06/01/2019 07:29 GMT+7

Mỹ tìm cách rút quân nhưng vẫn đe nẹt chính quyền Syria

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Trump đã khiến nhiều đồng minh bất ngờ. Giờ đây Cố vấn an ninh John Bolton thanh minh kiểu có rút quân nhưng vẫn dòm chừng chuyện Syria dùng vũ khí hóa học.

Mỹ tìm cách rút quân nhưng vẫn đe nẹt chính quyền Syria - Ảnh 1.

Lực lượng dân chủ Syria cùng binh sĩ Mỹ tuần tra tại khu vực gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở Hasakah, Syria tháng 11-2018 - Ảnh: REUTERS

"Không hề có chút thay đổi nào trong quan điểm của Mỹ về chuyện chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và chúng tôi sẽ cương quyết đáp trả với hành động sử dụng vũ khí hóa học, theo cách chúng tôi đã làm hai lần rồi", Cố vấn an ninh quốc gia Bolton phát biểu với các nhà báo tháp tùng ông đến Tel Aviv, Israel ngày hôm ngay (5-1) để bàn về giải pháp rút 2.000 binh sĩ Mỹ đang trú đóng tại Syria.

Vẫn chưa ai đoán định được việc Tổng thống Mỹ tính toán điều gì khi cương quyết rút quân nhưng cho đến hiện tại, có vẻ những người dưới quyền đang tìm cách trấn an đồng minh về việc Mỹ "buông nhưng không bỏ" Syria.

"Chính quyền Assad đừng hòng ảo tưởng về chuyện sử dụng vũ khí hóa học", vị cố vấn của ông Trump nhấn mạnh về cảnh báo đối với Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Assad lấy lại vị thế

Nhưng dễ thấy dù Mỹ đe nẹt thế nào thì trên thực tế ông Assad đã và đang củng cố lợi thế chính trị. Chính quyền Syria đang chiếm lĩnh thế trận quân sự và dần dà khôi phục uy tín ngoại giao.

Tháng 10-2012, kênh phát thanh - truyền hình ABC News của Mỹ từng phát bộ phim "Những ngày của Tổng thống Bashar al-Assad đã điểm" thu hút hàng triệu người xem trên thế giới.

Lúc bấy giờ, trong một lần tranh luận của các ứng cử viên tổng thống, Tổng thống Barack Obama đã đoan chắc chiến tranh Syria sẽ nhanh chóng kết thúc với thắng lợi thuộc về phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn.

Sáu năm sau, tình hình Syria đã diễn ra không như những gì chính quyền Mỹ mong muốn. 

Mỹ tìm cách rút quân nhưng vẫn đe nẹt chính quyền Syria - Ảnh 2.

Hình ảnh Tổng thống Bashar al-Assad ở thành phố Douma, ngoại ô thủ đô Damascus, Syria, tháng 9-2018 - Ảnh: REUTERS

Nhờ Nga đưa quân can thiệp quân sự từ năm 2015, đến nay quân đội Chính phủ Syria được Iran và lực lượng Hezbollah (Li-Băng) giúp sức đang kiểm soát gần 2/3 lãnh thổ.

Sau khi Mỹ thông báo rút dần quân đội khỏi Syria hôm 19-12-2018, lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria xính vính vì mất chỗ dựa lưng.

Để gỡ thế bí, họ phải thương thảo với Chính phủ Syria để nhờ triển khai quân đội Syria đến miền bắc, đặc biệt xung quanh thành phố chiến lược Manbij để bảo vệ họ trước mối đe dọa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Và ngày 28-12-2018, gần 300 binh sĩ Syria đã quay trở lại Manbij sau sáu năm vắng bóng.

Như vậy khu vực Idlib ở tây bắc vẫn còn trong tay quân nổi dậy và các nhóm cực đoan chống chính quyền Syria.

Tiến sĩ sử học Frédéric Pichon người Pháp giải thích: "Chính phủ Syria đã biết vận dụng chiến lược kẻ yếu trong xung đột. Đó là ban đầu chấp nhận mất nhiều lãnh thổ nhưng sau đó giữ vững các trung tâm chiến lược, tái chiếm các trục lộ giao thông và tiếp tế chủ yếu, sau đó tiêu diệt quân nổi dậy ở nông thôn và chặn đứng mọi nguồn cung cấp".

Lúc bấy giờ do hấp lực của Mùa xuân Ả Rập (bùng nổ từ cuối năm 2010) nên những đánh giá chính trị về thực tế đặc thù của Syria không chính xác"

Tiến sĩ sử học Frédéric Pichon

Nối lại quan hệ ngoại giao

Tổng thống Bashar al-Assad có vẻ như đang khôi phục sức mạnh. Bằng chứng rõ nhất là trong những tháng tới, Syria sẽ gia nhập trở lại Liên đoàn Ả Rập sau thời gian bị đình chỉ vào năm 2011.

Nhà sử học Pierre-Jean Luizard – giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) - nhận xét: "Các nước Ả Rập đang thực hiện quy trình mở cửa lại biên giới, ví dụ biên giới Syria - Jordan và các sứ quán ở thủ đô Damascus".

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là quốc gia ban đầu ủng hộ quân nổi dậy Syria và phe đối lập lưu vong, cuối tháng 12-2018 vừa qua nước này đã mở cửa lại đại sứ quán ở Syria. Sắp tới Bahrain và Kuwait cũng sẽ làm như vậy. Có tin Ý đang nghiên cứu hồ sơ này.

Mỹ tìm cách rút quân nhưng vẫn đe nẹt chính quyền Syria - Ảnh 4.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) mở lại đại sứ quán ở Damascus ngày 27-12-2018 - Ảnh: REUTERS

Tại sao phương Tây sai lầm lớn về khả năng chịu đựng của chính quyền Syria?

Tiến sĩ sử học Frédéric Pichon lý giải: "Phương Tây đã phạm nhiều sai lầm chiến lược khi tin rằng một bộ phận người dân Syria - và nhất là quân đội - sẽ bỏ rơi tổng thống. Thực tế điều này không thể xảy ra vì cộng đồng Hồi giáo thiểu số Alawite (của tổng thống Syria) đã kiểm soát chặt chẽ".

Ngoài ra, ông Assad duy trì quyền lực nhờ Nga và Iran hậu thuẫn. Nhà sử học Pierre-Jean Luizard nhận định chế độ của Tổng thống Assad đã không đứng vững nếu chiến sự Syria không bị quốc tế hóa.

Lực lượng người Kurd rút khỏi Manbij

Ngày 2-1, quân đội Syria thông báo gần 400 tay súng người Kurd đã rút khỏi Manbij chỉ vài ngày sau khi quân đội Syria triển khai đến đây theo yêu cầu của họ.

Trong mấy tuần qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cứ lăm le đòi "dứt điểm" lực lượng người Kurd, đối tượng Thổ Nhĩ Kỳ xem như quân khủng bố.

Dự kiến sau khi lực lượng người Kurd và các binh sĩ cuối cùng của Mỹ rút đi, quân đội Syria sẽ triển khai sâu vào bên trong.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên