30/07/2019 08:50 GMT+7

Nằm liệt giường vẫn 'hành nghề' y?

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Nhiều người đã sinh sống ở nước ngoài, người tuổi cao sức yếu, thậm chí người đã nằm liệt giường... vẫn "hành nghề" y bởi vẫn đứng tên trên chứng chỉ hành nghề và được chuyển sang cho người khác sử dụng.

Nằm liệt giường vẫn hành nghề y? - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện một ca mổ tại bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đào tạo y khoa là đào tạo thực hành lâm sàng chứ không phải đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta luôn luôn đi theo phải là thạc sĩ, tiến sĩ, không phục vụ cho thực hành nghề nghiệp của một người bác sĩ.

Ông Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế)

Đây là một trong số hàng loạt bất hợp lý hiện nay được các đại biểu đề cập trong hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám chữa bệnh (KCB), do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM sáng 29-7.

Cấp chứng chỉ hành nghề theo... hồ sơ?

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cho biết số lượng, quy mô các cơ sở đào tạo và loại hình đào tạo nguồn nhân lực y tế tăng rất nhanh. Cụ thể đối với trình độ ĐH có khoảng 88% cơ sở công lập đào tạo và ngoài công lập khoảng 12%. Trong đó, y dược công lập chỉ chiếm 34% và ngoài công lập chiếm tới 66%.

"Đây là con số có thể được nhìn nhận, nếu chúng ta không có kế hoạch thay đổi trong việc quản lý chất lượng về công tác đào tạo thì rất khó kiểm soát chặt sản phẩm đầu ra nhằm đáp ứng được chất lượng đầu vào KCB" - ông Quang phân tích.

Theo ông Quang, chỉ có cơ chế kiểm định trường đào tạo theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Vấn đề cốt lõi là kiểm định chương trình đào tạo Bộ Y tế chưa làm được, chưa xác định quy mô đào tạo gắn với hệ thống. Kế đến, chương trình đào tạo chưa xác định được vai trò của cơ sở thực hành và giảng viên trực tiếp giảng dạy.

Một hạn chế khác là chưa có sự phân định đào tạo hàn lâm và chuyên khoa. "Đào tạo y khoa là đào tạo thực hành lâm sàng chứ không phải đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta luôn luôn đi theo phải là thạc sĩ, tiến sĩ, không phục vụ cho thực hành nghề nghiệp của một người bác sĩ" - ông Quang nói.

Theo Bộ Y tế, bất cập lớn nhất hiện nay là việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên "hồ sơ phù hợp", tức là các văn bằng, giấy tờ xác nhận. Điều này chưa đánh giá được trình độ chuyên môn thực sự của người được cấp. Và để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang có đề xuất tất cả bác sĩ muốn hành nghề ngoài việc đảm bảo thời gian thực hành, phải thông qua kỳ thi quốc gia, nếu đậu mới được cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Người bệnh bị trấn lột?

Ông Lê Quang Hùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho rằng nên quy định hạn cấp chứng chỉ hành nghề và nên chăng phải có quy định độ tuổi nhất định. "Bởi vì nhiều người nằm liệt giường vẫn tiếp tục hành nghề, tức là đứng tên trên giấy chứng chỉ hành nghề. Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi" - ông Hùng nói.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM thừa nhận chứng chỉ hành nghề được cấp không có thời hạn vừa không quản lý được năng lực hành nghề của người được cấp, vừa làm nảy sinh hiện tượng cho thuê chứng chỉ hành nghề rất khó kiểm soát.

Chẳng hạn, có người đã đi nước ngoài sinh sống nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn được để lại sử dụng trong nước, người tuổi cao sức yếu không còn đủ năng lực nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn còn hiệu lực. "Do đó cần có một thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề cho từng đối tượng bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng...", vị này nói.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cũng cho biết ủng hộ đề xuất bác sĩ muốn hành nghề phải thi chứng chỉ, thậm chí phải tổ chức thi nhiều vòng để có sự sàng lọc đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ KCB. Theo ông Thượng, Luật KCB ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề tại VN nên các bác sĩ nước ngoài cũng phải tuân thủ mới được phép hành nghề.

"Đã là hành nghề tại VN, bác sĩ trong nước và bác sĩ nước ngoài đều phải thi để kiểm chứng năng lực", ông Thượng nói, đồng thời cho biết ở một số phòng khám có yếu tố nước ngoài, dù có thanh tra xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng cuối cùng họ lại thành lập một điểm khác hành nghề y như cũ.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), với một địa bàn rộng lớn với hàng chục ngàn cơ sở y tế như ở TP.HCM, Sở Y tế TP đang phải quản lý một khối lượng công việc khổng lồ trong khi lực lượng quản lý rất mỏng.

Đặc biệt, một số loại hình phức tạp như phòng khám Trung Quốc liên tục để xảy ra sự cố, tai biến, tai nạn. "Nói thẳng, họ có nhiều chiêu thức để đưa người bệnh vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Đây có thể gọi là hình vi trấn lột người bệnh" - ông Khoa nói.

Hàng trăm chứng chỉ hành nghề bị thu hồi do vi phạm

Bộ Y tế cho biết cả nước hiện có hơn 363.000 chứng chỉ hành nghề được cấp, trong đó nhiều nhất là điều dưỡng (chiếm 40%), bác sĩ (chiếm hơn 20%), y sĩ (15%), còn lại là hộ sinh và kỹ thuật viên. Ngoài ra, gần 50.000 giấy phép hoạt động được cấp cho tất cả các cơ sở KCB, nhiều nhất là các phòng khám chuyên khoa, trạm y tế xã, sau đó là các phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng khám nam khoa, bệnh viện.

Tính đến hết năm 2018, Bộ Y tế đã thu hồi gần 300 giấy phép hoạt động do dừng hoạt động liên tục, không đảm bảo các điều kiện quy định của Luật KCB. Bộ này cũng thu hồi chứng chỉ hành nghề của 100 bác sĩ chủ yếu do cấp trùng chứng chỉ, không thực hành hành nghề trong thời gian hai năm liên tục, cấp không đúng thẩm quyền... Bộ Y tế cũng cho biết đang có dự án vay 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để đổi mới giáo dục - đào tạo trong lĩnh vực y tế.

Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ

TTO - Để được hành nghề khám chữa bệnh, cả bác sĩ đa khoa và chuyên khoa sẽ phải trải qua một kỳ thi quốc gia, nếu đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên