Myanmar - một chính phủ “nhiều đầu”

HỮU NGHỊ 01/04/2016 20:04 GMT+7

TTCT - Ngày 30-3, ông U Htin Kyaw, bước sang tuổi 70 vào tháng 7, sẽ nhậm chức tổng thống Myanmar. Ông sẽ là tổng thống dân sự được bầu đầu tiên của Myanmar từ năm 1962. Thế nhưng, “buông rèm nhiếp chính” sẽ là nhà cách mạng Aung San Suu Kyi. Ngoài ra còn có hai phó tổng thống, trong đó có một viên tướng quân đội.

Bà Aung San Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar -Reuters
Bà Aung San Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar -Reuters


Tháng 11-2015, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố ngay sau cuộc bầu cử quốc hội: “Tôi sẽ đứng trên chức vụ tổng thống. Tôi sẽ nắm chính phủ, chúng ta sẽ có một tổng thống làm việc đúng theo sự lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia dân chủ (NLD).

Đó là một thông điệp rất đơn giản”. Có thể thấy bà Suu Kyi tin rằng quan hệ với người giữ chức tổng thống thay bà sẽ đương nhiên thuận buồm xuôi gió do lẽ người kia sẽ phục tùng bà, bà nói. Thế nhưng, hiện đã xuất hiện những dư luận không hay về chính phủ “bù nhìn” do một tổng thống được quốc hội bầu lên hôm 15-3 vừa qua, ông U Htin Kyaw.

Người điều khiển từ sau?

“Bản thân (tổng thống Myanmar), hay một trong các thân nhân là chồng hay vợ, con chính thức (và vợ hay chồng của những người này) không được là công dân của một nước ngoài hay được hưởng những đặc quyền và đặc ân của một chính phủ nước ngoài”, điều 59 (f) Hiến pháp Myanmar nêu rõ.

Đương nhiên, bà Aung San Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống khi chồng con bà là dân Anh, song điều khoản này không cấm bà giữ các chức vụ khác trong chính phủ. Vì thế mới có việc bà phải tìm một người thế chỗ mình. Và người đó là ông U Htin Kyaw.

Ông Htin Kyaw tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế thống kê tại Viện Kinh tế Rangoon năm 1968. Sau đó, ông chuyển đến làm việc trong vai trò nhà phân tích lập trình - hệ thống ở trung tâm máy tính của trường.

Những năm 1971-1972, ông có học bổng lên học cao hơn tại Viện Khoa học máy tính (Đại học London) và sang Tokyo nghiên cứu tiếp về máy tính ở Asia Electronics Union vào năm 1974. Ông hoàn tất bằng thạc sĩ thứ hai về khoa học máy tính năm 1975.

Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm vụ phó kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và tài chính Myanmar. Ông học khóa quản lý ngắn hạn ở Trường quản trị Arthur D. Little, Cambridge, Massachusetts, Mỹ vào năm 1987. Năm 1992, ông từ bỏ mọi chức vụ trong chính quyền và tham gia đấu tranh.

Ông bị bắt vào tháng 9-2000 và đã trải qua 4 tháng trong nhà tù Insein do giúp bà Aung San Suu Kyi di chuyển ra khỏi Rangoon (lý do ông bị “đồn thổi” là “tài xế” của bà Suu Kyi).

Dù không phải là thành viên kỳ cựu của NLD, ông Kyaw đã làm việc rất chặt chẽ với bà Aung San Suu Kyi tại chủ tịch đoàn NLD. Bà Aung San Suu Kyi, khi đề cử ông vào ghế tổng thống, đã giải thích bà chọn ông vì “tính trung thực, lòng trung thành và sở học đáng nể của ông”.

Vấn đề đặt ra là cho tới nay ông U Htin Kyaw vẫn trung tín với bà và là một người bạn tốt, song tới đây tân tổng thống U Htin Kyaw sẽ như thế nào đối với bà và bà Aung San Suu Kyi sẽ đóng vai trò gì? Các ý kiến của một số nhà phân tích bản xứ trong một bàn tròn thảo luận của báo Myanmar Irrawaddy ngày 10-3 vừa qua cho thấy ngay cả người Myanmar cũng đang phân vân.

Hỏi: Chính phủ U Htin Kyaw sẽ được thành lập trong tuần tới. Nhiều người, đặc biệt là các nhà phân tích nước ngoài, gọi chính phủ của ông U Htin Kyaw là một “chính phủ bù nhìn”. Song, đa số người dân Myanmar lại không vui với nhận xét đó...

Chủ tịch Đảng Dân chủ vì một xã hội mới U Aung Moe Zaw đáp: Gọi (chính phủ mới) là bù nhìn là quá đáng, nếu xét nền tảng học vấn của ông U Htin Kyaw, quá trình làm việc, cùng những cống hiến của ông cho nền dân chủ.

Song, chắc chắn một điều: ông là một đảng viên NLD, thành ra ông chịu trách nhiệm giải trình với Đảng NLD và với ban lãnh đạo đảng này. Ông sẽ vừa đảm nhiệm các công việc thường nhật, vừa quản lý hành chánh. Bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ chỉ giữ vai trò khuyến cáo, thương thảo và cộng tác với ông U Htin Kyaw.

Nhà bình luận chính trị Ko Yan Myo Thein nói: “Bà Aung San Suu Kyi đang giữ chức chủ tịch đảng, và dân chúng đã bỏ phiếu cho đảng của bà vì họ tin tưởng bà. Do lẽ bà bị cản không cho làm tổng thống, nên dân chúng sẵn lòng đón nhận bất cứ ai bà chọn làm tổng thống.

Theo chỗ tôi hiểu, ông U Htin Kyaw là một người có học, đã tham gia đấu tranh dân chủ, cũng đã chịu hi sinh, là một người có đẳng cấp... Vị trí của ông U Htin Kyaw tương đương vị trí tổng giám đốc của một doanh nghiệp. Còn bà Aung San Suu Kyi sẽ là chủ tịch công ty đó. Và tổng giám đốc có thể tự mình quyết định trong nhiều trường hợp”.

Tất cả những ý kiến trên cũng mới chỉ là giả đoán theo chiều hướng tích cực, song cũng đã có những xì xào tiêu cực. Báo Úc Sydney Morning Herald ngày 16-3 thuật rằng bà Suu Kyi quả quyết bà sẽ giữ vai trò lãnh đạo, và ông Htin Kyaw sẽ vâng phục bà trong cương vị một “siêu bộ trưởng”.

Tờ báo cũng cho rằng bà sẽ nắm chức bộ trưởng ngoại giao để có thể đồng thời có chân trong hội đồng quốc phòng và hội đồng an ninh, hai cơ quan vốn trong tay quân đội. Hi vọng rằng mọi việc sẽ đâu vào đấy để cuộc cách mạng ở Myanmar không trở thành một bản giao hưởng dang dở, vì thế, không hề chắc chắn.

Quân đội vẫn ở đó

Theo hiến pháp năm 2008 do quân đội Myanmar soạn thảo và đã được thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân tháng 5 năm đó (tỉ lệ cử tri tham gia khoảng 50% nên được công nhận là hợp pháp), Quốc hội Myanmar sẽ gồm hai viện: Viện nhân dân (Hạ viện) gồm 440 đại biểu và Viện quốc gia (Thượng viện) 224 ghế.

Cánh quân đội sẽ đương nhiên giữ 1/4 số ghế ở mỗi viện, tức 56/224 ghế Thượng viện và 110/440 ghế Hạ viện. Việc phân bổ ghế cho quân đội được giải thích là xu hướng đương thời tại các nước còn chịu nhiều ảnh hưởng từ quân đội ở Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan, bởi quân đội là lực lượng bảo vệ đầu tiên và cuối cùng của đất nước từ lâu đã giữ vai trò chính trị thống lĩnh.

Trong thực tế, với 1/4 quốc hội là quân đội, chính phủ cầm quyền sẽ không dễ thông qua những cải cách lớn với nền chính trị vốn đòi hỏi 2/3 số phiếu trong quốc hội. Cụ thể, NLD, dù chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11-2015, cho tới giờ vẫn không sửa được hiến pháp để bà Suu Kyi có thể làm tổng thống.

Đó chưa phải là trở lực duy nhất từ quân đội: ngay trong ban lãnh đạo mới của Myanmar, bên cạnh tân tổng thống Htin Kyaw cũng còn hai phó tổng thống, trong đó một người là của quân đội. Sự tồn tại cùng lúc một tổng thống và hai phó tổng thống, như là một tam đầu chế, lại là một “đặc sắc Myanmar” khác.

Điều 60 hiến pháp ấn định một cử tri đoàn bầu tổng thống từ đại diện của ba nhóm trong quốc hội là (1) nhóm đại biểu các vùng và các tiểu bang; (2) nhóm đại biểu được bầu lên ở các thị trấn; (3) nhóm đại biểu quân đội do tổng tư lệnh quân đội chỉ định. Ba nhóm sẽ cử ra ba ứng cử viên tổng thống, ai nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử trở thành tổng thống, hai người kia giữ chức phó tổng thống.

Ông Htin Kyaw về nhất và làm tổng thống, tướng U Myint Shwe về nhì và một thiếu tá quân đội về ba sẽ làm phó tổng thống. Vấn đề đặt ra cho chính phủ sắp nhậm chức là tướng U Myint Swe, trước đó là thủ hiến Rangoon, rất thân cận với tướng về hưu Than Shwe, 83 tuổi và vẫn được coi là lãnh đạo tối cao của quân đội dù đã rời ghế thủ tướng Myanmar năm 2003, sau hơn 10 năm cầm quyền.

Câu hỏi lớn nhất của chính phủ mới, vì thế, sẽ là mối quan hệ giữa phó tổng thống thứ nhất U Myint Swe và tổng thống Htin Kyaw. Liệu ông Htin Kyaw có bị cản trở mỗi khi muốn tiến hành những cải cách đụng chạm tới quyền lợi giới tướng lĩnh và quân đội?

Quá khứ của phó tổng thống U Myint Swe càng khiến câu hỏi đó thêm phức tạp: ông can dự vào những cuộc đàn áp đẫm máu những người tranh đấu năm 2007 và là một trong những người sáng lập các đội “cờ đỏ” từng đàn áp sinh viên trong đợt phản đối luật giáo dục ban hành năm 2014, vốn bị các sinh viên cho là phản dân chủ và quá “tập quyền”.

Song nay, viên tướng bị Mỹ đưa vào danh sách “đen” này lại là đại diện cho quân đội ra tranh chức tổng thống. Nếu như ở các quốc gia khác, tổng thống và phó tổng thống là một cặp bài trùng, hay ít ra cũng phải là một bộ đôi ăn ý kẻ tung người hứng thì ở Myanmar, tổng thống và phó tổng thống lại từng là những địch thủ, thậm chí là không đội trời chung.

Dẫu sao, Hiến pháp Myanmar còn có một điều khoản trao quyền hạn khá lớn cho tổng thống: tổng thống giao nhiệm vụ cho các phó tổng thống, các phó tổng thống chịu trách nhiệm trước tổng thống và quốc hội. Tức là trên lý thuyết, có thể hi vọng tổng thống Htin Kyaw có quyền thay đổi nhiệm vụ của các phó tổng thống theo ý ông và đảng của ông.

Thế nhưng, những lo lắng xa hơn không phải là không có cơ sở. Khả năng phó tổng thống thứ nhất, đại diện cho quân đội, sẽ lại ngồi lên ghế tổng thống một khi ông Htin Kyaw vì bất cứ lý do gì không còn đảm nhận cương vị được nữa, không phải là quá xa vời. Chính điều này khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 18-3 đã tuyên bố Hoa Kỳ “bày tỏ quan ngại về cá nhân nhân vật này (ông Myint Swe) cùng những diễn biến vừa qua” và “thẳng thắn mà nói, sắp tới Hoa Kỳ sẽ theo dõi việc này”.

Trớ trêu vẫn luôn là tính chất của “trò chơi chính trị”. Trong khi bà Suu Kyi bị kẹt có con mang quốc tịch Anh mà không ra làm tổng thống được, thì viên tướng Myint Swe năm 2012 từng bị kẹt không ra làm phó tổng thống được do có con rể người Úc, nhưng nay lại được đảm nhiệm chức vụ sau khi cậu con rể từ bỏ quốc tịch Úc, theo Reuters!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận