04/08/2022 08:20 GMT+7

Myanmar và Đài Loan phủ bóng hội nghị ASEAN

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Căng thẳng quanh eo biển Đài Loan trở thành vấn đề phát sinh được thảo luận tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55 khai mạc ngày 3-8 ở Campuchia. Theo dự báo, nếu có tranh luận thì chỉ là vấn đề liên quan Myanmar.

Myanmar và Đài Loan phủ bóng hội nghị ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và các ngoại trưởng ASEAN bắt tay theo phong cách truyền thống của khối tại phiên khai mạc AMM 55 vào sáng 3-8 - Ảnh: ASEAN 2022 Campuchia

Một dự thảo thông cáo chung của AMM 55 mà Đài NHK (Nhật) có được kêu gọi Myanmar thực hiện những gì đã cam kết với ASEAN, bao gồm chấm dứt bạo lực ngay lập tức. 

Tuy nhiên, những căng thẳng bùng phát liên quan Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Bắc đã khiến việc ASEAN đạt đồng thuận về câu chữ trong thông cáo chung trở nên khó khăn hơn.

Phép thử với ASEAN

Trước thềm khai mạc AMM 55 sáng 3-8, người phát ngôn của hội nghị này và chuỗi hội nghị liên quan là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia Kung Phoak tiết lộ các ngoại trưởng ASEAN sẽ tìm cách làm dịu tình hình ở eo biển Đài Loan trong phần thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu.

"Chúng tôi lo ngại trước căng thẳng ngày càng gia tăng ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi không muốn thấy điều đó vì thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng", báo Khmer Times dẫn lời ông Kung Phoak nói trong cuộc họp báo ngắn vào ngày 3-8.

Theo ông Kung Phoak, mục tiêu của cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng là để tìm ra quan điểm chung của ASEAN về vấn đề Đài Loan, cách ASEAN có thể đóng góp cho việc ổn định quanh eo biển, không dẫn đến xung đột và không làm leo thang căng thẳng chính trị giữa các bên.

Đây là một phép thử không hề dễ chịu với ASEAN. Chỉ mới cách đây vài ngày, hầu hết ý kiến nhận định của chuyên gia đều cho rằng vấn đề Myanmar sẽ phủ sóng hội nghị ASEAN. Thế nhưng sự trông chờ hiện nay là quan điểm của ngoại trưởng khối 10 nước về tình hình Đài Loan là gì và ứng xử của khối trước căng thẳng Mỹ - Trung.

Theo truyền thông Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ không gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken để tỏ rõ thái độ không hài lòng với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Nga và Triều Tiên, hai nước có đại diện được mời đến cuộc họp ngoại trưởng của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc và lên án động thái của Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, việc ASEAN làm thế nào để dung hòa các khác biệt và giữ cho bầu không khí không căng thẳng trong những ngày còn lại của chuỗi hội nghị là điều rất quan trọng. Để làm như vậy, ASEAN buộc phải đồng thuận xác lập quan điểm ngay từ hoạt động chính thức đầu tiên là AMM 55. 

Theo lịch trình, ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ chạm mặt tại ít nhất 2 cuộc họp thuộc các cơ chế mà ASEAN đóng vai trò trung tâm là cuộc họp ngoại trưởng ARF và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

ASEAN cảnh báo Myanmar

Nếu vấn đề Đài Loan là phép thử với ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm của khối trong quan hệ với các cường quốc, vấn đề Myanmar là phép thử cho các nguyên tắc đã làm nên ASEAN và sự đoàn kết giữa các thành viên.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị AMM 55, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cũng đồng thời là chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, thừa nhận các nước đang "vô cùng thất vọng và lo lắng" trước các vụ xử tử những người không ủng hộ chính quyền quân sự ở Myanmar gần đây. 

"Nếu thêm nhiều tù nhân bị hành quyết, chúng tôi sẽ buộc phải suy nghĩ lại về vai trò của mình đối với đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN và Myanmar", ông Hun Sen cảnh báo.

Đồng thuận 5 điểm đạt được hồi tháng 4-2021, sau cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar và các lãnh đạo ASEAN. Văn bản kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực giữa các bên ở Myanmar, thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền quân sự và những người phản đối. 

Trong khuôn khổ đồng thuận 5 điểm, ASEAN cũng đã cử đặc phái viên đến Myanmar nhưng cả hai lần (trong năm 2022 và gần nhất vào cuối tháng 6 vừa qua) đều không có kết quả.

Theo đánh giá của ông Hun Sen, sau vụ hành quyết 4 nhà hoạt động đối lập, bầu không khí hiện nay giữa ASEAN với Myanmar đang ở mức tệ hơn cả thời điểm trước khi hai bên đạt đồng thuận 5 điểm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Campuchia cam kết ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp chính trị cho vấn đề Myanmar.

Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đều thể hiện sự không hài lòng trước các diễn biến gần đây ở Myanmar. Dù vậy, một quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN tin rằng các ngoại trưởng sẽ không đi xa đến mức kêu gọi trục xuất Myanmar ra khỏi khối.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN thứ 55 và các chuỗi hội nghị liên quan:

● Ngày 3-8: Hội nghị ngoại trưởng ASEAN thứ 55.

● Ngày 4-8: Hội nghị ngoại trưởng ASEAN với các đối tác.

● Ngày 5-8: Cuộc họp cấp ngoại trưởng của Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN.

Hội nghị ASEAN - Mỹ:  Nền móng hợp tác trong tương lai Hội nghị ASEAN - Mỹ: Nền móng hợp tác trong tương lai

TTO - Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vốn được mong đợi từ lâu đã diễn ra trong hai ngày 12 và 13-5 tại Washington D.C với 8/10 nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á tham gia cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên