12/08/2018 13:59 GMT+7

Mua tour qua mạng: Coi chừng sập bẫy

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động bán tour du lịch trực tuyến đã ngày càng phổ biến và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Mua tour qua mạng: Coi chừng sập bẫy - Ảnh 1.

Khách hàng đến đòi lại tiền đặt tour tại văn phòng Công ty Golux, quận 1, TP.HCM ngày 10-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên đi cùng với đó là số vụ lừa đảo cũng tăng lên với trăm kiểu lừa mà không ai ngờ đến trên các giao dịch này.

Nhiều website lừa đảo còn tiến hành đăng tải các tour giá rẻ trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội để quảng cáo, nhưng thực tế khi khách đến đóng tiền thì mới té ngửa đây chỉ là chi phí căn bản, chưa bao gồm phí tham quan, vé vào cổng, ăn uống...

Thực tế đang bùng nổ hoạt động mở bán tour trên các website hoặc mạng xã hội khiến cơ quan quản lý cũng khó với tới. Những doanh nghiệp này không cần văn phòng, địa chỉ cụ thể, người mua tour chọn qua mạng và thanh toán chuyển khoản nên khi gặp sự cố rất khó xử lý.

Livestream, quảng cáo qua mạng

Theo nhiều người là nạn nhân của những công ty du lịch, họ khá tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng và có xu hướng giao dịch trả tiền qua mạng.

Chị Khanh, một nạn nhân của chiêu lừa này, cho biết chị đóng tiền mua tour từ cuối tháng 5-2018, cho gia đình 8 người đi Đài Loan với số tiền lên đến gần 80 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi hành.

"Tôi thấy họ quảng cáo ầm ĩ trên mạng xã hội và trang web công ty còn được xác nhận thương mại điện tử của Bộ Công thương. Họ livestream rất sôi nổi, clip nào cũng đến mấy ngàn view, cộng với giá quá tốt nên tôi đã đóng tiền tour" - chị Khanh kể.

Chờ hơn hai tháng chưa được đi du lịch, chị hỏi thì họ giải thích do cả nhà chị không đậu visa, nhưng khi yêu cầu họ trình hồ sơ visa thì không có và nhất quyết không chịu hoàn tiền. Gần đây chị Khanh mới biết doanh nghiệp này lừa đảo vì họ đã ngừng đưa tour từ lâu.

Lừa bán tour qua mạng, chiếm dụng tiền và không chịu khởi hành là cách các công ty du lịch nhỏ, lẻ thường áp dụng.

Sau khi khách mua tour hoặc voucher thì các công ty "ma" này sẽ cử nhân viên đến thu tiền hoặc yêu cầu chuyển khoản. Sau đó không thực hiện đúng cam kết với khách bằng cách cố tình nhầm lẫn hoặc sai sót về tên khách hoặc code (mã vé) máy bay.

Mua tour qua mạng: Coi chừng sập bẫy - Ảnh 3.

Khách hàng đến đòi lại tiền đặt tour tại văn phòng Công ty Golux, Q.1, TP.HCM ngày 10-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mang con bỏ chợ

Chị Kim, một nạn nhân khác, kể: thông qua một trang Facebook của một người mẫu nổi tiếng, chị biết Công ty Vietgiadinh chuyên bán vé máy bay và tổ chức tour.

Chị cùng bạn bè đặt tour đi miền Trung với số tiền cọc hơn 40 triệu đồng, Vietgiadinh sẽ lo đặt vé máy bay và chuyển mã khách hàng, số ghế cho chị. "Thỏa thuận xong họ cử người đến thu tiền tận nhà và đưa biên lai nên tôi không chút nghi ngờ. Mãi đến ngày khởi hành nhà tôi mới khốn khổ" - chị Kim nói.

Theo đó, gia đình chị mua tour đi Nha Trang nhưng khi đến check-in vé máy bay thì không có tên. Chị gọi điện về công ty thì được báo có nhầm lẫn và sau hai tiếng chờ đợi ở sân bay chị nhận được code máy bay khác để đi. Nhưng cả hành trình tour mới thực sự khổ sở và vô cùng xấu hổ.

Khi cả nhà chị đến làm thủ tục nhận phòng khách sạn như trong lịch, khách sạn lắc đầu không biết gì. Chị gọi về công ty, mới được hướng dẫn sang một khách sạn tiêu chuẩn thấp hơn. "Rõ ràng họ không hề tổ chức tour, chúng tôi đi đến đâu họ xoay xở đến đó" - chị Kim bức xúc.

Chưa hết, khi chuẩn bị về lại TP.HCM, chị vẫn nhận được code vé máy bay và mã đặt chỗ nhưng đến gần lúc khởi hành, phía công ty đột ngột báo hoãn và đổ lỗi cho phía hãng hàng không.

"Gia đình tôi không tin nên kiểm tra thông tin bên hàng không và được xác nhận không có việc hoãn chuyến. Sau đó tôi mới té ngửa công ty du lịch cố tình hoãn chuyến bay và mua vé hãng khác giá rẻ hơn" - chị Kim nói.

Ngoài ra theo nhiều nạn nhân, còn có tình trạng khi khách hàng đã đóng đủ tiền vé máy bay khứ hồi và tiền phụ thu nhưng chỉ nhận được code vé máy bay một chiều và khách sạn báo không nhận được phụ thu từ phía chủ sở hữu website.

Mua tour qua mạng: Coi chừng sập bẫy - Ảnh 4.

Trụ sở Công ty Golux, Q.1, TP.HCM đóng cửa chiều 11-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không nên ham tour giá rẻ

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết gần đây hoạt động bán tour qua mạng được nhiều công ty đẩy mạnh. Điều này có thể giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn điểm du lịch phù hợp, không phải mất thời gian đến tận công ty để giao dịch.

Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở nảy sinh hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến.

Hiệp hội Du lịch TP.HCM luôn khuyến cáo người dân thận trọng xem xét kỹ trước khi lựa chọn đặt tour giá rẻ và ưu tiên cho thương hiệu lữ hành uy tín, lâu năm.

Trước khi mua tour, khách nên tìm hiểu thật kỹ chương trình đã bao gồm những gì, ăn uống, ngủ nghỉ ở khách sạn mấy sao, hợp đồng gói bảo hiểm cho khách và các chi phí phát sinh khách phải trả cụ thể.

Cũng theo Hiệp hội Du lịch TP, với những tour đi nước ngoài, khách hàng nên hỏi xem công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế?

Theo ông Trần Thế Dũng - phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, có rất nhiều cách thức lừa đảo người tiêu dùng hiện nay. Thường các công ty này sẽ đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách, làm cho người tiêu dùng thiếu cảnh giác.

"Các vụ lừa đảo thường có sự tiếp tay của cá nhân hay tổ chức trung gian nào đó, họ được hoa hồng để bán tour giá rẻ hoặc voucher du lịch, nhà hàng... liên quan đến những địa điểm du lịch. Cho nên, du khách phải hết sức bình tĩnh trước các lời mời chào" - ông Dũng nói.

Cần tìm hiểu để biết quyền lợi của mình

Ông Nguyễn Thái Bình - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL - nói rằng Bộ VH-TT&DL rất quan ngại về vụ việc Công ty Golux tại TP.HCM lừa đảo khách du lịch.

Theo ông Bình, luật này quan tâm nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của du khách. Đồng thời luật này cũng quy định rõ ràng, chi tiết hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với du khách (điều 37). Theo đó, doanh nghiệp phải công khai tên, số giấy phép trên hợp đồng, ấn phẩm quảng cáo...

Ông Bình cũng khuyên du khách khi chuẩn bị mua tour hay ký hợp đồng với các doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định hiện hành về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp...

Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh, đáp ứng được những điều kiện kinh doanh theo quy định; tham khảo chất lượng dịch vụ, ý kiến của các khách hàng đã sử dụng dịch vụ trước đó. Bởi vì đặc thù của sản phẩm này là không thấy được trước khi trải nghiệm, khác với hàng hóa thông thường.

Cũng bởi đặc thù này nên uy tín của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn.

Về trường hợp Golux, ông Bình cho biết Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo thanh tra bộ, thanh tra Sở Du lịch TP.HCM kiên quyết xử lý nghiêm, đảm bảo quyền lợi của du khách. Nếu cần sẽ chuyển cơ quan điều tra. (TH. ĐIỂU)

Du khách mua tour ở Tây Ban Nha cũng bị... bỏ rơi

du khách tay ban nha

Lãnh đạo Công ty cổ phần du thuyền Pelican (áo sơmi trắng, đứng giữa) chụp ảnh với gia đình ông Enrique Manuel - Ảnh: THU NGUYÊN

Ngày 11-8, ông Nguyễn Duy Phú - chủ tịch HĐQT Công ty Pelican - cho biết vào trưa 26-7, vợ chồng ông Enrique Manuel (du khách Tây Ban Nha) và ba con nhỏ đến cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu để đi du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long nhưng không có con tàu mà gia đình này đã đặt đến đón.

Theo ông Enrique Manuel, trước đó khoảng ba tháng ông đặt tour nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long với hành trình 3 ngày 2 đêm qua trang du lịch trực tuyến có tên www.expedia.es của Tây Ban Nha, với giá 639,94 euro cho năm người.

Tên con tàu được báo sẽ đón gia đình ông là Paragon Cruise, nhưng khi đến nơi thì ông không tìm thấy con tàu nào có tên Paragon Cruise như trong tour đã mua.

Ban quản lý cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cho biết tại đây không có tàu nào tên Paragon Cruise hoạt động. Biết chuyện, ông Phú chỉ đạo nhân viên mời gia đình ông Enrique Manuel lên tàu của hãng mình nghỉ đêm miễn phí với hành trình 2 ngày 1 đêm.

Theo ông Phú, thực tế trang expedia.es cũng là một trang khá uy tín về lĩnh vực du lịch, tuy nhiên có thể do trong thời gian đặt và thời gian đến du lịch của gia đình ông Enrique Manuel hãng tàu này đã thay đổi nên dẫn tới sự việc trên.

"Tốt nhất khi quyết định đặt lịch du lịch qua mạng và lại thanh toán luôn thì du khách cần phải kiểm tra kỹ càng, liên hệ cập nhật thường xuyên" - ông Phú nói thêm.

Hành động đẹp trên của Công ty Pelican đã nhận được sự cảm kích của gia đình du khách Tây Ban Nha và để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp về du lịch cũng như con người Hạ Long. UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã biểu dương, khen thưởng hành động đẹp này. (TIẾN THẮNG)

Dẹp tour giá rẻ, khách Trung Quốc giảm mạnh Dẹp tour giá rẻ, khách Trung Quốc giảm mạnh

TTO - Sau một loạt động thái siết chặt quản lý du lịch lữ hành của tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã giảm mạnh.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên