18/06/2021 10:48 GMT+7

Mỹ chi hơn 3 tỉ USD cho nghiên cứu thuốc trị COVID-19 và virus khác

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Mỹ đang rót 3,2 tỉ USD để thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc kháng virus dạng viên dùng trong điều trị COVID-19 và các virus nguy hiểm có nguy cơ gây ra đại dịch khác.

Mỹ chi hơn 3 tỉ USD cho nghiên cứu thuốc trị COVID-19 và virus khác - Ảnh 1.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - bác sĩ Anthony Fauci - Ảnh: AP

"Hiện nay có rất ít phương pháp điều trị đối với nhiều virus có khả năng gây ra đại dịch" - bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, ngày 17-6 cho biết.

Ông cũng nhắc đến các virus như Ebola, sốt xuất huyết, Tây sông Nile, và virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông.

Theo bác sĩ Fauci, chương trình mới sẽ đầu tư vào các nghiên cứu đang được tiến hành về COVID-19, cũng như giúp nghiên cứu các phương pháp điều trị những virus nguy hiểm khác.

Dù vậy, bác sĩ Fauci khẳng định vắc xin vẫn là biện pháp trung tâm trong chiến lược chống COVID-19 của Mỹ.

Cho tới nay, Mỹ đã phê chuẩn một loại thuốc kháng virus là remdesivir để trị COVID-19. Đồng thời cho phép sử dụng khẩn cấp ba loại kháng thể điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc hay kháng thể này đều phải được tiêm qua tĩnh mạch ở bệnh viện.

Do đó, giới chuyên gia y tế đang kêu gọi phát triển loại thuốc viên để bệnh nhân có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Một số hãng dược đang thử nghiệm các loại thuốc viên như vậy nhưng kết quả nghiên cứu ban đầu chưa thể có trong vài tháng tới.

Theo Hãng tin AP, khoản tài trợ trên của Chính phủ Mỹ sẽ đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng này và hỗ trợ thêm cho công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc trong khu vực tư nhân.

Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ chi 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu viên thuốc uống Molnupiravir đang được thử nghiệm để điều trị COVID-19 của Hãng dược Merck & Co Inc, nếu thuốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Dự kiến kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên thuốc Molnupiravir sẽ có kết quả vào mùa thu này.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy thuốc giúp giảm nguy cơ nhập viện nếu được uống không lâu sau khi mắc COVID-19 nhờ làm giảm nhanh chóng tải lượng virus trong cơ thể.

Những công ty khác, trong đó có Pfizer, Roche và AstraZeneca, cũng đang thử nghiệm các thuốc kháng virus dạng viên.

Thuốc đặc trị COVID-19 của  AstraZeneca cho hiệu quả không như kỳ vọng Thuốc đặc trị COVID-19 của AstraZeneca cho hiệu quả không như kỳ vọng

TTO - AstraZeneca thừa nhận loại thuốc có tên AZD7442 chỉ cho hiệu quả điều trị khoảng 33% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trước khi cấp phép. Mỹ đã đổ tiền vào loại thuốc này và kỳ vọng nhận khoảng 500.000 liều.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên