được chọn phải là những chàng trai trẻ, chưa vợ, là con em của gia đình gia giáo, sở hữu gương mặt khôi ngô, tuấn tú và dáng người dong dỏng - Ảnh: HÀ THANH

Tạo dựng thế hệ tiếp nối

Cô Phạm Thị Hồng Yến (hiệu trưởng Trường THCS Tân Triều) chia sẻ với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường đã quyết định khôi phục lại câu lạc bộ múa bồng trong trường học.

"Ban giám hiệu nhà trường đã huy động các nguồn tài trợ, có kế hoạch cụ thể để câu lạc bộ chính thức đi vào hoạt động trong dịp hè và trong năm học" - cô Yến nói.

Trong dịp hè, các nam sinh đăng ký tham gia câu lạc bộ sẽ được học hai điệu múa cổ là múa bồng - múa sênh tiền, vừa học múa các em cũng được học gõ các nhạc cụ.

Nam sinh Hà Nội giả gái học múa bồng - Ảnh 4.

Nam sinh tự tin biểu diễn điệu múa bồng cổ truyền - Ảnh: HÀ THANH

Ông Nguyễn Huy Tuyển - chủ nhiệm Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc - không giấu được vui mừng vì điệu múa cổ được mở rộng trong trường học, được học sinh là con em địa phương giữ gìn và phát huy.

Điểm độc đáo là điệu múa cổ xưa này chỉ dành riêng cho nam giới. Người được lựa chọn phải là những chàng trai trẻ, chưa vợ, là con em của gia đình gia giáo, sở hữu gương mặt khôi ngô, tuấn tú và dáng người dong dỏng.

Ông Triệu Đình Sơn (thành viên Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc) cũng cho biết để thuần thục được điệu múa bồng phải mất khoảng 5 - 6 năm tập luyện, còn để tập cho biết thì mất chừng 2 - 3 tháng.

Ông kể mới đầu, trai tráng trong làng "bị ép" vào câu lạc bộ vì thiếu người, do đó ai cũng ngại ngần vì phải "điểm phấn tô son". Thế nhưng từ "bị ép" rồi thành yêu, đam mê điệu múa cổ xưa từ lúc nào không hay.

Điều mà những nghệ nhân cũng như dân làng Triều Khúc mong mỏi là làm sao tạo dựng được thế hệ tiếp nối truyền thống của cha ông, lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Tương truyền ở thế kỷ thứ VIII khi vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương đóng quân ở làng Triều Khúc, trước khi vây hãm đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) đã sáng tác ra điệu múa cổ "con đĩ đánh bồng".

Mới đầu nghe "con đĩ đánh bồng" tưởng chừng là câu nói tục. Tuy nhiên theo ông Tuyển đó lại là cách gọi của vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương dành cho các vũ công múa điệu trống bồng.

Ở trong doanh trại không có phụ nữ, nên vua đã chọn một số binh sĩ tướng mạo khôi ngô tuấn tú, giả trang thành gái để múa trống bồng mua vui, khích lệ binh sĩ.

Múa cổ trang rộn rã sân khấu Lễ hội văn hóa thế giớiMúa cổ trang rộn rã sân khấu Lễ hội văn hóa thế giới

TTO - Tối 11-11, lễ khai mạc Lễ hội văn hóa thế giới TP.HCM - Gyeongju 2017 diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên