06/05/2019 07:23 GMT+7

Mỹ, Nga và các nước Bắc cực họp bàn về vấn đề trái đất ấm lên và khoáng sản

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nga và các nước chia sẻ đường biên giới ở Bắc cực sẽ họp hôm nay để thảo luận các chính sách quản lý vùng cực liên quan đến vấn đề đối phó với tình trạng trái đất ấm lên và tiếp cận với các mỏ khoáng sản.

Mỹ, Nga và các nước Bắc cực họp bàn về vấn đề trái đất ấm lên và khoáng sản - Ảnh 1.

Tàu Christophe de Margerie (phải), một tàu với các bồn chứa hoạt động được trong môi trường băng giá vận chuyển khí hóa lỏng neo tại cảng Sabetta, quận Yamalo-Nenets, Nga - Ảnh: REUTERS

Theo hãng thông tấn Reuters, nhiều quốc gia đã tranh nhau tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực hoặc tăng cường sự hiện diện trong khu vực như Trung Quốc. Khi băng tan, nơi đây sẽ có tiềm năng khai thác phần lớn dự trữ dầu mỏ và khí đối còn lại của thế giới. Ngoài ra, vùng cực còn có nhiều mỏ khoáng sản khổng lồ khác như kẽm, sắt và đất hiếm.

Với các chuyến tàu tiết kiệm thời gian đến Bắc cực được mở ra, ngày 2-5, Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ tàu ngầm Trung Quốc hiện diện ở Bắc cực. Trong cuộc họp của Hội đồng Bắc cực ở Rovaniemi, Phần Lan ngày 6-5 này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có bài phát biểu với nội dung từ chối vai trò của Trung Quốc trong việc định hình chính sách Bắc cực.

Niklas Granholm, phó giám đốc của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển cho biết: "Mỹ nhận ra họ không thể để Nga và Trung Quốc phân chia vùng cực theo ý mình".

Hội đồng Bắc cực gồm các thành viên là Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch và Iceland, những quốc gia có người dân bản địa sinh sống trong vùng.

Mỹ, Nga và các nước Bắc cực họp bàn về vấn đề trái đất ấm lên và khoáng sản - Ảnh 2.

Quang cảnh vùng lãnh nguyên xung quanh mỏ lộ thiên mở rộng ở Nunavut. Tại vành đai Bắc Cực ở Canada, Agnico-Eagle tìm hiểu sự khả năng hoạt động ở một vùng hẻo lánh, băng giá nhưng giàu tiềm năng dự trữ dầu, khí đốt và khoáng sản - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc là quan sát viên tại Hội đồng từ năm 2013, và ngày càng tích cực trong khu vực. Theo Reuters, Trung Quốc đã lên kế hoạch về một "Con đường tơ lụa vùng cực" vào năm ngoái. Trong khi đó, Nga đã mở lại các căn cứ quân sự bị đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh và hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc hùng mạnh của mình. Mỹ tái lập Hạm đội thứ hai - chịu trách nhiệm ở Bắc cực.

Hội đồng Bắc cực không thảo luận các vấn đề quân sự, nhưng các thành viên đã có các bất đồng. Theo báo Washington Post, Mỹ đã từ chối ký vào một tuyên bố cuối cùng của Hội đồng vì không đồng ý với từ ngữ về biến đổi khí hậu.

Theo một số nhà nghiên cứu, nhiệt độ không khí trên bề mặt của Bắc cực đã ấm lên với tốc độ gấp hai lần so với phần còn lại của trái đất và vùng biển ở đây sẽ không còn băng vào những tháng mùa hè trong vòng 25 năm tới. Sự kiện này sẽ có những ảnh hưởng to lớn đến khí hậu trên toàn cầu cũng như các loài động vật hoang dã và người dân tộc bản địa trong vùng.  

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên