Mùa gieo hạt tam giác mạch

HOÀNG VIỆT HẰNG 09/10/2015 21:10 GMT+7

TTCT - Tháng chín. Xín Mần, Quản Bạ đang mùa gieo hạt tam giác mạch. Lữ khách tôi bước chậm ở những đồng lúa nếp vừa gặt đã thấy người dân nhuộm gạo thổi xôi ngũ sắc mừng cơm mới. Hạt gạo chín bốc hơi còn phả khắp gian bếp nhà Sùng Thị Cỏ, nghệ nhân sáp ong của làng Lùng Tám.

Cánh đồng cải và những cây rơm Hà Giang                 -H.V.H.
Cánh đồng cải và những cây rơm Hà Giang -H.V.H.

Ở làng còn có nghệ nhân Ma Thị Gầu, Thạc Thị Thào chuyên vẽ sáp ong trên vải. Vẽ bằng chất liệu sáp ong xong, để khô, đem vải đi nhuộm chàm rồi mới đến cắt may. Nhiều người tham gia, qua nhiều công đoạn mới làm nên một sản phẩm thủ công treo trên dây này.

Những dây phơi ở phía mạn trời Quản Bạ chỉ toàn nhìn thấy lanh: trước hiên nhà, trên tường rào, trong sân giăng đầy vải lanh đã nhuộm đủ màu. Cây lanh trồng sau hơn hai tháng, đến tháng năm thì thu hoạch. Sợi lanh phơi đã qua bóc tách ngâm với tro bếp cho trắng rồi mới nhuộm, dệt vải. Phụ nữ ở ngôi làng Lùng Tám này có tới 130 người theo nghề dệt lanh.

Lần lượt họ qua 41 công đoạn để từ sợi lanh tước rất nhỏ, đều tay dàn vào khung cửi dệt thành vải tấm; thành văn hóa thổ cẩm của người Mông để bước một bước rất xa khỏi làng. Những khổ vải lanh ngang bốn mươi centimet, dài đến mười mét đã đi tới nước Nhật và Pháp để làm vải bọc ghế ôtô, máy bay, gối tựa cho ghế salon phòng khách.

Dân làng cũng khá lên nhờ du lịch. Tháng mười một mùa tam giác mạch nở hoa, khách dưới xuôi thăm thú chụp ảnh, mỗi người thu hai mươi ngàn đồng, đoàn đông người bốn mươi ngàn đồng. Cả làng Lùng Tám dệt cửi mà không nghe thấy tiếng thoi. Đó là sự kỳ diệu của dệt tay, con thoi cứ trên đôi tay mà dệt sợi ngang ra vải tấm.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai vừa đi Hà Nội làm visa để sang Nhật giới thiệu cây lanh Việt Nam tại Nhật với những sản phẩm của làng Lùng Tám. Theo bà, người dân ở làng đã bắt đầu có của ăn, có tiền cho con đi học nhờ thổ cẩm.

Nghề trồng hoa để phát triển du lịch cũng lan rộng ở cao nguyên. Mỗi du khách nước ngoài đến làng được mời đóng góp sáu USD cho hợp tác xã, góp vào quỹ du lịch cộng đồng phát triển. Thôn Học Tiến, xã Lùng Tám là nơi dễ dàng đi thăm thác Thí, lướt sông Nho Quế và lên Mèo Vạc, Đồng Văn không xa. Những điểm đến ở Đồng Văn có Nhà Vương, thôn Lũng Cẩm Trên, leo đỉnh cột cờ Lũng Cú.

Cao nguyên đá vẫn đang chất đầy cây rơm như hình chiếc nón. Cây rơm ở cao nguyên đá phơi trên núi nom rất lạ. Giống hình chiếc nón, rất khác cây rơm tròn chất đống vùng Bắc Hà Lào Cai, và khác hơn nữa cây rơm ở Bản Giốc, Cao Bằng. Những cây rơm cao nguyên đá không lớn, nó vàng xuộm bên đá xám; cây rơm có vẻ đẹp sâu sắc hơn và buồn hơn nơi khác, tôi nghĩ thế.

Đã có người Mông đi chợ một ngày đường, nhìn cây rơm biết cung đường đến đâu là tới chợ. Nhìn cây rơm biết cách lò rèn lưỡi cày lưỡi hái bao xa, nhìn cây rơm biết nơi có nhà kim hoàn chuyên nghề bạc, dễ đi thêm nửa canh giờ nữa. Cây rơm như những cột cây số không đánh dấu, mà đánh dấu trong trí nhớ người dân cao nguyên Hà Giang.

Một chái bếp của người Hà Giang-H.V.H.
Một chái bếp của người Hà Giang-H.V.H.

Người Hà Giang thì sao? Có người sinh ra để yêu ngựa, thuộc về phía chợ ngựa buôn ngựa, giỏi xem tướng ngựa; lại có người giỏi về xem móng trâu bò; có người ở cao nguyên chỉ mê xoong nồi chum vại làm nên cái bếp no đủ bốn mùa.

Đời sống của vùng cao nguyên đá này có hơi thở riêng khi cây rơm cũng úa vàng theo mưa nắng. Cái cửa sổ cũng vui buồn theo mỗi ngôi nhà mùa khô lo thiếu nước. Cửa sổ trình tường, khoét xiêu vẹo thành cái lỗ không vuông, chờ đi rừng chặt tre về làm song cửa phải đợi hết mùa hè.

Chái bếp ngôi nhà người Mông là nơi đoàn tụ cả nhà trong bữa cơm sáng, tối. Ánh đèn tiết kiệm điện luôn hắt lên từ bếp trước tiên. Và hũ rượu ngô thì như đặc sản không thiếu ở vùng cao nguyên này. Khách đến không say không về.

Cho dù người không say rượu thì đất trời cao nguyên đá vẫn là sự bí ẩn như một thứ bùa ngải gọi ta về với nơi này có đá xám, rơm vàng, hoa tam giác mạch rực rỡ, nơi còn bếp lửa có màu bồ hóng trên gác bếp và sau bếp còn màu tro.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận