11/07/2020 17:19 GMT+7

Myanmar nói nuôi tê tê, hổ...để giảm săn trộm, các nhà bảo tồn nói ngược lại

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Myanmar vừa sửa luật cho phép nuôi hổ, tê tê và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác. Các nhà bảo tồn cảnh báo động thái này có thể làm tăng thêm nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm.

Myanmar nói nuôi tê tê, hổ...để giảm săn trộm, các nhà bảo tồn nói ngược lại - Ảnh 1.

Tê tê là một trong những động vật hoang dã bị khai thác cạn kiệt do nhu cầu lớn từ Trung Quốc và các thị trường khác - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Pháp AFP, Myanmar vốn là một trung tâm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, do nhu cầu lớn từ nước láng giềng Trung Quốc. Trị trường ngầm này trị giá khoảng 20 tỉ USD trên thế giới.

Tháng 6-2020, Bộ Lâm nghiệp của Myanmar đã lặng lẽ bật đèn xanh cho các cơ sở nuôi nhốt thú tư nhân, cho phép họ nuôi và nhân giống 90 loài - trong đó hơn 20 loài được xếp vào danh mục đang bị đe dọa hoặc cực kỳ nguy cấp - vì mục đích thương mại.

Động thái này khiến các nhóm bảo tồn bất ngờ. Bộ Lâm nghiệp của Myanmar cho rằng việc hợp pháp hóa nuôi nhốt và cho sinh sản động vật hoang dã nhằm làm giảm nạn săn trộm và gây giống bất hợp pháp. 

Theo đó, hổ (được cho là chỉ còn 22 con ở Myanmar), tê tê, voi, cá heo Ayeyarwady, cá sấu Xiêm và nhiều loài đang bị đe dọa nghiêm trọng khác có thể được nhân giống để lấy thịt và da.

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn phản biện rằng nuôi nhốt vì mục đích thương mại động vật hoang dã sẽ hợp pháp hóa việc tiêu thụ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và thúc đẩy nhu cầu của thị trường về lâu dài.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Động Thực vật thế giới (FFI) cùng ra tuyên bố chung khẳng định: "Thực tế đã chứng minh nuôi nhốt để kinh doanh động vật hoang dã làm tăng hành vi buôn bán trái phép chúng, tạo ra một thị trường song song và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã".

Các chuyên gia lo ngại Myanmar không đủ khả năng quản lý việc mua bán này cũng như quản lý những rủi ro của dịch bệnh lây từ động vật sang con người, vốn có thể tạo nên đại dịch COVID-19 tiếp theo.

CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng, cho phép nuôi và cho sinh sản một số loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng các cơ sở phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.

1977 Vlog đến làng Vũ Đại, 1977 Vlog đến làng Vũ Đại, 'phát hiện' Chí Phèo săn tê giác, tê tê...

TTO - Trong vlog 'Tiếng gọi vùng hoang dã', 1977 Vlog kêu gọi không tiêu thụ động vật hoang dã vì các loài này có thể lây nhiễm dịch bệnh.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên