02/04/2009 14:06 GMT+7

Myanmar: ký sự mùa xuân - Phần 4: Mandalay - những hào quang thành cổ

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Đó là một thành phố sôi động và luôn cuốn chúng tôi vào guồng quay hối hả. Xe cộ nườm nượp trên phố, tàu bè tấp nập trên sông. Nhưng bên trong tấm áo hiện đại và có phần bụi bặm ấy, Mandalay vẫn in đậm những dấu ấn cố đô cuối cùng của lịch sử Myanmar và là niềm tự hào thường trực của bất kỳ người dân nào...

LSlpcmE8.jpgPhóng to
Những góc chùa trên đồi Sagaing

Chuyến bay rời Bagan đưa chúng tôi tới Mandalay xảy ra một chuyện khá thú vị. Số là do mải ăn bữa sáng rất ngon ở nhà nghỉ tại Nyaung U nên ôtô đi sân bay xuất phát hơi muộn so với dự kiến.

Như tôi từng nói về những chiếc xe cổ lỗ sĩ ở Myanmar, sự cũ kỹ và kém chất lượng của xe cộ đôi khi làm kế hoạch của bạn “đổ bể”… Khi còn cách sân bay chừng 1km thì chiếc xe vốn đã “khật khừ” trên đường hỏng hẳn và dừng lại. Người đàn ông phụ xe vội vã xuống xe và chạy về phía trước. Người lái xe giải thích cho mấy du khách đang ngơ ngác và lo lắng rằng anh đang chạy đến sân bay để gọi xe ứng cứu!

Không có nhiều xe chạy trên tuyến đường này, và hầu hết các xe đều có khách đang trên đường ra sân bay. Chờ khoảng 15 phút, thấy một chiếc xe chạy không ngang qua, một thành viên trong nhóm đưa tay ra vẫy, một cách ngẫu nhiên và không tin tưởng lắm. Chiếc xe vọt qua rồi bất chợt dừng lại cách chiếc xe hỏng vài mét. Chúng tôi ào xuống vội vã giải thích tình huống với anh tài xế trẻ tuổi và nhanh chóng nhận được nụ cười đồng ý giúp đỡ mộc mạc. Thế là tạm biệt Bagan, xứ sở của những ngôi đền cổ tích.

Mandalay ngập tràn trong nắng khi chúng tôi hạ cánh. Một chuyến bay ngắn, chỉ khoảng 20 phút bay ở tầm thấp nên hành khách có thể dễ dàng quan sát phong cảnh dưới máy bay. Những hàng cây cọ dừa xẻ ngang dọc trên nền đất cát khô cằn màu sáng, gần như không thấy sự phát triển nông nghiệp của vùng.

MGJmn7aD.jpgPhóng to
Những góc chùa trên đồi Sagaing
Sy6ADOOs.jpgPhóng to
Lối xưa xe ngựa

Từ sân bay Mandalay về trung tâm cố đô, taxi 4 chỗ có giá 16.000 kyat. Xe chạy được chừng 10 phút thì tôi phát hiện hai bên đường là những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực trong nắng cũng vàng rực không kém. Rối rít bảo người lái xe dừng lại, cả nhóm lao vào cánh đồng hoa mặt trời ấy, với những niềm vui cực kỳ thơ trẻ, rong chơi, chụp ảnh mất cả giờ mới chịu lên xe về cố đô.

Đó là một thành phố sôi động và luôn cuốn chúng tôi vào guồng quay hối hả của nó. Xe cộ nườm nượp trên phố, tàu bè tấp nập trên sông. Nếu như ở Yangon, bạn không dễ dàng gì khi nhìn thấy chiếc xe máy thì ở đây xe máy có mặt ở khắp mọi ngõ ngách phố phường.

Taxi chính hãng (xe 4 chỗ thông thường) và taxi “xanh” (một dạng xe tuktuk có thùng phía sau có thể chở được 4 người) là lựa chọn di chuyển phổ biến của du khách. Và một trong những điểm nổi bật của giao thông ở Mandalay là sự xuất hiện của rất nhiều xe Jeep sơn màu rực rỡ, đa dạng về kiểu dáng và phong cách, luôn chạy trên phố với một niềm kiêu hãnh tươi trẻ, khiến chúng tôi cứ liên tục ồ lên vì thú vị và bất ngờ.

bXsK3plS.jpgPhóng to
Vọng cảnh đài Nanmyin

Nhưng bên trong tấm áo hiện đại và có phần bụi bặm ấy, Mandalay - cố đô cuối cùng của Myanmar trong lịch sử, có nét gì đó tựa như cố đô Huế của Việt Nam. Có lẽ vì khu vực cung điện rộng lớn nằm giữa trung tâm được viền bao bởi những bức tường gạch và hệ thống hào sâu đầy nước. Kinh đô hoàng gia cuối cùng này được xây dựng vào năm 1857 dưới thời vua Mindon Min (1853-1878), từng được xem như là trung tâm Phật giáo của đất nước.

Có lẽ cũng bởi vì vùng đất này đã ghi dấu sự phát triển của nhiều vương triều và thời đại trước đó. Những cái tên như Amarapura, Sagaing, Inwa, Mingun không chỉ đi vào trong sách vở mà còn trở thành niềm tự hào thường trực của bất kỳ người dân Myanmar nào, nhất là những người đang sống tại Mandalay.

Fo62IE2t.jpgPhóng to
Tu viện Bagaya Kyaung

Nhưng người ta không thể nhìn thấy một Mandalay với hào quang của bao khu thành cổ trong quá khứ mà không đi kiếm tìm nó.

Không phải ai cũng thật sự thích thú khi tới và khám phá Mandalay, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng dành cho nơi này ít nhất là hai ngày để du ngoạn. Và phần lớn thời gian đó, du khách sẽ chọn một hành trình để tới thăm cầu U Bein - Amarapura, lang thang ở làng Inwa, lên phà khám phá Mingun, hay thong thả đón hoàng hôn trên đồi Sagaing để ngắm nhìn dòng Ayeyarwady (Irawwaddy) thơ mộng.

GonbIio6.jpgPhóng to
Trên cầu U Bein

Với hành trình tới thăm các kinh đô cổ ở bên ngoài trung tâm Mandalay gồm Amarapura, Sagaing, Inwa và chùa Rắn ở Paleik bạn sẽ phải trả 25-30 USD cho 1 taxi 4 chỗ và tiêu tốn khoảng thời gian không ít hơn một ngày. Trên bản đồ, các điểm đến này nằm cùng hướng nam và tây nam Mandalay. Du khách phải trả phí du lịch là 10 USD cho các điểm Amarapura, Inwa, Paleik và các điểm chùa chiền khác trong nội đô.

Phí tham quan Sagaing được trả cùng với phí tới tham quan Mingun là 3 USD/người. Bạn chỉ phải mua vé một lần tại một trong các điểm bán vé và hãy giữ vé để kiểm tra tại các điểm khác đã được tính bao gồm trong đó.

bOcZd6WI.jpgPhóng to
Cánh đồng hoa hướng dương

Chúng tôi chọn tới Sagaing đầu tiên. Người lái taxi nói tiếng Anh rất tốt và cực kỳ vui tính cũng như có vốn hiểu biết khá sâu sắc về quê hương mình. Sagaing cách trung tâm Mandalay khoảng 20km về phía tây nam và ở phía bên kia dòng sông, qua cầu Ava (cũ) xây từ những năm 1934 hoặc cầu Ava mới hoàn thành 2 năm trước đây.

Sagaing trở thành thủ đô của Bang Shan độc lập vào khoảng năm 1315, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Năm 1364, Thado Minbya đã cho dời thủ đô về Inwa. Trong 4 năm từ 1760-1764, Sagaing lại một lần nữa trở thành thủ đô nhưng những dấu tích của nó trong lịch sử khá mờ nhạt.

iK3zxier.jpgPhóng to
Một nhà sư trẻ

Sagaing là một trong những địa điểm đẹp để ngắm hoàng hôn ở Mandalay. Hàng trăm ngôi đền tháp, các tu viện nằm rải rác trên triền đồi bên sông tạo cho Sagaing một vẻ yên bình và rất thân thiện với du khách.

Từ đồi Sagaing, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn dòng sông lấp lánh dưới ánh nắng, những mái đền chùa nhấp nhô ẩn hiện giữa các lùm cây, xa xa là Mandalay sôi động. Bản thân những con đường dắt lên đồi Sagaing rất đẹp, uốn lượn giữa một rừng cây đang vào mùa khô hanh, cành lá khẳng khiu, màu sắc khá trầm nhưng dịu dàng và lôi cuốn.

Myanmar: Ký sự mùa xuân

Phần 1: Golden Rock và sức mạnh của lòng tinPhần 2: Bago - Yangon: Nơi ấy bình yênPhần 3: Bagan - Cổ tích về những ngôi đền

Cách Sagaing không xa là cố đô Inwa có bề dày lịch sử gần 400 năm, từ 1364-1841. Inwa tựa một ốc đảo nằm giữa dòng sông Ayeyarwady và một con kênh đào, cách duy nhất đến đây là phải đi phà qua sông. Vé qua phà là 1000 kyat/người/lượt.

Tàn tích của cố đô không còn nhiều trên đất làng Inwa, nhưng du khách vẫn tìm về đây để tận hưởng bầu không khí thôn dã trong lành và cảm nhận cái hồn cố đô ẩn hiện đâu đấy dưới vòng hào thành đã rêu phong cỏ dại hay những cổng thành gạch đổ tường phai.

Dân làng Inwa đón chào du khách bằng xe ngựa 2 người cho một chuyến dạo chơi quanh làng 2-3 giờ với giá vé là 4.000 kyat/xe. Người đánh xe sẽ dẫn khách đi lọc cọc qua những con đường sỏi đá hay đất bụi bên sông, qua những nếp nhà đơn sơ bình dị, tới thăm tu viện Bagaya Kyaung với 267 cột gỗ tếch được xây dựng từ năm 1834 hay vọng cảnh đài Nanmyin dưới gốc cây gạo đỏ rực, xa xa là cầu Ava mờ ảo trong tấm áo choàng của sương và nắng.

wgERdyp0.jpgPhóng to
Bình minh Inwa

Cả nhóm đã có một trải nghiệm khá riêng biệt ở Inwa. Từ thủ phủ Mandalay, chuyến xe taxi sớm đưa chúng tôi đến bến sông khi trời vẫn còn tờ mờ sáng. Không phải tiếng gọi “đò ơi” nhưng cảm giác bên sông buổi sớm thật khó tả, nhẹ nhàng, man mác. Chúng tôi là những người khách đầu tiên của chuyến phà hôm đó. Chuyến xe ngựa gập ghềnh dạo bước trên những lối mòn làng Inwa từ khi trời vẫn còn ẩm ướt sương đêm cho đến lúc mặt trời bừng lên, và những người dân địa phương nổi lửa trong nhà.

Chiều dần buông khi chúng tôi tới cố thành Amarapura cách Mandalay 11km về phía nam. Amarapura có nghĩa là “thành phố bất tử”, trở thành thủ đô từ năm 1783 dưới thời vua Budawpaya cho đến năm 1857, khi vua Mindon Min chọn Mandalay để xây dựng hoàng cung của mình. Cố thành cũng không còn nhiều những dấu ấn quá khứ, nhưng Amarapura là nơi mà bất cứ khách du lịch nào tới Myanmar cũng ao ước được đến, ít nhất là một lần.

Vjl8uJnG.jpgPhóng to
Hoàng hôn Amarapura

Amarapura là nơi có cây cầu U Bein bằng gỗ tếch dài nhất thế giới. Cầu dài 1,2km bắc qua hồ Taungthaman. Cây cầu có hơn 200 năm tuổi này là nơi bạn có thể tìm thấy những nét riêng biệt cực kỳ đặc trưng của đất nước Myanmar và có những trải nghiệm tuyệt diệu.

Ở nơi ấy, bạn có thể thấy người dân địa phương mặc longiy dắt xe đạp qua cầu trở về nhà, sau xe lúc lắc một vài món đồ. Ở nơi ấy, bạn thấy những nhà sư trẻ tuổi, mặc áo cà sa đỏ thẫm, đi bộ xuôi ngược trên cầu, hóng mát, dạo chơi, hay luyện tập tiếng Anh với du khách… Ở nơi ấy, mỗi khi chiều về, trên bến, dưới thuyền, trên cầu, dưới bãi bồi xanh mướt cỏ cây…

Chao ôi bình yên, và sao mà yêu cuộc sống giản dị đến nhường này…

Nhất là khi tôi nhìn mặt trời đỏ rực như cầu lửa, mặt trời xuống trên hồ Taungthaman, khoác tấm áo thần tiên mộng mị lên cây cầu danh tiếng, lên những cuộc đời longiy đang dắt xe đạp qua cầu, lên hành trình của tôi khi tôi nằm duỗi dài trên chiếc xe bò chất đầy cỏ khô và khe khẽ hát, bài hát tìm mặt trời…

* Còn tiếp Phần cuối: Chuyện kể trên hồ Inle

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên