21/11/2023 10:28 GMT+7

Năm 2023: 23 cán bộ nộp lại quà tặng, xử lý 54 người kê khai tài sản không trung thực

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, năm 2023 cả nước có 23 cán bộ nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.

Ông Đoàn Hồng Phong - Ảnh: GIA HÂN

Ông Đoàn Hồng Phong - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 21-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 (từ 1-10-2022 đến 30-9-2023).

Xử lý hình sự 13 người đứng đầu, cấp phó liên quan tham nhũng

Theo đó, liên quan đến xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đã có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, gồm khiển trách 16 người, cảnh cáo 13 người, cách chức 13 người.

Về thực hiện các quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu, 545.535 người đã kê khai hằng năm, 44.015 người đã kê khai bổ sung.

161.928 người kê khai phục vụ công tác cán bộ, 655.299 người đã được công khai bản kê khai.

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…

Bên cạnh đó, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Các bộ, ngành, địa phương tiến hành 7.072 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022).

Đã xử lý hành chính 246 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỉ đồng, đã thu hồi được 37,4 tỉ đồng.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 109% so với năm 2022). Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị với số tiền 93 triệu đồng.

Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỉ đồng. Trong đó, đã thi hành xong 2.264 việc với hơn 20.405 tỉ đồng.

Câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp để trục lợi

Ông Phong cũng nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn đã mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác.

Đồng thời, là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng với đó, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh", báo cáo nêu rõ.

Năm 2024, ông Phong nêu rõ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2023, đồng thời cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp...

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng...

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa bắt ai liên quan án tham nhũng mà "không nhận hối lộ"Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa bắt ai liên quan án tham nhũng mà 'không nhận hối lộ'

Trả lời chất vấn sáng 7-11, đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định chưa bắt ai liên quan các vụ án tham nhũng mà "không nhận hối lộ".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên