15/03/2018 20:12 GMT+7

Mua hàng online: Rao một đàng, bán một nẻo

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Mua hàng online đã rất quen thuộc với người tiêu dùng bởi sự tiện lợi, không mất thời gian đi lại mà chỉ cần một cú nhấp chuột là xong.

Mua hàng online: Rao một đàng, bán một nẻo - Ảnh 1.

Mua sắm online tiện lợi nhưng nếu không tìm hiểu kỹ dễ rước phải bực mình do mua phải hàng không đúng như người bán đã rao trên mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế nhưng, người tiêu dùng cũng rước không ít bực mình nếu mua phải món hàng kém chất lượng, thậm chí có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, cho dù website nơi mua bán có thương hiệu hẳn hoi trên thị trường.

"Rao dê, bán chó"...

Mới đây, chị Nguyễn Như (Q.1, TP.HCM) vào website của một trung tâm kinh doanh đồ gia dụng để đặt mua cuộn ni lông bọc thức ăn chuyên dụng, được giới thiệu trên website là hàng chính hãng của Mỹ, thương hiệu K.L, giá 740.000 đồng/cuộn. 

Sau khi ký nhận, chị Nguyễn Như mở gói hàng để lấy ra sử dụng thì mới phát hiện chất lượng của ni lông bọc thức ăn có vấn đề. "Nó rời ra từng mảnh dù chỉ cần đụng nhẹ, trong khi chất lượng ni lông bọc thức ăn của thương hiệu K.L luôn dai, phải cắt mới đứt chứ không phải đụng nhẹ là rơi lả tả như giấy được", chị Nguyễn Như cho biết.

Sinh nghi, chị Nguyễn Như kiểm tra lại toàn bộ "dung nhan" của gói ni lông bọc thức ăn, từ hộp đựng bên ngoài cho đến lõi ni lông, trục giữ lõi, màu sắc ni lông đều không giống sản phẩm mà chị vừa dùng hết. Quyết định làm rõ "trắng đen", chị đã tìm đến cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ Mỹ để mua cuộn ni lông bọc thức ăn tương tự với cái đã đặt mua trên online về so sánh.

Mua hàng online: Rao một đàng, bán một nẻo - Ảnh 2.

Cuộn ni lông bọc thức ăn chuyên dụng, được rao trên website là hàng chính hãng của Mỹ, thương hiệu K.L. mà chị Nguyễn Như mua trên mạng - Ảnh: Q.K.

"Cái tôi mua trên online có thể khẳng định là hàng giả bởi chữ viết bên ngoài hộp không đủ, thiếu mất mã vạch, kích thước vị trí hướng dẫn tính năng sử dụng cũng in không đều. Lõi giữa ni lông bên trong thì xộc xệch, màu sắc của ni lông thì ngả vàng toàn bộ. Trong khi hàng thật chính hãng thì ngược lại hoàn toàn", chị Nguyễn Như nhận xét.

Chuyện "nhỏ" mà không "nhỏ"

Ngay lập tức, chị Nguyễn Như gọi lại trung tâm kinh doanh đồ gia dụng để phản ánh về chất lượng, nhận được câu trả lời: "Nếu chị muốn trả thì mang ra đây chúng tôi gởi lại tiền cho chị!". Không đồng ý với cách trả lời của nhân viên vì chị Nguyễn Như cho rằng, "Tôi mua online, được giao tận nơi, khi hàng hóa có vấn đề thì nhân viên phải đến tận nơi thu hồi, sao lại bắt tôi mang hàng đi trả?". 

Dùng dằng đến ngày thứ ba thì nhân viên trung tâm nói trên mới đến nhà và hoàn lại tiền cho chị, kèm theo giải thích nhân viên giao hàng đã không kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa trước khi mang đi, lấy nhầm lô hàng không đạt chuẩn để giao cho khách.

"Điều tôi thất vọng nhất là không nghĩ một trung tâm kinh doanh lớn như vậy, có thương hiệu lại đi bán hàng không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng nhưng rao thông tin trên website lại chọn đúng hàng thật, có thương hiệu uy tín để bày bán. Sau phản ánh của tôi, đơn vị này mới thông tin trên website cho mã hàng đó là hết hàng", chị Nguyễn Như bức xúc nói.

Tìm hiểu kỹ thông tin mua hàng online

Một cán bộ có thẩm quyền của cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, để tránh các trường hợp rước "bực mình" vào người, điều tốt nhất là người tiêu dùng cần tham khảo đầy đủ thông tin sản phẩm, cách thức mua hàng, kể cả phương án đổi, trả trong trường hợp hàng hóa gặp sự cố.

Còn nếu nghi ngờ nơi bán sản phẩm không đúng chất lượng, không rõ nguồn gốc, hoặc kinh doanh sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về việc liên tưởng đến thương hiệu nổi tiếng… đều có thể phản ánh đến các hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan có chức năng quản lý liên quan để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Mua hàng online bị khiếu nại nhiều nhất

Theo cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong ba năm gần đây, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày, đồ điện tử gia dụng và nhóm điện thoại, viễn thông.

Trong đó, tỉ lệ phản ánh về chất lượng và thời gian giao hàng luôn áp đảo đối với các món hàng mua trên online, kể cả mua tại những nơi có uy tín vẫn bị rơi vào tình trạng này.

Trong năm 2017, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý trên 1.400 khiếu nại.

Ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày , chiếm khoảng 17,77%; nhóm đồ điện tử gia dụng, chiếm 14,76% và nhóm điện thoại - viễn thông, chiếm 11,44%.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên