12/08/2015 11:25 GMT+7

Năm học 2015-2016: Tiếp tục những thử nghiệm của cuộc đổi mới

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sáng 12-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với sáu điểm cầu trên cả nước tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2015-2016.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Tiếp tục những nội dung đổi mới dạy học, đánh giá, thi cử đã được thử nghiệm triển khai trong thời gian qua theo tinh thần nghị quyết 29” là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ  GD-ĐT trước thềm năm học mới.

Hoàn thành chặng đường đầu của cuộc đổi mới giáo dục 

Nói về những công việc nổi bật nhất đã làm được trong năm học 2014-2015, năm học được  xem là bước đi đầu tiên của cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (GD) phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh đến những nỗ lực của ngành GD-ĐT cả nước trong việc thực hiện đổi mới đánh giá, thí cử, trong đó nổi bật là việc thực hiện thông tư 30 đổi mới đánh giá học sinh tiểu học và lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình GD phổ thông, Bộ GD-ĐT cũng triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học, với việc áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới ở bậc trung học, triển khai rộng rãi mô hình trường học mới ở bậc tiểu học, tổ chức hiệu quả các cuộc thi dạy học theo hướng tích hợp liên môn, thi khoa học kỹ thuật đối với học sinh trung học...

Tuy vậy Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận những hạn chế trong quá trình thực hiện  những nội dung đổi mới trên. 

Cụ thể là khi triển khai thông tư 30, ở thành phố và vùng thuận lợi lớp có sĩ số nhiều hơn quy định, GV chủ nhiệm, đặc biệt là GV chuyên biệt sẽ vất vả hơn trong việc đánh giá. Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực GV trong việc đổi mới đánh giá.

Về đổi mới phương pháp dạy học, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, GV về định hướng đổi mới còn hạn chế, nhất là đối với việc đổi mới tiếp cận mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực học sinh, định hướng dạy học tích hợp, liên môn, thói quen sử dụng phương pháp dạy học theo một chiều, vẫn còn nặng về đánh giá sự ghi nhớ của học sinh mà chưa coi trọng đánh giá năng lực vận dụng sáng tạo, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.

Những nhiệm vụ mới

Năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Trong đó, tập trung tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

“Các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách, sự vụ hành chính để GV dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh; tăng cường trải nghiệm cùng GV, hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chia sẻ với GV”
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Một nội dung nữa được xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới phục vụ cho quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.  

Trong đó, chú trọng kiểm tra, hỗ trợ GV thực hiện các hình thức kiểm tra đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh, đảm bảo đánh giá được khả năng vận dụng sáng tạo, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, tránh đánh giá sự ghi nhớ của học sinh; đánh giá thật sự là hoạt động phát hiện, động viên, hướng dẫn kịp thời để từng em học sinh đều học được và học tốt.

Năm học sắp tới,  Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu  tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Trong đó việc cần đẩy mạnh hơn là tiếp tục điều chỉnh nội dung đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học môn giáo dục công dân để giảm tải những kiến thức hàn lâm, không phù hợp với học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dạy học.

Chú ý khai thác các tình huống trong đời sống để tổ chức dạy học, rèn luyện và đánh giá học sinh, giờ học có thể được diễn ra ở trong lớp, ngoài sân trường, vườn trường, tại các khu di tích lịch sử văn hóa, các địa điểm có liên quan đến nội dung học tập phù hợp với trình độ của học sinh theo từng chủ đề, thời gian cụ thể theo hướng "mở" gắn với thực tế, với những tấm gương sáng về đạo đức nhằm bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho học sinh.

Về kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi; đồng thời xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ và ủng hộ chủ trương, cách thức tổ chức kỳ thi, lợi ích của việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015; chú trọng phổ biến, hướng dẫn cho thí sinh đăng ký dự thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu cấp, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, nhất là đối với học sinh lớp cuối cấp, học sinh vùng kinh tế xã hội khó khăn...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên