04/03/2011 16:02 GMT+7

Mùa châu chấu tuổi thơ

SONG NINH
SONG NINH

AT - Tôi lớn lên ở làng quê nghèo nằm bên bờ con sông Hồng nước quanh năm ngầu đục. Tôi sống với bà ngoại và dì Tư. Cuộc sống của gia đình tôi lúc ấy chỉ trông chờ vào hai vụ lúa từ mấy sào ruộng mỗi năm và một chiếc thuyền nho nhỏ để đi te cá.

SQQcF7bn.jpgPhóng to

Hầu như ngày nào bà và dì Tư cũng ra đồng vào mỗi sáng, không làm việc này thì làm việc khác. Tờ mờ sáng, bà tôi thức dậy, xuống bếp lọ mọ nấu bữa ăn sáng cho gia đình rồi mới gọi tôi và dì Tư dậy.

Bữa ăn sáng đạm bạc, chỉ có chút mắm tép do chính tay bà ngoại làm, cộng với vài ba con cá rô đồng kho mặn, chén canh mồng tơi hâm kỹ hoặc có khi chỉ có dưa cải muối, nhưng như vậy cũng đã là sung sướng lắm rồi. Ăn sáng xong, mọi người vác cuốc, xách xô ra đồng. Một ngày ở quê tôi bắt đầu khi những chiếc loa công cộng phát những bản tin sáng.

Tôi thích nhất là những mùa lúa vào khoảng tháng tám âm lịch. Khi nhà nhà lũ lượt kéo nhau ra đồng gieo mạ, chuẩn bị cho vụ lúa thứ hai trong năm cũng là lúc cánh đồng làng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những chiếc máy cày, máy bừa, máy lồng thi nhau nhả những ngụm khói đen lên trời, tiếng máy nổ xành xạch từ sáng sớm cho tới đêm khuya để kịp ruộng lấy chỗ gieo mạ.

Khi những luống mạ xanh rì đã được khoảng một gang tay thì cũng là lúc mùa châu chấu bắt đầu sinh sôi nảy nở. Chẳng biết chúng từ đâu kéo về mà cứ thành đàn đến cả hàng trăm, hàng ngàn con, đếm không xuể. Chúng quây tụ thành từng đàn trên những luống mạ, cắn phá những gốc mạ non. Trong khi lũ trẻ con chúng tôi vô cùng thích thú với việc đi bắt châu chấu thì người lớn lại vất vả tìm cách để tiêu diệt chúng.

Những buổi chiều, khi nắng còn vương lại phía chân trời là dì Tư gọi tôi xách xô lon ton chạy theo dì ra đồng. Dì Tư một tay xách giậm, một tay xách vợt. Đến nơi, tôi có nhiệm vụ giữ bao, còn dì Tư xông xáo, xắn quần nhảy xuống ruộng, dùng chiếc vợt lưới vợt qua vợt lại mấy vòng trên những luống mạ. Chỉ vài động tác đơn giản thế thôi mà chiếc vợt đã xanh rì những con châu chấu đang nháo nhào nhảy loạn xạ.

Sau khi vợt châu chấu xong, dì Tư đổ tất cả vào bao lưới và bảo tôi nắm chặt đầu bao lại. Rồi cứ vậy, cho đến khi mặt trời chui hẳn xuống sông thì chiếc bao lưới tôi mang đã được lưng chừng châu chấu. Dì Tư và tôi trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối, dù châu chấu vẫn còn khá nhiều.

Những con châu chấu được dì Tư đem dìm xuống ao để chúng ngạt nước, rồi lấy một ít ra rửa sạch để bà ngoại rang với lá chanh. Số còn lại dì Tư đem rửa thật kỹ để sáng hôm sau mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo.

Rồi dì Tư lấy chồng bên sông để bà ngoại và tôi sống bên này. Già cả, sức yếu, bà ngoại không kham nổi việc đồng áng nên gọi người cho thuê ruộng, tôi cũng lớn lên và bận bịu với công việc học hành trên thị xã, cuối tuần mới trở về.

Mùa châu chấu nữa lại đến khi những luống mạ non trên cánh đồng làng bắt đầu xanh thẫm giữa khúc quanh co của con sông Hồng. Tôi tạm gác công việc sách vở, mải mê đùa nghịch cùng đám trẻ quê và những con châu chấu nhỏ bé. Những ký ức về một thời tuổi thơ lại đau đáu trong tâm trí tôi, vội vã đi qua giữa dòng đời xuôi ngược.

qK2Jcoii.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

SONG NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên