Cuối hạ, đầu thu là mùa thơm ở miền Bắc. Những cánh đồng thơm mùi lúa chín. Những con phố thơm mùi cốm mới. Những gánh hoa mùa Vu Lan dịu dàng hương hoàng lan. Và những cơn gió heo may đầu tiên mang tới mùi ngọt ngào của những quả thị vàng óng ả như nắng mật.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 1.

Giờ cũng là lúc không gian trời đất được gột sạch mọi bụi bặm oi nồng bằng những cơn mưa ngâu liên miên. Mọi thứ trở nên sạch sẽ và điềm tĩnh, không còn cái nhớp nháp, điên đảo của thứ nóng mùa hè nhiệt đới.

Tất cả trầm lắng trong làn hơi thu se lạnh, nhất là vào buổi sáng sớm hay nửa đêm. Chỉ có những cơn gió là không thôi xao động, vẫn rong ruổi khắp nơi khắp chốn, mang theo những mùi hương ngào ngạt trên mặt ruộng, lúc lỉu trong vườn cây trái và hào phóng reo rắc suốt hành trình ngao du. Mùi thơm của trái thị về đến phố, khiến con người hiện đại sống quay cuồng giữa những cánh rừng bêtông man rợ phải chùng lòng.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 2.

Đám trẻ đứng dưới gốc cây, đắm đuối nhìn lên những quả thị vàng, lòng vừa ghen tị với lũ chim chóc đang thoải mái lựa những quả chín ngọt nhất để rỉa vừa thầm cầu khấn "Thị ơi thị rụng bị bà", mong quả thị nào đó động lòng rơi xuống vạt áo. Có được quả thị ấy là có một thứ đồ chơi quý giá, để nâng niu, hít hà. Cầm quả thị trên tay thấy mình như thần tiên, đi đến đâu là tỏa mùi thơm đến đấy...

Chẳng lạ khi đám con gái mê thị như điếu đổ. Chúng cũng ra sức tranh giành thị chín, về xin mẹ nắm len vụn tết rọ đựng thị, đọ xem thị của ai tròn đẹp hơn, thơm hơn, túi ai tết đẹp hơn. So đọ chán chê, những túi thị được treo ở đầu giường ngủ hay góc bàn học để mùi thơm lưu luyến không rời.

Ta lại thấy hình ảnh mình đi theo bà, theo mẹ ra trẩy thị chín mỗi dịp sóc vọng. Món lễ vật hoa quả vườn nhà đó được đặt lên bàn thờ, dâng cúng hương thơm ngọt ngào nhất của mùa thu cho tổ tiên, rồi mới để cả nhà cùng được "ăn hương". Bỗng gợi lại câu thơ biến quả thị thành thứ quả cổ tích của thi sĩ Vũ Quần Phương trong bài Nói với em:

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 3.

… Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện

Sẽ được nhìn thấy các bà tiên

Thấy chú bé đi hài bảy dặm

Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…

Ở tập Sương khói quê nhà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tản văn mở đầu có tiêu đề "Cây trái tuổi thơ" kể về rổ thị bày bán ven đường của một bà già ở ngoại ô Sài Gòn đã khiến ông được chạm vào tuổi thơ, chạm vào màu nắng vàng của Quảng Nam - thứ mà ông đã đánh mất khi vào Sài Gòn lập nghiệp và "chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ".

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 4.

Ta yêu quý quả thị như một loại quả dùng để chơi chứ không phải để ăn. Thú chơi hương của người Việt tuy không bài bản đến mức có quy tắc, luật lệ như các thú chơi khác nhưng rõ ràng đã tồn tại từ lâu. Hương để chơi khá đa dạng, từ hương thơm của hoa, của hương liệu, của tinh dầu và cả của mùi thơm tự nhiên của trái cây chín.

Cách người Việt chơi hương thơm của quả thị là một ví dụ điển hình. Trong truyện cổ tích dân gian Tấm Cám, lời tỉ tê của bà cụ bán nước với cây thị chính là đúc kết của người xưa với thú chơi này. Rằng quả thị quý giá nhất ở hương thơm, chứ không phải ở lớp thịt ngọt ngào hay bổ dưỡng gì cả, nên "bà để bà ngửi chứ bà không ăn".

Bày một đĩa thị chín vàng trong một cái đĩa đặt trên bàn thờ hoặc giữa nhà sẽ giúp ngôi nhà lúc nào cũng thơm nức dễ chịu. Quả thị tròn trịa, vàng óng ả, khiến mắt ưa nhìn. Quả thị chín thơm vào mùa thu dễ được liên tưởng đến vầng trăng rằm viên mãn của Tết Trung Thu, nên ngắm thị cũng như là trông trăng vậy.

Điểm đặc sắc của thú chơi hương thị là thời điểm. Mùi thơm của thị xuất phát từ quá trình chín của quả thị, rơi vào mùa thu. Thế nên, hương thị thơm báo hiệu thu đến, như thi sĩ Nguyễn Hoàng Sơn từng viết "quả thị vàng đã dắt mùa thu vào phố".

Bởi tính chất khoảnh khắc của mùa ấy nên nếu không biết nâng niu thì sẽ bỏ lỡ mất một mùa chơi hương thị. Quả thị như người con gái, chỉ thơm chỉ đẹp có thì.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 5.
Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 6.

Những người trẻ không có ký ức về hương thơm của quả thị thấy lạ lùng lắm. Họ than rằng sao quả thị đắt thế, một quả thị sáp bé như cái chén tống cũng 10 nghìn đồng mà lại chẳng thấy ai ăn cả. Ừ, này cô gái, thị chín ăn cũng ngon ngọt lắm đấy, nhưng ăn hương của thị thì ngon hơn nhiều.

Vậy nên, khi đã bị quyến rũ bởi mùi thơm của thị, những cô gái trẻ chết mê chết mệt với những quả thị sáp tròn dẹt, những quả thị muộn no tròn như trăng rằm hay những cành thị cắm bình đẹp độc đáo. Thế là phong trào chơi thị lại rộ lên, khiến thị có giá tới 100 - 150 ngàn đồng/kg.

Chỉ những người lớn tuổi, thấy con tim mình xôn xao khi nghe hương thị trong gió heo may đang bay trên phố, ngửi thấy hương thị như được gặp lại cố nhân tri kỷ và được sống lại những mùa thương xưa cũ, là thong thả chờ đợi thu về để được "gặp" hương thị.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 7.


Ở nhiều góc phố, Hà Nội vẫn như xưa. Ta vẫn thấy một bà cụ tóc bạc phơ, ngồi trên một lát vỉa hè mảnh như tà ào ở phố Hàng Khoai, chậm rãi nhặt từng bông hoàng lan thả vào tấm lá dong riềng xanh mướt, ướt rượt, gói lại bằng sợi lạt mềm hay sợi rơm nếp.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 8.

Kín đáo như thế nên hoàng lan ít được lớp người mới biết tới. Thậm chí, nhiều người nhìn hoàng lan cũng chẳng biết đó là hoa gì hoặc nhầm lẫn sang hoa móng rồng, hoa dẻ hay hoa lan công chúa bởi màu hoa vàng pha xanh.

Với những ai yêu tha thiết và gắn bó với mảnh đất này, hoàng lan là một biểu tượng của tình yêu dành cho Hà Nội. Chẳng thế mà thi sĩ tài hoa Phan Vũ, một người Hải Phòng sống và chết ở Sài Gòn, yêu Hà Nội say đắm, đã dùng hương thơm của hoàng lan để mở đầu cho một thiên trường ca trác tuyệt Em ơi, Hà Nội phố:

Em ơi, Hà Nội phố

Ta còn em mùi hoàng lan…

Thiên trường ca đó được Phan Vũ trân trọng gửi tặng "Những người Hà Nội đi xa", bởi chỉ với những kẻ thiên di khỏi Hà Nội, mùi hương của hoàng lan mới càng da diết, thấm sâu vào từng tế bào của miền nhớ, không nhìn thấy nhưng cảm thấy.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 9.

Trước mùi hoàng lan của Phan Vũ rất xa là bóng hoàng lan của Thạch Lam. iếm thấy một tâm hồn vi tế như Thạch Lam trong văn đàn Việt Nam nói chung và nhóm Tự Lực Văn Đoàn nói riêng. Nhờ thế mà Thạch Lam cảm được những rung động vi tế của hương hoàng lan, của sắc hoàng lan và của những tâm hồn trẻ trung vừa bỡ ngỡ cuộc yêu.

Dưới bóng những bông hoa cánh thon dài, mảnh dẻ, khẽ lượn sóng chẳng khác gì ngón tay của thiếu nữ cài vào mái tóc xuân thì, một rung động tình yêu ngây thơ, vô ngôn… thành hình, hiện hữu mãi như mùi hương hoàng lan trong tâm tư đôi trẻ tới mãi về sau.

Chẳng biết tình yêu đó có thật hay không, kết cục thế nào, nhưng ta hiểu hương hoàng lan kia là một miền tươi đẹp mãi mãi với kẻ thiên di, chỉ cần chạm nhẹ vào quầng hương đó là tâm hồn bâng khuâng như được xuyên không về lại cõi xưa.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 10.

Tháng bảy âm lịch, tháng Vu Lan, cũng là thời điểm cây hoàng lan nở hoa vụ chính. Hoàng lan dù cho hoa hầu như quanh năm, nhưng phải từ tiết Trung nguyên, tức ngày rằm tháng bảy, hoa mới nở nhiều, kéo dài đến tiết Hạ nguyên, tức ngày rằm tháng mười âm lịch.

Quý làm sao cái thứ hoa luôn nở vào ba thời điểm quan trọng trong năm, từ tiết Thượng nguyên, tức ngày rằm tháng giêng, mở đầu của một năm, đến tiết Trung nguyên đánh dấu một nửa năm đã qua, đến tiết Hạ nguyên trọn vẹn của một chu kỳ Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 11.

Ở cả ba ngày rằm tối quan trọng đó, người Hà Nội đều có hoa hoàng lan để dâng lên Trời, Phật như một món cúng dường trang nhã. Bởi hoa hoàng lan quý ở hương, hương thơm là lễ vật quý giá nhất để cúng dường, giống như hương của nhang trầm vậy.

Thế nên, nếp cũ của Hà Nội thường trồng hoàng lan ở chùa để lúc nào chốn thiền không cũng được ướp trong mùi hương cao quý này. Những cây hoàng lan trưởng thành cao hơn 10 mét trông rất đỗi bình thường cả thân, lá hay dáng vẻ, nhưng từ hình tướng bình thường đó lại xuất hiện những chùm hoa màu xanh cốm, càng chín càng ngả màu vàng tươi tắn như làn da của đấng Chí tôn.

Mỗi chùm hoàng lan có khoảng mươi bông, mỗi bông có 6 cánh, cánh hoa thường xoắn khi còn xanh, rủ mềm lượn sóng khi chuyển vàng. Phổ hương của hoàng lan từ phảng phất khi còn xanh đến nồng nàn khi chuyển vàng, lưu hương rất lâu đến tận khi cánh hoa đã héo sậm.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 12.

Những người bán hoàng lan thường để hoa trong mẹt, tãi đều để tránh giập nát. Hoàng lan khá đắt, giá từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg, nên người mua thường chỉ bảo: "Bán tôi ba chục hoặc năm chục hoàng lan" là người bán bốc một nhúm khoảng mươi, mười lăm bông cho vào chiếc lá dong riềng, gói hình vuông như chiếc bánh chưng nhỏ rồi đưa khách.

Cái lối gói hoa như thế thật đẹp và tiện dụng, bởi màu xanh của lá dong riềng là một cái nền hoàn hảo để tôn trọn vẹn vẻ đẹp của hoa hoàng lan, không lem nhem như gói bằng giấy báo vốn dễ mủn khi gặp nước, dễ dính vào cánh hoa khiến việc gỡ làm hoa bị rụng hoặc gẫy cánh.

Nhưng cái lối gói hoa bằng lá dong riềng cũng mai một dần. Lá dong riềng không hiếm hoi gì nhưng không sẵn hay rẻ bằng giấy báo hay túi nilông.

Thế nên, ngày càng ít thấy những gói hoa truyền thống mộc mạc của ngày xưa. Nó cũng biến mất dần như tập tục thắp hương bằng hoa đĩa vậy. Khi thay bằng cách cắm hoa trong lọ, ta quên mất rằng bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ Phật là nơi thanh sạch, cúng dường bằng hoa đĩa thì hoa chỉ càng ngày càng khô đi nhưng không gây mùi thối rữa như hoa cắm trong lọ nước.

May mà vẫn còn một hai bà bán hoàng lan ở góc chợ Đồng Xuân hay chợ Hàng Bè, nơi những người ưa dùng đĩa hoa hoàng lan để cúng dường vẫn tìm đến, mang đĩa hoa về để hương hoàng lan ngan ngát bay lên cõi linh thiêng cùng khói hương trầm.

Mùi hương đó khiến tâm hồn giũ bỏ mọi xôn xao ngoại cảnh, trở nên tĩnh lặng và thông linh được với đấng vô hình. Quán chiếu đĩa hoàng lan đó hằng ngày, từ lúc đĩa hoa căng tràn nhựa sống đến lúc héo khô nhưng hương thơm vẫn tiết ra bền bỉ, ta mới hiểu ra lẽ vô thường của vật chất và sức mạnh bất hoại của tinh thần.

Nhiều khi, sà xuống mẹt hoa hoàng lan, tôi vội vã nhặt một bông lên và đưa lên mũi ngửi. Ngay lập tức, nghe tiếng bà bán hoa mắng: "Này, cậu đừng làm thế, hoa để thắp hương, ai lại ngửi như thế". Tôi cười thanh minh: "Không, hôm nay cháu mua hoa về để chơi thôi".

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 13.

Mùi hương khi ấy dày như sờ thấy được, thảng hoặc lại xa như bay từ đâu đó tới. Hít một hơi thật sâu để hương hoàng lan theo từng tế bào khứu giác thấm vào cơ thể, nhấp một ngụm trà nuốt thật chậm để cảm nhận được một phổ mùi mới. Khoảnh khắc ấy thật sung sướng biết bao.

Những người "ăn hương" hoàng lan chỉ bày một đĩa hoàng lan mà thôi. Nếu muốn kết hợp với loại hương khác thì thứ hương đó phải yếu hơn như một vài quả mơ chín vàng hay táo mèo má hồng. Như thế, hương hoàng lan mới không bị lấn át.

Đêm càng khuya, hương hoàng lan càng nổi trội. Chợt hiểu tại sao bao kẻ bát phố Hà Nội về đêm đã say mê thả bước trên vỉa hè phố Điện Biên Phủ hay Quán Thánh, vốn là nơi trồng nhiều hoàng lan ở mảnh đất này, chết mê chết mệt một không gian im lặng chỉ chứa đầy một mùi hoàng lan dịu ngọt.

Mùa thu, mùa thơm,  mùa thương - Ảnh 14.

Khi ấm trà đã nhạt, những bông hoàng lan trong đĩa mệt mỏi xẹp xuống sau một cuộc tận hiến nhưng mùi hương vẫn vấn vít đầy lưu luyến. Bạn có tin không, nếu ép những bông hoàng lan đó vào cuốn sách, có khi vài tháng sau, mở ra vẫn thoảng nhẹ chút hương.

AMUSTANG
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên