24/11/2022 08:03 GMT+7

Mỹ 'hâm nóng' quan hệ với Philippines

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Mỹ và Philippines từng ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951, trước cả các đồng minh quan trọng bậc nhất hiện nay của Washington ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc...

Mỹ hâm nóng quan hệ với Philippines - Ảnh 1.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đi ngang qua các sĩ quan tuần duyên Philippines trong chuyến thăm mang tính biểu tượng đến đảo Palawan vào ngày 22-11 - Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Philippines, đồng minh hiệp ước quan trọng và lâu đời nhất của Washington tại Đông Nam Á, mở ra cơ hội làm ấm lại quan hệ quốc phòng sau nhiều năm nguội lạnh dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte.

"Tôi không nhìn thấy một tương lai nào của Philippines mà không có Mỹ trong đó", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nhấn mạnh trong cuộc gặp Phó tổng thống Mỹ Harris vào ngày 21-11. Tổng cộng 21 dự án quân sự mới mà Mỹ tài trợ và các địa điểm phòng thủ mới chưa được tiết lộ trên khắp Philippines đã được thảo luận trong chuyến thăm ba ngày của bà Harris (từ 20 đến 22-11).

Củng cố cam kết với Philippines

Mỹ và Philippines ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951, trước cả các đồng minh quan trọng bậc nhất hiện nay của Washington ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6-2022, Tổng thống Marcos đã tìm cách khôi phục quan hệ với Mỹ, và tại Manila lần này, bà Harris đã nói những điều mà chính quyền ông muốn nghe nhất.

"Một cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ. Đó là một cam kết vững chắc của chúng tôi với Philippines", bà Harris nhấn mạnh trong cuộc gặp ông Marcos vào ngày 21-11. Chỉ một ngày sau đó, phó tổng thống Mỹ đến Palawan - một tỉnh đảo của Philippines nằm gần nhất khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Không chỉ củng cố các cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực hàng hải, bà Harris còn chuyển tải thông điệp đến Trung Quốc. Đứng trên một tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Philippines tại Palawan, bà tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 phải được tôn trọng và Mỹ sẽ "sát cánh" cùng Philippines để bảo vệ các nguyên tắc và luật quốc tế trên Biển Đông.

"Bài phát biểu của bà Harris tại Palawan là chỉ dấu cho thấy Mỹ đang cố gắng phát đi thông điệp rằng hiệp ước liên minh với Philippines đang rất mạnh mẽ. 

Đây cũng là một động thái cân bằng kinh điển của một quốc gia vừa và nhỏ khi đứng giữa hai cường quốc: duy trì quyền tự chủ chiến lược bằng cách nhắc nhở mỗi cường quốc về vai trò của bên còn lại" - ông Steven Rood, nghiên cứu viên tại Trường Coral Bell về châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc, nhận định với báo Japan Times.

Philippines trước bài toán cân bằng

Nhờ vị trí địa lý của mình, Philippines có giá trị chiến lược đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng như phần lớn các nước Đông Nam Á khác, Manila hiểu rõ phải giữ sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc khi sự cạnh tranh của hai siêu cường ngày càng gay gắt.

Mặc dù trong chuyến đi này phía Mỹ đã công bố các sáng kiến khác hỗ trợ Philippines về năng lượng sạch, nông nghiệp và y tế nhưng sự chú ý lại dồn vào Thỏa thuận lực lượng thăm viếng năm 1998 và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) năm 2014. Đây là hai cơ sở pháp lý cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines và cất giữ thiết bị quốc phòng ở đó.

Trong tài liệu do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ đổ tiền cho 21 dự án trên khắp Philippines nhằm "nâng cao sức mạnh của liên minh" và xây dựng "thế trận phòng thủ chung đáng tin cậy".

Một quan chức Philippines không nêu tên tiết lộ trong khuôn khổ EDCA, số căn cứ Philippines mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận sẽ không dừng lại ở con số năm như hiện tại. Việc không có thời gian biểu cụ thể để hoàn tất điều này cho thấy Manila sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng nhiều yếu tố, bao gồm cả cân nhắc phản ứng từ Trung Quốc.

Chuyến thăm của bà Harris có thể được Manila sử dụng như một phép thử đo lường các phản ứng từ Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Marcos dự kiến vào tháng 1-2023. Washington được cho là đã yêu cầu năm địa điểm mới trong khuôn khổ EDCA nên nằm gần Biển Đông và Đài Loan. Đó sẽ là một thử thách cho cách tiếp cận thực dụng của ông Marcos trong cuộc chơi với Mỹ và Trung Quốc.

"Chuyến dừng chân chưa từng có của bà Harris tại Palawan có thể khiến một số người ở Bắc Kinh nhướng mày, nhưng bản thân điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ mà là chuỗi hành động tiếp theo" - TS Lucio Blanco Pitlo III, thuộc Quỹ Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương (Philippines), nói với Tuổi Trẻ.

Theo vị chuyên gia về Trung Quốc, việc mở rộng quyền tiếp cận chiến lược của Mỹ tại Philippines thông qua các căn cứ EDCA gần những điểm nóng như Biển Đông và eo biển Đài Loan, sự gia tăng "dấu chân" của quân đội Mỹ và loại vũ khí mà Mỹ dự kiến đưa đến các điểm đã thỏa thuận "là những điều mà Trung Quốc sẽ đề phòng và chắc chắn sẽ bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng".

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris: Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris: 'Mỹ sát cánh cùng Philippines chống ức hiếp trên Biển Đông'

TTO - Phát biểu khi có mặt tại đảo Palawan của Philippines, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh Mỹ sẽ sát cánh cùng Manila chống lại sự đe dọa, cưỡng ép ở Biển Đông và vì các nguyên tắc tại khu vực.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên