21/12/2020 08:07 GMT+7

Mỹ bị tấn công mạng: Loay hoay tranh cãi

HẢI TRẦN
HẢI TRẦN

TTO - Đúng một tháng nữa, nước Mỹ có tổng thống chính thức tuyên thệ nhậm chức, vậy mà cho đến lúc này vẫn đầy sự hoài nghi còn xảy ra. Cuộc tấn công mạng quy mô lớn là bằng chứng đáng kể nhất.

Mỹ bị tấn công mạng: Loay hoay tranh cãi - Ảnh 1.

Người dùng xem smartphone ở Bắc Kinh. Ông Trump nêu khả năng Trung Quốc đứng sau cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ - Ảnh: AFP

Cuộc tấn công này hiện đang được đánh giá là gây thiệt hại khủng khiếp cho cả cơ quan Chính phủ Mỹ lẫn các doanh nghiệp hàng đầu và không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước. Nhưng chỉ trong 1-2 ngày qua, nó đang được gắn với một cuộc tấn công ngoại giao mà chưa ai biết thực hư ra sao.

Một số chính trị gia Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công lần này. Đáng kể nhất là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Trong chương trình phát thanh The Mark Levin Show ngày

18-12, ông Pompeo nói không e dè: "Đã có nỗ lực đáng kể trong việc sử dụng một phần mềm của bên thứ ba để bí mật cài phần mềm mã độc (malware) vào bên trong các hệ thống của Chính phủ Mỹ. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, chúng ta có thể nói chính người Nga đã tham gia vào cuộc tấn công mạng".

Ông tuyên bố mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Cũng giống như những cáo buộc trước đây của Mỹ hoặc các quốc gia phương Tây về các hoạt động tấn công mạng: thường khó có được bằng chứng về cuộc tấn công có chống lưng ở cấp nhà nước. Nhưng các cáo buộc thường nhằm vào những cái tên quen thuộc là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên.

Lần này cũng không là ngoại lệ. Nhưng lại có dị biệt. Đó là tuyên bố viết ngày 19-12 trên Twitter của Tổng thống Donald Trump. Các phân tích cho rằng ông đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công mạng hiện tại và nhận định vụ việc "trong tầm kiểm soát". "Cứ nói Nga, Nga, Nga. Đó là câu khẩu hiệu ưu tiên khi có chuyện gì đó xảy ra" - ông Trump viết.

Trong bình luận công khai đầu tiên của mình về vụ tấn công, ông Trump nhấn mạnh: "Tôi đã được báo cáo đầy đủ và mọi thứ đang được kiểm soát tốt". 

Theo Đài CNN, ông Trump không nhất trí với đánh giá cho rằng Nga đứng sau vụ tấn công, nên các quan chức Nhà Trắng dù đã viết một thông cáo về vụ tấn công này và lẽ ra phải công bố vào ngày18-12 nhưng cuối cùng cũng đã bị đình lại.

Ông cũng lèo lái vụ việc hiện tại sang cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả còn đang bị bên của ông phản đối. "Cuộc tấn công mạng bị làm ầm ĩ hơn thực tế trong đám truyền thông "tin giả"" và ông còn nêu giả thiết "có thể là Trung Quốc thì sao (có thể lắm!)". 

Thậm chí, nhân vụ việc ông còn viết kiểu "cũng có thể đã có cuộc tấn công nhằm vào mấy cái máy kiểm phiếu nực cười của chúng ta trong cuộc bầu cử mà tôi đã thắng chắc rồi. Bây giờ thì rõ rồi, nó lại thêm là một nỗi xấu hổ của nước Mỹ".

Nghị sĩ Adam Schiff - trưởng tiểu ban tình báo của Hạ viện Mỹ và là một trong những người phản đối ông Trump mạnh mẽ - đã lập tức viết lời đốp chát trên Twitter: "Lại thêm một sự bội phản với an ninh quốc gia của chúng ta từ ông tổng thống này. Lại thêm câu tweet bất minh dám chừng do Điện Kremlin viết ra. Lại thêm một dấu hiệu của sự tôn trọng dành cho Putin (tổng thống Nga)".

Những tuyên bố chỉ trích nhau khiến người ta nhớ lại những cuộc điều tra gây tốn giấy mực lẫn tiền bạc về khả năng can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016. Vụ việc đã được kết luận nhưng dư âm của nó có lẽ không bao giờ dứt.

Thực sự đến giờ phút này, bà Hillary Clinton - đối thủ của ông Trump hơn bốn năm trước, vẫn tin rằng người Nga đã cướp Nhà Trắng khỏi tay bà, và đây cũng là suy nghĩ của nhiều quan chức Mỹ và hầu hết các nhà bình luận chính trị. 

Như bà Elisabeth Braw, chuyên gia đánh giá sức chống đỡ nội tại của các quốc gia, đã viết trong một nghiên cứu gần đây: "Việc Nga có thực sự tác động tới lá phiếu hay không không quan trọng. Điều quan trọng là liệu người Mỹ có cho là như vậy hay không". Và họ thực sự nghĩ như vậy.

1.000 tỉ USD

Đó là thiệt hại tài chính trên toàn thế giới do hoạt động tấn công mạng, theo ước tính của Công ty bảo mật McAfee. Tổng số thiệt hại trên, tăng 50% so năm 2018, bao gồm thiệt hại về tài chính và chi tiêu cho an ninh mạng.

Hôm 16-12, Chính phủ Mỹ xác nhận một chiến dịch tấn công mạng gần đây đã ảnh hưởng đến các mạng của chính phủ liên bang, đánh giá vụ tấn công này là "nghiêm trọng và đang diễn ra".

Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo tin tặc đã sử dụng các kỹ thuật khác bên cạnh việc phá hỏng các bản cập nhật phần mềm quản lý mạng của SolarWinds. Đây là phần mềm được hàng trăm ngàn công ty và cơ quan Chính phủ Mỹ sử dụng.

Trong số khách hàng dùng phần mềm giám sát của Hãng SolarWinds có hơn 425 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, chưa kể các doanh nghiệp lớn của một số quốc gia hàng đầu như Pháp.

Người ta cũng cho biết có hàng trăm trường đại học hàng đầu thế giới cũng là nạn nhân cùng nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó Microsoft. Trong số các nước bị ảnh hưởng đến giờ ghi nhận ngoài Mỹ có Canada, Mexico, Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tin tặc tấn công Tin tặc tấn công 'trái tim' Chính phủ Mỹ

TTO - Tin tặc được cho là đã tấn công các cơ quan liên bang Mỹ từ tháng 3 và chỉ mới bị phát hiện tuần trước. Đây được xem là một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất và táo bạo nhất trong lịch sử Mỹ.

HẢI TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên