03/07/2020 08:09 GMT+7

Mục tiêu kép vừa phòng thủ dịch vừa tấn công kinh tế

B.NGỌC - L.THANH
B.NGỌC - L.THANH

TTO - Vừa phòng thủ chống dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế là mục tiêu kép mà Chính phủ tiếp tục theo đuổi trong 6 tháng cuối năm được Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận hội nghị trực tuyến với các bộ ngành và địa phương, ngày 2-7.

Mục tiêu kép vừa phòng thủ dịch vừa tấn công kinh tế - Ảnh 1.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng, phát triển chương trình truy xuất nguồn gốc là một trong những mục tiêu hàng đầu của Vissan hậu dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau hội nghị, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ hoàn thiện nghị quyết theo hướng giải quyết nhanh các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ để phục hồi sản xuất, với tinh thần chống trì trệ và "hành động, hành động hơn nữa".

Không bàn lùi!

Theo Thủ tướng, điểm nổi bật về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và đạt mức tăng trưởng GDP 1,81% (cao nhất châu Á, đứng nhóm đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế). "Để có thành quả này, anh em từ trung ương đến địa phương có nhiều cố gắng. Nhiều bí thư, bộ trưởng các ngành, các cấp đã lăn lộn ngày đêm làm việc. Giữa đại dịch, 100.000 công nhân mỏ vẫn làm việc, Tập đoàn Vinatex không cho công nhân nghỉ việc để giữ người. Đó là những điều rất cảm động", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng ghi nhận các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện khá tốt công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.

Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới xấu đi nhanh chóng, GDP nhiều khu vực âm rất sâu. Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để nắm bắt cơ hội. Vừa phòng thủ chống dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế là mục tiêu kép Chính phủ tiếp tục theo đuổi. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng quý 3, quý 4, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 3-4%, không để nền kinh tế suy thoái.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, bí thư các tỉnh trong bối cảnh khó khăn gấp đôi phải nỗ lực phấn đấu gấp ba, không bàn lùi. Từng bộ, địa phương phải lập ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc đầu tư công, gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm các mục tiêu cân đối vĩ mô, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư như kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Tín dụng ít nhất phải tăng trưởng 10% trong năm nay, nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Nợ công hiện khoảng 57% GDP, chúng ta tăng lên 59%, trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chấp nhận nới trần nợ công.

Mục tiêu kép vừa phòng thủ dịch vừa tấn công kinh tế - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chính phủ chủ trương 1, địa phương nỗ lực 10

Về giải pháp phát triển kinh tế từ đây đến cuối năm, theo Thủ tướng, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công được coi là động lực chính. Giải ngân đầu tư công tốt chính là biện pháp kích cầu, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Số vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay khoảng 700.000 tỉ đồng, nhưng hiện kết quả giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 33%, giải ngân ODA chỉ đạt khoảng 10%.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng thông qua chủ trương cho Đà Nẵng xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - trong đó mở rộng nhà ga T1 về phía nam, xây dựng ga hàng hóa và xây dựng nhà ga T3 sân bay quốc tế Đà Nẵng. 

Lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho rất nhiều dự án của Đà Nẵng liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ. "Đà Nẵng xem các dự án này là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển TP. Những khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ, không được giải quyết sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội", ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội, giống như Ban chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19, để giúp cho các địa phương định hướng phát triển hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép Hà Nội xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỉ lệ đô thị của TP, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%.

Mục tiêu kép vừa phòng thủ dịch vừa tấn công kinh tế - Ảnh 3.

Công nhân Nhà máy túi xách TBS Group (Thuận An, Bình Dương) trên dây chuyền sản xuất - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đại diện cho đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang triển khai giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch, trước mắt là tập trung phát triển thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi mở lại đường bay với các nước. TP đã tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10-2020 tỉ lệ giải ngân phải đạt trên 80% kế hoạch. 

Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, để TP cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trước các kiến nghị của địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ chủ trương 1 thì các đồng chí bí thư, chủ tịch địa phương phải có giải pháp, nỗ lực 10 để cụ thể hóa chủ trương. Bởi các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn luôn là đầu tàu phát triển, đặc biệt TP.HCM cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và TP.HCM luôn cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước, nên thúc đẩy tăng trưởng hai đầu tàu này vô cùng quan trọng.

Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tình hình giải ngân vốn tại địa phương, ngay trong tháng 8 nếu địa phương nào không giải ngân được thì chuyển vốn cho nơi khác. "Chính phủ coi tỉ lệ giải ngân đầu tư công là căn cứ đánh giá chất lượng điều hành lãnh đạo tỉnh, TP. Vì vậy, sau hội nghị này địa phương phải làm rõ hơn những việc phải làm. Các đồng chí phải ngày đêm nỗ lực mới thành công" - Thủ tướng nhấn mạnh.

23 địa phương chưa giải ngân vốn vay ODA

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết theo kế hoạch, năm nay cả nước sẽ giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng vốn ODA, 2/3 số vốn này dành cho các tỉnh, TP. Riêng TP.HCM được bố trí 15.000 tỉ vốn ODA, nên tiến độ giải ngân ODA của các địa phương rất quan trọng.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm cả nước mới giải ngân được 10% vốn vay ODA, chỉ có một vài tỉnh giải ngân trên 10% vốn ODA được giao, đáng lưu ý có tới 23 địa phương chưa giải ngân đồng nào. Nguyên nhân được nhiều địa phương đưa ra là do thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng. Khi vay vốn ODA làm dự án, các tỉnh, TP đều cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, nhưng khi vay được vốn rồi lại không thực hiện cam kết nên không thể giải ngân.

Nhiều địa phương đề xuất dùng vốn vay ODA để giải phóng mặt bằng dự án nhưng không được vì trái quy định. Có địa phương lại đề nghị chuyển vốn vay ODA sang giai đoạn 2021 - 2025, điều này có thể được nhưng điều chỉnh như thế thì ngân sách trung ương vẫn phải trả nợ. Hơn nữa, nếu chuyển vốn ODA sang giai đoạn sau phải rút ngắn thời gian trả nợ, lãi suất vay cũng cao hơn.

B.NGỌC - L.THANH

Thủ tướng: Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục Thủ tướng: Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục

TTO - Sáng 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành và địa phương về đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

B.NGỌC - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên