19/05/2021 06:43 GMT+7

Mỹ tặng 80 triệu liều vắc xin cho thế giới: Nước nào được ưu tiên?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Khẳng định 'nước Mỹ sẽ không bao giờ thực sự an toàn cho tới khi đại dịch đang hoành hành toàn cầu được kiểm soát', Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17-5 công bố lộ trình chia sẻ vắc xin.

Mỹ tặng 80 triệu liều vắc xin cho thế giới: Nước nào được ưu tiên? - Ảnh 1.

Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em trong khi thế giới kêu gọi dành cho các nước nghèo vì trẻ em không thuộc đối tượng có nguy cơ cao - Ảnh: Reuters

Cho biết số ca COVID-19 đang giảm trên cả 50 bang, ông Biden thông báo Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vắc xin COVID-19 vào cuối tháng 6. Trong đó có 20 triệu liều của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (J&J) và 60 triệu liều của AstraZeneca.

Đảm bảo phân phối công bằng

Thông báo của ông Biden được đưa ra vào thời điểm quan trọng trong đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ngày 17-5 cho biết COVAX - chương trình hỗ trợ tiếp cận vắc xin công bằng cho các nước thu nhập thấp - đang thiếu hụt nguồn cung và dự kiến sẽ thiếu khoảng 190 triệu liều trong tháng 6. Do đó, 80 triệu liều vắc xin của Mỹ sẽ là hi vọng cho những quốc gia đang cần nhất.

"Trong 6 tuần tới, Mỹ sẽ gửi 80 triệu liều vắc xin ra nước ngoài, chiếm 13% tổng số vắc xin do Mỹ sản xuất tính tới trước cuối tháng 6. Đây sẽ là số vắc xin nhiều hơn bất cứ nước nào từng chia sẻ cho nước khác tính đến hôm nay, hơn gấp 5 lần bất cứ quốc gia nào khác", Tổng thống Biden cho biết ngày 17-5.

Theo Hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên Mỹ có kế hoạch chia sẻ 3 loại vắc xin COVID-19 đã được cấp phép dùng khẩn cấp của các công ty Pfizer/BioNTech, Moderna và J&J.

Cho tới nay, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ vẫn chưa cấp phép dùng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.

Nhu cầu tiêm chủng trong nước của Mỹ đang giảm dần và Washington dự kiến đạt ngưỡng tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19 cho 60% dân số trưởng thành của Mỹ hôm 18-5. Trong khi đó, nhiều quốc gia thu nhập thấp và thậm chí một số nước phát triển vẫn chưa có đủ vắc xin.

"Mỹ sẽ phối hợp với COVAX và các đối tác khác để đảm bảo phân phối công bằng số vắc xin trên, dựa trên dữ liệu sức khỏe cộng đồng và khoa học", ông Biden nói.

Chúng tôi chia sẻ vắcxin để chấm dứt đại dịch ở khắp nơi. Chúng tôi không sử dụng vắcxin của mình để có được sự ủng hộ của nước khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nước nào được ưu tiên?

Trong thông báo về kế hoạch chia sẻ vắc xin, ông Biden không nêu cụ thể những quốc gia nào sẽ được ưu tiên tiếp cận 80 triệu liều vắc xin nói trên.

Theo báo The Hindu, dù chính quyền Mỹ chưa công bố kế hoạch phân bổ nhưng dự kiến Ấn Độ sẽ nhận được một phần đáng kể trong số đó.

Ông Biden từng nói sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ Ấn Độ chống dịch COVID-19. Mỹ cũng đã chuyển đủ nguyên liệu thô từ các đơn đặt hàng sẵn có của Mỹ cho Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 20 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.

Cùng với 20 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech, Moderna và J&J công bố hôm 17-5, trước đó Mỹ đã thông báo sẽ chia sẻ số vắc xin COVID-19 của AstraZeneca với thế giới ngay khi vắc xin đó được FDA phê chuẩn. Mỹ có 60 triệu liều AstraZeneca để cho tặng trong vài tháng tới.

Theo Hãng tin AP, AstraZeneca đã sản xuất cho Mỹ 10 triệu liều vắc xin. Ông Jeff Zients, người điều phối công tác ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết khoảng 50 triệu liều vắc xin của AstraZeneca đang trong các giai đoạn sản xuất khác nhau, và có thể sẵn sàng xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6 trong khi chờ FDA cấp phép.

Theo ông Zients, Mỹ vẫn chưa quyết định sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc xin của AstraZeneca tới nước nào.

Hồi tháng 3, Mỹ đã chia sẻ hơn 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Mexico và Canada. Pfizer/BioNTech cũng đã bắt đầu mang vắc xin sản xuất tại Mỹ tới các nước khác, trong đó có Mexico, Canada và Uruguay, độc lập với kế hoạch chia sẻ vắc xin vừa công bố của Mỹ.

Mỹ cũng đang làm việc với khối tư nhân và các đối tác khác để mở rộng sản xuất và phân phối vắc xin cho toàn cầu, cũng như chia sẻ các nguyên liệu thô quan trọng cần để sản xuất vắc xin COVID-19.

Công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi vừa thông báo sẽ sản xuất 200 triệu liều vắc xin COVID-19 của Moderna tại các cơ sở sản xuất của công ty này ở Mỹ từ tháng 9.

Theo trang Axios, thỏa thuận giữa Sanofi và Moderna không chỉ thúc đẩy tiến độ tiêm chủng ở Mỹ mà còn hỗ trợ toàn cầu vì sẽ giúp tăng nguồn vắc xin xuất khẩu.

Việt Nam sẽ mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer Việt Nam sẽ mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer

TTO - Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong sáng nay 18-5, các bộ, ngành liên quan đã cho ý kiến, thống nhất đề xuất mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer trong quý 2-2021.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vắcxin Vắc xin Pfizer