29/02/2020 08:31 GMT+7

Mua khẩu trang qua mạng: Cháo múc trước, tiền trao sau

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Rất nhiều bạn đọc phản ảnh với Tuổi Trẻ về việc họ đã bị lừa mất tiền khi mua khẩu trang trên mạng xã hội.

Mua khẩu trang qua mạng: Cháo múc trước, tiền trao sau - Ảnh 1.

Chị Hà (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết chị bị trang “Khẩu trang y tế Famapro 4-5 lớp” lừa 4 triệu đồng. Đáng chú ý, trang này vừa lập khi có dịch COVID-19

Vì có nhu cầu sử dụng khẩu trang thực sự, trong khi trên thị trường khan hiếm, do đó nhiều bạn đọc bị lừa mất tiền khi bắt gặp những trang mạng xã hội đăng bài hay, giới thiệu, bán khẩu trang. Phần lớn các chủ trang mạng đều chuyện trò lịch sự, tạo uy tín, thuyết phục khách hàng, sau đó "ép" người mua đặt tiền cọc rồi lặn mất tăm.

Lừa bán khẩu trang tràn lan trên mạng

Đa số các trang mạng bán hàng online có hàng nghìn thành viên tham gia, do đó số nạn nhân bị lừa đảo khi đăng ký mua khẩu trang cũng khá lớn. Chị H.N.Thúy (tỉnh Kiên Giang) cho biết đầu tháng 2, chị vào tài khoản Facebook có tên Nguyen Xuan Truong trong hội "khẩu trang 3M..." đang rao bán khẩu trang. Chị Thúy đặt mua 100 cái khẩu trang loại N95 với giá 30.000 đồng/cái.

Khi trao đổi, chủ trang mạng trên nói rằng do hàng ở Mỹ đang được nhập về, do đó yêu cầu chị Thúy trả trước 100% tiền hàng. Chị Thúy chấp nhận trả tiền trước vì đang cần. Thấy vậy, chủ tài khoản trên tiếp tục ngon ngọt, thuyết phục chị Thúy mua thêm 200 cái nữa thì sẽ được hạ giá còn 25.000 đồng/cái. Người này nói nếu chị Thúy chấp nhận mua thêm số khẩu trang trên và thanh toán tiền một lần thì hàng sẽ được giao ngay bởi vừa có gói hàng bị trả về vì ghi sai tên khách hàng trước đó.

Sau khi tính toán, chị Thúy chấp nhận mua 200 cái khẩu trang loại N95 với giá 25.000 đồng/cái. Chị Thúy phải chuyển ngay 5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cho chủ tài khoản trang mạng trên. Tuy nhiên, theo chị Thúy: "Chờ đến 5 ngày với nhiều lần hứa hẹn để tạo niềm tin cho khách nhưng chủ tài khoản Nguyen Xuan Truong trốn biệt, không chuyển khẩu trang cho tôi. Sau đó người này còn chặn số điện thoại và tài khoản Facebook của tôi nữa".

Tương tự, chị N.T.Hà (H.Hóc Môn, TP.HCM) cũng bị lừa mất 4 triệu đồng vì mua khẩu trang trên mạng. Theo chị Hà, sau khi chuyển 50% số tiền mua hàng, người bán khẩu trang trên mạng hẹn chuyển khẩu trang từ Phan Thiết vào TP.HCM, nhưng chị Hà chờ hơn 2 ngày vẫn không thấy hàng. Sau đó chị Hà gọi điện, nhắn tin cho người bán hàng đều không được.

Chị Hà kể lại, ngày 6-2, sau khi tìm kiếm trên mạng, chị thấy tài khoản fanpage "Khẩu trang y tế famapro 4-5 lớp..." đang bán khẩu trang nên đã đặt mua 200 hộp khẩu trang với giá 40.000 đồng/hộp. Theo chị Hà, vì cảm thấy rủi ro nên khi người bán yêu cầu chị đặt cọc trước 50%, chị đã gặng hỏi thêm địa chỉ kho hàng và công ty thì được người bán cho ngay đường link giới thiệu về Công ty N.A - công ty bán khẩu trang có uy tín tại TP.HCM, và địa chỉ kho hàng ở Phan Thiết. "Người bán rất lịch sự, không hối thúc hay ép đặt cọc liền, thậm chí hướng dẫn tỉ mỉ cách chuyển tiền và yêu cầu ghi rõ nội dung chuyển tiền. Do đó tôi đã tin tưởng đặt cọc tiền. Tuy nhiên sau đó người này trốn mất tăm" - chị Hà thuật lại.

Cứ phải "tiền trao, cháo múc"

Có ý kiến về vấn đề trên, bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho rằng hiện nay không ít người lợi dụng bán hàng online để lừa người tiêu dùng. Việc lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội rất phức tạp. Do đó, khi phát hiện thì cần rất nhiều thời gian mới có thể xác định được đối tượng lừa đảo. Từ đó việc người tiêu dùng bị lừa và đi tố cáo để lấy lại được tiền sẽ rất nhiêu khê.

Bà Thu khuyên người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn khi mua hàng online không rõ nguồn gốc như: nhận được hàng mới chuyển tiền, hoặc chỉ nên chuyển tiền cho các công ty có địa chỉ, các trang thương mại điện tử uy tín để dễ khiếu nại hoặc tố cáo khi cần. Trong trường hợp người dân chuyển khoản qua ngân hàng thì cần lưu ý ghi rõ thông tin người bán, người mua hàng, chủ tài khoản nhận và chuyển tiền, ghi rõ nội dung khi chuyển khoản... để tiện đối chiếu, kiểm tra sau này nếu có bất trắc xảy ra.

Còn luật sư Đặng Đức Trí - Hãng luật Roma (TP.HCM) - cho rằng các hành vi lừa đảo bán khẩu trang online như trên có đủ yếu tố cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và có thể bị khởi tố hình sự nếu giá trị lừa đảo đủ lớn theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Trí, các nạn nhân bị lừa đảo trên cần tập hợp đầy đủ thông tin khi bị lừa đảo và nhanh chóng gửi đơn tố cáo trực tiếp tới cơ quan công an. Ngoài ra, người bị hại cũng có thể gửi đơn tố cáo tới viện kiểm sát, UBND các cấp... (nơi mình hoặc các đối tượng lừa đảo cư trú) để truy tìm những kẻ lợi dụng mùa dịch corona để lừa đảo người dân như thế này.

Ba lần bị lừa khi mua khẩu trang

lua ban khau trang

Chị Hà (Hóc Môn) cho biết mất 4 triệu đồng đặt cọc mua khẩu trang sau khi chuyển qua tài khoản được đối tượng lừa đảo đưa

Mua khẩu trang trên mạng, chị Nguyễn Thị Thúy (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) bị lừa đến 3 lần với cùng một kịch bản "chuyển tiền rồi lặn mất tăm".

Theo chị Thúy, lần đầu sau khi chuyển tiền hơn 1 ngày mà hàng chưa giao nên chị Thúy xin địa chỉ người bán và tìm đến tận nơi thì phát hiện địa chỉ giả. Lần thứ hai chị Thúy chuyển 500.000 đồng và người bán hàng cũng lặn mất tăm.

Rút kinh nghiệm, lần thứ ba mua khẩu trang, chị Thúy yêu cầu người bán chụp và gửi hình chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà cửa làm tin trước để chị chuyển 2 triệu đồng. Sau đó chị Thúy mới chuyển tiền nhưng gần nửa tháng nay vẫn chưa nhận được khẩu trang. Chị Thúy nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho người bán hàng nhưng không được.


Bán khẩu trang không rõ nguồn gốc bị tịch thu tại Thanh Hóa Bán khẩu trang không rõ nguồn gốc bị tịch thu tại Thanh Hóa

TTO - Ngày 28-2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an TP Thanh Hóa đang xử lý vụ gom khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, rồi bán ra ngoài thị trường ở Thanh Hóa với giá cao.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên