Kỳ 1: Mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 1.
Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 2.
Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 3.

Đó là những chuyện chưa kể về việc cứu người thầm lặng mà cao cả, những sẻ chia nhẹ nhàng mà thấm sâu lòng người xuyên biên giới...

Trải qua bốn chặng bay dài kể từ TP.HCM với tâm trạng đầy háo hức, cuối cùng tôi đã có mặt ở thủ đô Juba, Nam Sudan.

Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 4.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân xuống sân bay xa xôi này là rất nhiều máy bay của các cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) như Cao ủy tị nạn, Chương trình lương thực thế giới... Một chốt gác đơn sơ kiểm tra nhiệt độ và chứng nhận đã tiêm văcxin sốt vàng của người nhập cảnh. Các hành lý đều được kiểm tra bằng tay và mắt mà không thiết bị soi chiếu.

Giữa thủ đô Nam Sudan, tôi vẫn có thể cảm nhận được hậu quả chiến sự đầy khó khăn của đất nước này. Nhưng tôi cũng được an lòng khi nghe bạn bè quốc tế dành nhiều lời ngợi khen chân tình cho lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đang gìn giữ hòa bình ở đây.

Ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục ngồi chuyến bay trực thăng Mi-8 để đến Bentiu, thủ phủ bang Unity, Nam Sudan. Cảm giác háo hức và xúc động đợi máy bay hạ cánh để tôi được siết chặt tay đồng hương đang giúp giảm bớt tai ương, khổ đau cho người dân nước bạn.

Cuối cùng, giây phút trông đợi nhất cũng đến. Những ánh mắt ấm áp, những lời hỏi han thân tình bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi được chu đáo bố trí ăn, ở gần gũi cùng các anh chị bác sĩ để có thể chứng kiến và cảm nhận thật rõ ràng mọi chuyện. Trên đầu chúng tôi, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lúc nào cũng lộng gió tung bay.

Chính thức nhận nhiệm vụ ngày 27-10-2018 tại Bentiu, Nam Sudan, bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam thay thế bệnh viện của Anh. Là đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài, bệnh viện dã chiến cấp 2 hoạt động theo tiêu chuẩn của LHQ. 63 người là quân số tối đa cho tất cả các bộ phận gồm khoa khám bệnh, ngoại chuyên khoa, nội truyền nhiễm, dược trang bị, ban hậu cần bảo đảm và đội cấp cứu đường không...

Đến ngày 27-10-2019, tức trước hôm tôi có mặt vài ngày, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã khám và điều trị cho gần 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó có 59 ca phẫu thuật nội trú (gồm 19 ca trung đại phẫu và 40 ca tiểu phẫu). Bệnh tật rất phức tạp với đủ thứ từ đau răng, tiêu hóa, cơ, khớp, chấn thương, sốt rét và tim mạch...

Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 5.
Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 6.

Các bác sĩ tâm sự lúc mới qua không kịp quen với cái nắng châu Phi, mọi người đã lao vào khiêng vác hàng tấn đồ đạc, rồi lại lắp ráp thiết bị y tế, bàn ghế, tủ... mang từ Việt Nam sang. Đặc biệt, hai tháng đầu ở Bentiu, họ phải khám chữa bệnh và phẫu thuật trong lều được dựng bằng những vòm sắt, lều này nối với lều khác như tổ ong nóng bức.

Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 7.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo kể: "Khi bước vào lều phẫu thuật, thấy chỉ có bạt trải sàn đất, tôi đã thốt lên làm sao mổ ở đây được khi điều kiện vô khuẩn không đảm bảo?". Nhưng rồi ngay đêm đầu tiên sau khi nhận bàn giao, các bác sĩ Việt đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân cấp cứu viêm ruột thừa. Điều lo lắng lớn nhất lúc đó của bác sĩ Lại Bá Thành và kíp mổ là công tác vô trùng.

Bệnh viện huy động tất cả sang phòng phẫu thuật, dùng đủ mọi phương tiện để lau sát khuẩn sàn, bàn mổ, dụng cụ. Chưa yên tâm, họ còn dùng thêm máy phun sương tiệt trùng, đèn cực tím với hi vọng tạo ra môi trường vô khuẩn tốt nhất có thể. Một êkip khác thì gấp rút tìm kiếm các dụng cụ phẫu thuật cần thiết đang còn trong các thùng thiết bị vừa mang sang. Bệnh nhân nhập viện lúc 18h, đến 23h kíp mổ bắt đầu. Vừa phẫu thuật, họ vừa vượt qua áp lực tâm lý khi phải mổ với dụng cụ, bàn mổ, êkíp... không quen.

Bác sĩ Thảo nhớ lại: "Tôi là một trong các phụ mổ đêm đó. Ở Việt Nam tôi mổ đêm, ca mổ 3-5 tiếng là bình thường. Đêm đó do thời gian chờ mổ và cuộc mổ dài, gần sáng tôi định ngồi xuống nghỉ một tí nhưng ngất luôn. Nhưng nghĩ lại, tôi cho rằng mình ngất là do quá buồn ngủ chứ không có điều gì đáng nói.

Bình thường một ca mổ viêm ruột thừa như vậy là dài. Nhưng trong điều kiện đặc biệt của ngày làm việc đầu tiên ở bệnh viện dã chiến, đó là ca mổ thành công. Chúng tôi cũng theo dõi rất kỹ bệnh nhân nhiều tháng sau đó".

Chia sẻ với tôi, thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát nói thêm: "Sau khi sang Nam Sudan, mọi người nhận ra là y bác sĩ ngày nay được đào tạo và thực hành trong môi trường y học hiện đại, có nhiều thuốc tốt trong tay, nhân sự đầy đủ. Trong khi đó ở môi trường dã chiến, mọi thứ đều thiếu thốn. Chúng tôi khám bệnh nhưng như bị trói tay chân vì không đủ thuốc, thiết bị. Cần sự thích nghi và vượt khó rất cao để làm việc".

Thăm Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan - Video: HỒNG VÂN – TRÍ NHÂN – QUỐC HUY

Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 8.

Nam Sudan có hai mùa với mùa nắng thì rất nắng, nóng, nhiệt độ bên ngoài có thể đến 45 độ C, còn mùa mưa thì mưa to, mưa liên tục, dông lốc, ngập lụt... Cũng trong mùa mưa, tình trạng sốt rét tăng rõ rệt, trong đó sốt rét ác tính làm bệnh nhân có thể bị suy thận, tổn thương nặng.

Các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã điều trị 35 ca, trong đó có 8 cán bộ của bệnh viện cũng bị sốt rét. Mỗi tuần hai lần, trung úy, y sĩ vệ sinh dự phòng Cao Tiến Huỳnh phải mang bình đi phun thuốc khắp khuôn viên khu nhà ở và bệnh viện. Việc đọc sách, nghỉ ngơi dù là ban ngày cũng phải ở trong màn.

"Tôi có chuyện này vui lắm kể cho cô phóng viên nghe", một y sĩ của bệnh viện tâm sự với tôi. "Em ơi, bên này có cô Malaria, cô lỡ cắn anh một lần mà anh nhớ cô ấy suốt đời. Vợ nghe xong không nói gì, nhưng từ đấy về sau tôi gọi điện là cô tránh mặt, toàn đưa điện thoại cho con. Đến khi tôi thú thật là em ơi, Malaria là sốt rét đấy, anh bị muỗi cắn bị sốt rét rồi, cô ấy mới hết giận và hỏi han, lo lắng. Sốt rét xong, người xuống sức hẳn".

Kỳ 1: Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 9.
Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 1.
Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 2.

Hai y bác sĩ Việt tận tình tháp tùng bệnh nhân suốt gần 6 giờ bay từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Bentiu bằng trực thăng MI8 lên thủ đô Juba, rồi tiếp tục di chuyển bằng máy bay ATR sang Uganda...

Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 3.

Trong sáng chuyển viện, bảy quân nhân, bác sĩ đồng đội của bệnh nhân có mặt ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam từ sớm. Họ lo lắng hỏi thăm và liên tục nhìn về phía giường đồng hương đang nằm thở máy khó nhọc.

Hạ sĩ Ravindra Singh cho tôi biết mình là y tá Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị công binh Ấn Độ và rất lo lắng cho bệnh nhân đồng hương. Trước đó, người này còn làm việc bình thường, chạy bộ khoảng 5km mỗi ngày.

Hai tuần gần đây, anh thường xuyên cảm thấy khó thở khi chạy hoặc gắng sức. Bệnh nhân khám ở Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị mình và được chuyển lên Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam ngày 4-11.

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát, người trực tiếp khám cho bệnh nhân, cho biết: "Khi nhập viện, mạch bệnh nhân nhanh, phân áp oxy thấp (có thể hiểu là thiếu oxy trong máu) rất dễ dẫn đến suy tim". Bước đầu, bệnh nhân được các bác sĩ Việt tận tình chăm sóc ổn định tình trạng. Sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm tim, đo điện tim..., hai vấn đề sức khỏe lớn của bệnh nhân là giảm oxy máu có khí máu động mạch và tình trạng mạch nhanh đặc biệt. Nhận định trường hợp bệnh nặng, cần các xét nghiệm chuyên sâu và điều trị bằng thuốc cao cấp, bệnh viện quyết định chuyển lên tuyến trên tại Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở Uganda, nơi có thiết bị tốt hơn. Sáng 6-11, trước giờ dự kiến chuyển bệnh lúc 8h, bệnh nhân ngồi dậy và gặp một cơn khó thở cấp.

Trong phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân được thở oxy trong khi các y tá, điều dưỡng kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân: nhịp tim, huyết áp, phân áp oxy... đồng thời truyền thuốc an thần, thuốc chống loạn nhịp (tim) để bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Chỉ huy, đồng đội bệnh nhân đứng trong, đứng ngoài phòng bệnh. Còn bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 Ấn Độ tranh thủ hỏi thăm về tình hình với đồng nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, đội cấp cứu vận chuyển đường không (AMET) gồm thượng úy, bác sĩ Nguyễn Quang Tường và trung úy, y sĩ Hoàng Văn Chinh chu đáo chuẩn bị các thiết bị phục vụ chuyển bệnh gồm máy theo dõi (monitor), máy thở, bình oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy hút đàm... để mang theo trong hành trình nhiều giờ bay cùng bệnh nhân.

Tôi đứng nhìn xe cấp cứu chở bệnh nhân rời đi và tốp quân nhân Ấn Độ đi bộ trở về đơn vị mà ngậm ngùi. Mới hôm qua, bệnh nhân vẫn nói chuyện, cho phép tôi chụp hình. Sáng nay, anh ấy còn cười khi tôi hỏi thăm...

Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 4.
Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 5.

Những ngày có mặt trực tiếp ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam, tôi được biết nếu chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện dã chiến 2+ ở thủ đô Juba, thời gian bay 3 tiếng với trực thăng hoặc 1,5 tiếng với máy bay ATR.

Nếu phải sang Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở các nước lân cận, sẽ có thêm một lần kiểm tra sức khỏe và chuyển máy bay, thời gian bay cũng dài hơn. Theo đó, lượng thuốc cấp cứu, oxy và các phương tiện mang theo phải phù hợp để không phải mang vác quá nhiều, quá nặng, nhưng vẫn đầy đủ như một phòng khám thu nhỏ và cụ thể theo tình hình bệnh tật của bệnh nhân.

Trực tiếp chuyển bệnh nhân Ấn Độ đến Uganda, bác sĩ Tường chia sẻ: "Chúng tôi giống như bê một quả trứng suốt gần 6 tiếng. Lúc nào cũng chú ý đến bệnh nhân, không rời một phút". Y sĩ Chinh nói thêm: "Chúng tôi thậm chí không ngồi trên ghế mà thường xuyên đứng cạnh bệnh nhân, chú ý và kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn. Khi bàn giao bệnh nhân an toàn, tôi mới thực sự nhẹ người".

Cấp cứu đường không là quyết định tốt nhất cho bệnh nhân nhưng cũng có những thách thức trong hành trình vận chuyển. Khó khăn của y bác sĩ là không gian máy bay chật chội, tiếng ồn lớn và áp lực cao vì bệnh nhân thường nặng và họ không có sự hỗ trợ của bất cứ ai khác. Về phía bệnh nhân, khi bay lên cao, nồng độ oxy không khí giảm, họ dễ mệt, khó thở hơn, nhất là những người bị giảm oxy máu.

Ở trên không, y bác sĩ phải cố định chặt bệnh nhân cũng như các thiết bị khác để giảm thiểu các tai nạn ngoài ý muốn do đổvỡ các vật dụng mang theo khi máy bay gặp vùng thời tiết xấu. Bình oxy có thể nặng đến 40kg lại dễ gây cháy nổ nên phải cố định chặt. Chai thủy tinh, dịch truyền dễ rơi vỡ, kim tiêm phải bỏ vào hộp cố định đậy chặt nắp để tránh gây thương tích cho bệnh nhân và y bác sĩ.

Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 6.

Thành công của một ca chuyển bệnh đường không, theo các y bác sĩ đội AMET, là được quyết định từ khâu chuẩn bị. Những gì có thể làm cho bệnh nhân, êkip đã thực hiện đầy đủ trước khi lên đường vì mọi thủ thuật trên không đều khó khăn hơn gấp bội so với thao tác ở buồng bệnh.

Để thiết lập một đường truyền ở buồng bệnh, nói vui là các điều dưỡng nhắm mắt cũng làm được, nhưng ở trên không thì không hề dễ dàng do rung lắc của máy bay. Nếu không cố định chặt, kim truyền có thể bung ra.

Hỗ trợ đội bác sĩ AMET không thể thiếu người lái xe cấp cứu. Trung úy Đàm Chánh Hưng và trung úy Nguyễn Văn Tám là hai người thường xuyên chở bệnh nhân ra sân bay.

Chặng đường gần 4km ra sân bay có khoảng 1km là đường nhựa, còn lại là đường đất đỏ ngập bụi mà mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì ổ gà và những lằn bánh xe lồi lõm, sâu hoắm.

Trung úy Tám tâm sự với tôi: "Đường ở đây rất nhiều ổ voi ổ gà. Xe chạy cứ tưng tưng, bật lên bật xuống, bác sĩ rất xót ruột cho bệnh nhân. Tôi lái chỉ 5km/h nhưng bác sĩ vẫn hỏi có thể chậm hơn nữa được không".

Khi đến sân bay, người lái xe tiếp tục hỗ trợ khiêng cáng đưa bệnh nhân vào khoang máy bay. Do cửa vào máy bay hẹp, lối đi trong máy bay cũng hẹp, hai người khiêng phía trước, một người khiêng phía sau phải cắn răng, cố sức nâng cáng có bệnh nhân cùng máy monitor lên quá đầu.

Đa số bệnh nhân là nam giới, có người trên 80kg. Dù nặng, người khiêng cáng vẫn phải cố gắng để di chuyển bệnh nhân thật nhẹ nhàng và an toàn.

Trước mắt tôi, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã có một ngày rất vất vả, nhưng mọi người đều nở nụ cười thật tươi khi đã cố gắng hết mình và hoàn thành trách nhiệm một cách tốt nhất...

Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 7.

14h30, Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị Ấn Độ chuyển đến hạ sĩ Salunke Ramesh bị thương tay. Người ta đã phải cưa chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út bị đè móp méo trước khi chuyển đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam.

Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 1.
Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 2.
Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 3.

Ngày đông, bệnh viện tiếp nhận khoảng 18 ca bệnh, đa số là ngoại trú. Việc chăm sóc và hướng dẫn người bệnh rất chu đáo, một điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và luôn ngồi tại phòng bệnh.

Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 4.

10h30 ngày 12-11, trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì xe Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đội Cảnh sát Ghana (Ghana FPU) đưa đến hai bệnh nhân, một người bị đau răng và người còn lại bị sưng tay, chân một tháng không rõ lý do. Sau khi làm thủ tục tiếp nhận, người đau răng vào phòng nha để kiểm tra và điều trị, trong khi bệnh nhân bị sưng tay được bác sĩ Việt Nam chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, chụp X-quang. Anh được chẩn đoán viêm đa khớp.

Khoa khám bệnh là đầu mối của bệnh viện. Gần 2.000 bệnh nhân đến khám đều được tiếp nhận ở khoa này trước khi phân loại để khám và điều trị theo các chuyên khoa như khoa ngoại, nha hoặc vật lý trị liệu...

Với một số trường hợp tái khám hoặc bệnh nhẹ, bệnh nhân thường vui vẻ trò chuyện cùng các điều dưỡng, bác sĩ Việt ở phòng khám để tìm hiểu về Việt Nam. Dù đa số đều chưa từng đến đất nước hình chữ S này, nhưng qua tiếp xúc với các y bác sĩ, họ đều nhận xét người Việt rất thân thiện.

Trong số khoảng 4.000 quân nhân và người làm việc khối dân sự ở căn cứ Bentiu, nhiều người hoàn toàn không nói được tiếng Anh nhưng đi khám một mình với giấy chuyển viện. Những trường hợp này, y bác sĩ phải dùng dấu hiệu để giao tiếp và khi chăm sóc phải luôn quan sát bệnh nhân để hiểu những gì họ nói.

Trung tá, kỹ thuật gây mê Đinh Văn Tuấn kể kỷ niệm vui khó quên về sự khác biệt ngôn ngữ khi khám bệnh ở căn cứ Bentiu: "Trước khi lên đường, nhiều người lo về việc phải sử dụng tiếng Anh do chưa tự tin ngoại ngữ. Tuy nhiên, một số đơn vị đi tập thể ở đây có quân số vài trăm người, chỉ cấp chỉ huy mới nói tiếng Anh, còn lính tráng nhiều người không biết ngoại ngữ.

Có lần một nữ bệnh nhân Mông Cổ đến khám nhưng không nói tiếng Anh. Điều dưỡng phải lấy thông tin đầu vào gồm tên, ngày sinh, đơn vị công tác mà không biết trao đổi thế nào. Y sĩ trực phòng khám lúc đó đã sáng ý nghĩ ra một chuỗi động tác bất ngờ: đầu tiên chỉ vào bệnh nhân, rồi đưa tay vòng lên trước bụng và tạo tiếng khóc oe oe. Ngôn ngữ cơ thể phức tạp thế nhưng bệnh nhân vẫn hiểu ra và cung cấp thông tin ngày tháng năm sinh của mình".

Anh Sampson Dodzi Wemegah, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị Ghana FPU, vui vẻ trao đổi với tôi: "Các bác sĩ, điều dưỡng Việt Nam làm việc rất tốt. Họ đón chúng tôi với sự chuyên nghiệp và ân cần. Bệnh nhân được thăm khám kỹ, y bác sĩ rất tận tâm, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn so với bệnh viện tuyến dưới. Nếu cần tư vấn, hỗ trợ, họ đều sẵn sàng và rất thân thiện".

Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 5.
Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 6.

14h30 một ngày tháng 11, Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị công binh Ấn Độ đưa đến hai bệnh nhân bị đau răng và chấn thương tay phải trong lúc di chuyển máy phát điện. Người ta đã phải cưa chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út bị đè móp méo của bệnh nhân để sơ cứu và may lại trước khi chuyển đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam.

Anh Ramesh ngồi lặng nhìn vết thương trong khi chờ chụp X-quang. Anh đã ở căn cứ Bentiu được bốn tháng, chỉ còn hai tháng nữa kết thúc nhiệm vụ. Rất băn khoăn về tình trạng vết thương của mình nhưng anh cố nén cơn đau lẫn sự lo lắng.

Lần duy nhất anh không giấu được sự đau đớn là khi điều dưỡng vệ sinh lại vết thương trước khi nẹp bột. Sau hai ngày, anh cho biết đã cảm thấy khá hơn khi đến kiểm tra băng. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thông Phán, chủ nhiệm khoa ngoại, người bó bột cho bệnh nhân, tâm sự: "Nếu được chuyển đến từ đầu, chúng tôi có thể may với kỹ thuật tốt hơn. Ramesh bị gãy hở mức hai, xương đốt 1, ngón 5 (ngón út) tay phải. Sau khoảng 14 ngày vết thương có thể cắt chỉ, nhưng cần duy trì nẹp trong tám tuần để liền xương. Mỗi bốn tuần chụp X-quang kiểm tra một lần dự phòng các di lệch thứ phát".

Gần ba tuần ở cùng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, tôi hiểu tai nạn trong quá trình làm việc ở căn cứ khó tránh khỏi, nhất là các đơn vị công binh thường xuyên phải sửa đường, xây nhà xưởng... Người bị chấn thương nhẹ có thể được phân làm các công việc khác. Trường hợp bệnh tật hay chấn thương nặng sẽ về nước sớm.

Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 7.

Theo thiếu tá Phán, dù là Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai ở thực địa khó khăn, nhưng quy trình phẫu thuật của các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam vẫn đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc vô trùng, gây mê, chăm sóc hậu phẫu. Trong điều kiện hạn chế về một số trang thiết bị vật tư, bệnh viện linh hoạt từng trường hợp cụ thể để có thể sử dụng trang thiết bị một cách phù hợp, tiết kiệm.

Trời vừa tối, một bệnh nhân người Mông Cổ nhập viện và có các dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa như đau hố chậu phải, sốt... Bệnh nhân được siêu âm, xét nghiệm và được mổ ngay trong đêm. Ca mổ dài 1 giờ 40 phút, kết thúc lúc gần nửa đêm.

Một tiếng đồng hồ sau, kíp y sĩ, điều dưỡng mới hoàn thành những việc dọn dẹp cuối cùng để trở về phòng nghỉ. Riêng điều dưỡng trực vẫn trực tiếp ở lại phòng để tích cực chăm sóc bệnh nhân.

Những ngày tôi ở cùng Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam, có khi cùng lúc ba ca bệnh nội trú. Những lúc bệnh nhân tỉnh táo, tạm khỏe, các điều dưỡng Việt thường ân cần trò chuyện hoặc dìu bệnh nhân tập đi sau ca mổ.

Bác sĩ Nguyễn Công Bình tâm sự: "Khi bệnh nhân đói, khát, người chăm sóc chưa kịp đến hoặc không có ai chăm sóc, chúng tôi tận tình pha sữa, nấu cháo, nấu cơm cho bệnh nhân. Của cho không bằng cách cho, họ đang đau ốm, đó là những điều rất bình thường mà chúng tôi có thể làm cho họ...".

Thân thiện, nhiệt tình nhưng các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam cũng thẳng thắn cương quyết từ chối những yêu cầu không phù hợp của bệnh nhân như đề nghị bác sĩ chỉ định nghỉ nhiều ngày so với tình trạng bệnh của mình. Và họ trả một số ca bệnh đơn giản (do Bệnh viện cấp 1 không xử lý đúng trách nhiệm) về tuyến dưới hoặc các yêu cầu vật lý trị liệu không thích hợp...

Có một cây đu đủ rất sum suê do đại úy, bác sĩ mũ nồi xanh Nguyễn Thị Thu Ngân mang hạt giống sang trồng. "Ý định của tôi là trái đu đủ chín đầu tiên sẽ dành thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc ở bệnh viện".

Kỳ 3: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến - Ảnh 8.
Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 1.
Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 2.
Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 3.

Mỗi Gb mua thêm giá 19 USD, bằng tiền gói cước data ào ạt ở nước nhà. Mọi người dành dung lượng này để liên lạc gia đình và cập nhật tin tức...

Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 4.

Ba tuần ở Nam Sudan là thời gian khó quên với tôi vì được sống chậm lại. Tôi chỉ mua 1 Gb Internet và chờ mãi mới gửi được bản tin về nhà. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn hài lòng khi được tham gia những cuộc trò chuyện thân tình bên vườn cây, trong bữa cơm, hay bên ấm trà dưới bầu trời sao khi chúng tôi vừa nói chuyện vừa phải rung chân và hun vỏ cam để đuổi muỗi.

Sau 17h, ca làm việc chính trong ngày kết thúc, trừ những người có ca trực, cán bộ bệnh viện trở về không gian sinh hoạt của mình cách bệnh viện chừng hai phút đi bộ. Với thiếu tá Nguyễn Thành Công, phó giám đốc chuyên môn bệnh viện, làm gì thì làm nhưng mỗi sáng và mỗi chiều anh đều tưới khu vườn trước phòng mình. Mảnh đất nhỏ chừng hơn 2m2 có cả một cây chùm ngây đã vươn cao, gốc mướp, giàn mồng tơi, nhiều loại hoa và cả rau quế.

Không chỉ anh Công, nhiều cán bộ cũng trồng hoa, trồng rau và coi đây là niềm vui hằng ngày. Trước phòng V11 có một cây ớt trái dáng tròn nhưng vẹo vọ, rất lạ so với trái ớt thuôn, nhọn ở Việt Nam. Không cần phân công, bốn thành viên nữ trong phòng thường xuyên tưới cây, tỉa lá mà không biết chán.

Điện thoại nhiều người còn lưu giữ hình ảnh cây mình trồng lớn lên hằng ngày, hằng tuần. Với giàn mướp, ban đầu họ còn đếm trái, về sau lượng mướp lên đến hàng chục, hàng trăm trái, không ai còn đếm nổi nữa.

Đặc biệt, giữa hai phòng V12 và V11 có một cây đu đủ rất sum suê do đại úy, bác sĩ của khoa khám bệnh Nguyễn Thị Thu Ngân mang hạt giống sang trồng. Đây là cây đu đủ gần con người nhất, sinh trưởng tốt nhất và chi chít trái. Ngân tâm sự: "Ý định của tôi là trái đu đủ chín đầu tiên sẽ dành thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc ở bệnh viện. Trái thứ hai tôi muốn tặng bà Hiroko Hatara, chỉ huy căn cứ Bentiu. Bà rất vui tính và tốt bụng. Tôi đã nhờ đoàn cán bộ mới chăm cây sau khi rời Bentiu".

Màu xanh của hoa và rau trái khiến cái nắng ban ngày ở châu Phi bớt khủng khiếp. Nắng ban mai từ 8h-10h còn dễ chịu. Nhưng từ 10h-16h, nắng chói chang như muốn nổ tròng mắt. Và cũng chính cái nắng, cái nóng châu Phi này đã khiến mọi người càng quyết tâm chăm sóc từng mầm xanh. Dần dần giàn mướp, vườn hoa làm cho không gian Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam mát mắt hơn, giống một ốc đảo xanh giữa vùng đất trống trải, nóng bỏng, chỉ toàn nhà cửa, hạ tầng quân sự và những đám lau sậy phất phơ ven hào nước.

Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 5.
Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 6.

Buổi chiều mát, sau khi tưới cây, anh em cán bộ bệnh viện ngồi uống trà, chơi cờ tướng, nói chuyện gia đình. Sau 21h họ vào phòng để tránh muỗi nhưng vẫn uống trà, nói chuyện hay chơi cờ đến khuya.

Biết tôi mới sang, ngủ say như cục đá ai cũng mừng, vì có một số đáng kinh ngạc là cán bộ bệnh viện thức giấc từ 1-2h sáng và không thể nào ngủ lại dù đã sống một năm ở Bentiu. Đêm khuya là lúc nỗi nhớ trong lòng khắc khoải nhất. Lúc này ở Việt Nam là 5-6h sáng, con cái chuẩn bị đến trường, người thân chuẩn bị bữa sáng, đưa con đi học, đi làm. Cảnh đầm ấm đó như chạm tay là với tới nhưng chỉ chập chờn trong nỗi nhớ khi đêm về.

Ngày và đêm ở Bentiu xa quê hương như dài thêm gấp đôi. Mỗi người đều phải nghĩ ra nhiều hoạt động để lấp đầy khoảng thời gian trống và tạo niềm vui cho mình. Với thiếu úy Sa Minh Ngọc, chị tìm niềm vui trong phác họa và vẽ tranh màu nước. Đại úy, điều dưỡng khoa khám bệnh Vũ Anh Tuấn thư giãn với cây đàn guitar và organ. Anh đánh những bài mình thích, đệm cho anh em trong đơn vị hát...

Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 7.

Khi lên đường năm 2018, ai cũng lo chuyện chuyên môn, nhưng sang đến nơi họ nhận ra căn cứ có nhiều hoạt động như ngày UN (UN Day), mừng năm mới, thi nấu ăn, thi đấu thể thao, giới thiệu nhạc truyền thống... cần phát huy tài lẻ múa, hát, nấu ăn, chơi thể thao. Và những niềm vui lành mạnh đó giúp giảm bớt nỗi nhớ quê nhà.

14 tháng sống ở Bentiu, Nam Sudan, cánh chị em chỉ để kiểu tóc suôn, dài vì ở đây không có tiệm cắt tóc, càng không có salon, spa làm đẹp. Với nam giới, họ thường phải cắt tóc mỗi hai tháng một lần. Đơn vị có 3-4 người thường xuyên cắt tóc cho anh em.

Đại úy chuyên nghiệp Ngô Văn Thành là kỹ thuật viên điện lạnh, phụ trách bảo trì, sửa chữa các loại máy lạnh (container thực phẩm, tủ trữ thuốc, trữ máu, súng...). Nhưng anh cũng là người chơi bóng bàn giỏi nhất bệnh viện, từng đoạt giải nhì đơn nam, giải nhất đôi nam nữ trong giải bóng bàn giao lưu giữa các đơn vị tại căn cứ Bentiu.

Trước khi sang Nam Sudan, lãnh đạo Bệnh viện 175 đề nghị anh học thêm về cắt tóc. Anh Thành dành vài ngày quan sát người thợ cắt tóc quen và mua riêng một bộ dụng cụ. Sang Bentiu, anh cắt cho anh em và được công nhận là người cắt tóc đẹp nhất bệnh viện.

Vào cuối tháng 11, trước lúc trở về Việt Nam, Liên Hiệp Quốc trao huy chương cho 63 cán bộ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, nhiều người muốn tóc tai gọn gàng nên hầu như chiều nào Thành cũng bận rộn với những lời đề nghị cắt tóc.

Anh tâm sự: "Lần đầu cầm kéo thật sự cũng lo, cứ sợ cắt hỏng tóc của người ta. Thực sự đấy. Nhưng tôi cũng thấy vui vì anh em tin tưởng cho mình thực hành. Dần dần rồi cũng quen. Mình cắt không được kiểu cách nhưng gọn gàng, phẳng phiu theo quy định trong quân đội. Nhìn chung anh em cũng hài lòng và nhu cầu của mọi người cũng chỉ cần gọn gàng".

Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 8.
Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 9.

Trẻ nhất bệnh viện là những thành viên sinh những năm 1990. Cùng trải qua chuyến công tác quốc tế khó quên của thời thanh xuân là lý do đưa các bạn trẻ gồm trung úy Nguyễn Thế Anh (1994), Bùi Thị Hoài Thu (1993), Trần Văn An (1990), Phạm Phú Hải (1995) và Huỳnh Cẩm Thư (1993) trở thành những người bạn thân.

Một người phụ nhà bếp là tất cả cùng xuống bếp. Họ rủ nhau chơi thể thao và rèn luyện tiếng Anh khi rảnh rỗi, vừa để giao tiếp tốt hơn với bệnh nhân vừa để phục vụ ước mơ xa sau này là học lên cao.

Các ngày trong tuần, nhóm bạn năm người dưới sự hỗ trợ của Phú Hải, người nói tiếng Anh tốt nhất trong nhóm tập trung giải đề IELTS. Bình thường họ rất nhí nhố, nhưng khi cần nghiêm túc họ cũng có thể dành tối đa sự tập trung.

Chính ở Nam Sudan, các bạn trẻ biết sử dụng thời gian "chất" hơn, chủ động nghĩ ra nhiều việc để làm ngoài chuyên môn như thể dục, giao lưu với các đơn vị bạn, đọc sách, nấu ăn và tự học để biến những ngày dài thành thời gian ý nghĩa...

Mỗi khi có khách, nhà bếp họp với các khoa để thêm người hỗ trợ. Bữa cơm 5-6 món, luôn có món Việt như gỏi, chả giò, gà luộc, xôi đậu và cả chè bà ba với hầu hết nguyên liệu từ VN.

Đoàn Công tác trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính uỷ Học viện Quân y chào đón đoàn Y bác sĩ bệnh viện dã chiến 2.2 tại Sân bay quốc tế Juba, Nam Sudan - VIDEO: HỒNG VÂN

Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 1.
Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 2.
Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 3.

Mỗi khi đơn vị có khách, nhà bếp họp với đại diện các khoa, ban để thêm người hỗ trợ. Bàn tiệc từ khai vị đến tráng miệng gồm 5-6 món, luôn có ít nhất một món Việt như gỏi, chả giò, gà luộc, xôi đậu, gà hầm thuốc bắc và cả chè bà ba, một món chè khá kỳ công với hầu hết nguyên liệu mang sang từ Việt Nam.

Ngày 7-11, sau một ngày làm việc, bệnh viện có bữa tối tiếp đoàn khách gồm nhiều chuyên gia của phái bộ đến từ Nam Sudan , Nigeria, Úc... Chị Medith Joseph - nhân viên Bệnh viện cấp 1 của LHQ ở Bentiu - tò mò hỏi về thành phần các món ăn và thích thú khi biết người

Việt coi món ăn như bài thuốc, quan tâm đến sự cân bằng của gia vị, màu sắc và tác dụng bồi bổ sức khỏe của thức ăn. Bữa đó, chị Joseph rất ấn tượng với món gà hầm thuốc bắc.

Ông James Mick - trưởng cơ quan đảm bảo của căn cứ Bentiu - chia sẻ: "Tôi có một phụ tá rất tin cậy người Nam Sudan, lần đầu đến ăn tối ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam, chúng tôi ăn lẩu. Do không biết cầm đũa, cậu ấy rất lúng túng.

Vài ngày sau, tôi có việc trở lại ăn tối ở bệnh viện các bạn và thật bất ngờ lần này cậu ấy cầm đũa khá thoải mái. Thì ra vì món lẩu, cậu đã tập cầm đũa không ngừng. Chúng tôi có bữa tối làm việc với tất cả các đơn vị, nhưng lần nào cũng ấn tượng với đồ ăn ở bệnh viện Việt Nam".

Trung tá Bùi Đức Thành - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Nam Sudan - chia sẻ: "Đôi khi cuộc thảo luận dễ dàng hơn khi mọi người ngồi quanh bàn ăn. Món ăn góp phần quan trọng trong công tác ngoại giao, kết nối của bệnh viện. Từ đó, khi cần hỗ trợ, các đơn vị đều giúp đỡ rất nhiệt tình".

Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 4.

Ba ngày trước lễ trao huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình cho tập thể cán bộ, y bác sĩ Việt Nam, tôi chứng kiến công binh Ấn Độ sang ủi sân, cắt cỏ, còn đội quân nhạc Mông Cổ miệt mài tập quốc ca Việt Nam.

Trong nội bộ bệnh viện, mọi người đều công nhận đội hậu cần vất vả nhất. Họ thường làm trước ăn sau và dọn rửa những cái xoong nồi khổng lồ cuối cùng trước khi tắt đèn nhà bếp.

Tâm sự về công tác hậu cần, thiếu tá - kỹ thuật viên nha khoa Bùi Thị Xoa nhận xét: "Khi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, sự cố gắng của đội hậu cần là 200%".

Chị Xoa dù là kỹ thuật viên nha khoa nhưng vẫn thường xuống phụ nhà bếp làm đủ loại công việc từ sơ chế nguyên liệu, hong xôi, nấu chè... khi đơn vị có khách hoặc liên hoan. Có ngày, chị thức từ 3h sáng để hỗ trợ tổ hậu cần.

Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 5.

Trong lễ trao huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình diễn ra ngày 14-11, đội hậu cần với sự giúp đỡ của một số cán bộ bệnh viện đã chuẩn bị 16 bàn ăn cho 130 nhân viên bệnh viện cùng khách.

Đội hậu cần và nhiều y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lái xe... của các khoa, ban đã chung tay suốt ba ngày trước đó để sơ chế, chế biến các món ăn. Đổi lại, niềm vui của họ là các thực khách đều khen ngợi, thưởng thức bữa tiệc đến món cuối cùng.

Ít ai biết suốt một năm đội hậu cần đã nấu ăn trong lều bạt nóng bức ở châu Phi. Đến tuần đầu tháng 10-2019, họ mới chuyển về khu bếp vừa tự xây dựng.

Thượng úy Phạm Vân Đạt - bếp chính - cho biết: "Những ngày mới sang, chúng tôi phải đi kiếm củi để nấu. Bếp đặt giữa trời hứng gió từ bốn phía, anh em phải tìm những tấm panô dựng lên để chắn gió, rất cực khổ mới nấu xong bữa cơm.

Khổ nhất là khi trời mưa, bệnh viện phải huy động các anh chị em lấy áo mưa che bếp lò, đầu bếp mặc áo mưa xào nấu. Sau này chuyển bếp vào lều, nấu bếp dầu. Nhưng có khi trong mùa mưa, đội hậu cần phải mặc áo mưa, lội bùn đến ống quyển đi xách từng can dầu 20 lít về cho nhà bếp".

Có mặt ở Bentiu, tôi chứng kiến mỗi ngày nhà bếp chế biến gần 40kg thịt, 35kg rau, 30kg gạo, đảm bảo ba bữa ăn cho mọi người. Mỗi ngày, họ thức dậy từ 5h sáng, xong việc lúc 8h30 tối. Khi có khách hoặc sự kiện của đơn vị, nhà bếp làm việc đến đêm hoặc chuẩn bị từ 3h sáng.

Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 6.

Nước là tài nguyên cực kỳ quý ở Nam Sudan, nhất là mùa khô. Sau khi sang Bentiu khoảng hai tháng, tập thể y bác sĩ Việt gặp tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Giếng khoan sâu đến 160m mà bơm lên vẫn lợn cợn cát trắng. Cát làm nghẹt, rồi sau hư hẳn máy bơm.

Thời kỳ thiếu nước dữ dội, mỗi người chỉ được 5 lít nước để vệ sinh cá nhân lẫn tắm giặt. Toàn bộ nước tắm phải hứng lại để giặt đồ. Giặt xong lại đổ vào thùng chứa để tưới cây và giội nhà vệ sinh.

Trung úy Đàm Chánh Hưng - lái xe của bệnh viện - nhớ lại: "Khoảng tháng 5-2019, suốt hơn một tháng liền chúng tôi phải lái xe đi bơm nước mỗi ngày. Do các đơn vị như bộ binh Ghana, công binh Ấn Độ, Anh... cũng đợi lấy nước, có khi đến lượt mình là 2h sáng và đến 5h sáng mới lấy đầy một xe bồn 14.000 lít".

Đại úy Vũ Anh Tuấn tâm sự: "Cái nắng châu Phi rất khốc liệt, mùa khô, nước trong bồn có thể chần chín trứng. Khi mới sang, khu nhà chúng tôi ở không có một bóng cây ngọn cỏ. Mọi người, bắt đầu từ giám đốc bệnh viện, quyết tâm trồng thêm hoa, rau tạo cảnh quan và có thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày".

Sau 4 tháng, bệnh viện bắt đầu có mướp đủ để nấu ăn cho toàn đơn vị và duy trì đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Mọi người ăn mướp nhiều đến ngán, vì nhà bếp nấu mướp ngày hai bữa suốt... 8 tháng liền.

Vườn rau tăng gia của đơn vị được đại úy Đinh Minh Kỳ - cán bộ ban hậu cần - đảm bảo chăm sóc chính.

Anh Kỳ cho hay: "Đất ở Bentiu tốt, hợp với mướp, mồng tơi nhưng thời tiết quá nắng nóng. Ngoài ra, cào cào, châu chấu nhiều vô số kể nên rau mới trồng phải giăng lưới bốn bên để hạn chế sự phá hoại của cào cào".

Ban hậu cần đem sang vài can mắm tôm và chỉ dám dùng rất tiết kiệm. Họ cũng làm giá từ đậu xanh do LHQ cung ứng để có chất rau cho anh em, làm dưa từ bắp cải và nuôi gà để bữa cơm không chỉ có thịt đông lạnh.

Gần 3 tuần ở Nam Sudan, ngày nào cũng được ăn đồ Việt, tôi không bị bứt rứt như những đợt công tác khác. Bữa sáng đơn giản với cơm và thịt nạc kho tiêu mà thật vững dạ và ấm lòng.

Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 7.
Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 8.
Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 1.
Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 2.

Từ những ngày đầu gian khổ đến lúc công việc ổn định, các thành viên nữ tham gia tất cả công việc như anh em trong đơn vị.

Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 3.

Ngoài đảm bảo tốt việc chuyên môn, cánh chị em cũng khiêng vác đồ đạc, thức đêm canh gác, cắt cỏ, phụ nhà bếp và các giao lưu thể thao, thi nấu ăn Master Chef ở căn cứ Bentiu. Tâm sự của trung úy Bùi Thị Hoài Thu, 26 tuổi, một trong ba bạn nữ trẻ nhất cho thấy sức mạnh của những nữ chiến sĩ:

Ngày còn ở quê hương, tôi làm điều dưỡng phòng hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân nhiều, áp lực công việc cũng nhiều nên tôi luôn căng thẳng. Sau mỗi tua trực, tôi về nhà ngủ vùi. Thích một người nhưng do tôi không có nhiều thời gian tìm hiểu, tình cảm chỉ dừng lại ở mức trên bạn bè một chút rồi thôi. Nhịp sống bận rộn 24/7 khiến tôi nhiều lần tự hỏi mình đang sống thế nào?

Sang Bentiu, Nam Sudan làm việc với bệnh viện dã chiến, thứ tôi có nhiều nhất là thời gian. Tôi vẫn nói với bạn bè: ở Việt Nam, thời gian của mình chia sẻ cho bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp... Còn ở Nam Sudan, tất cả thời gian của tôi là dành cho công việc, bản thân và đồng nghiệp.

Về đồng nghiệp ở Việt Nam, do áp lực công việc chúng tôi hay căng thẳng, có điều gì không vừa ý là nói ngay. Nhưng qua đây, sống với nhau tôi học các anh chị chín bỏ làm mười, nhiệt tình với nhau, không vì chuyện nhỏ nhặt mà chấp nhất. Tôi học các anh chị tìm niềm vui trong trồng rau, trồng hoa, đọc sách và yêu thương bệnh nhân.

Khi không còn áp lực, mọi người chỉ nghĩ làm sao để tất cả cùng vui vẻ. Chúng tôi không có những câu nói nặng lời. Cả lúc bực cũng suy nghĩ để nói câu nào nhẹ nhàng nhất hoặc bỏ qua cho nhau. Chẳng hạn, bốn người phụ nữ sống chung một phòng, có lúc có người chưa gọn gàng, việc dọn vệ sinh phòng người làm người không, quần áo để lung tung rất dễ tranh cãi. Thay vì tị nạnh, góp ý như hồi còn ở nhà, tôi nghĩ thôi thì mình hãy dọn, làm nhiều hơn một chút cũng không sao.

Tôi tập thể dục mỗi ngày để cảm thấy yêu bản thân. Lần đầu sống xa nhà, tôi biết tự chăm sóc, bảo vệ mình khỏe đẹp. Lúc đi, tôi và nhiều anh chị em của bệnh viện chỉ nghĩ làm sao để làm tốt nhất công việc phục vụ bệnh nhân, hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước, cộng đồng quốc tế giao phó. Vì vậy, chúng tôi chỉ mang theo đồng phục được phát: áo sơmi, quần tây, giày da đen và chỉ những bộ đồ tập thể dục, thể thao đơn giản vì không nghĩ mình sẽ có cơ hội ra ngoài, gặp gỡ bạn bè hay có dịp mặc đồ đẹp.

Nhưng căn cứ Bentiu có nhiều bạn bè quốc tế để giao lưu và cũng có những ngày đặc biệt như ngày UN Day hay tết dương lịch. Tôi nhớ ngày UN Day, đơn vị Mông Cổ mặc trang phục truyền thống và váy rất đẹp.

Ngày tết tây, nam, nữ quân nhân các đơn vị mặc vest, váy lộng lẫy nhìn như diễn viên Hàn Quốc, tự nhiên tôi hơi chạnh lòng. Tôi thấy tiếc mình đã không nghĩ đến việc xếp vào vali một cái quần jean, một cái áo thun đẹp hay một bộ đồ tử tế. Tôi nhận ra sống ở đâu chúng ta cũng cần làm đẹp cho bản thân...

Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 4.
Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 5.

Ở Việt Nam có nhiều thứ để giải trí, bất cứ lúc nào cũng có thể đi đâu đó, gặp gỡ bạn bè. Nhưng ở Bentiu, một trong ba căn cứ gian khổ nhất của Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, khi không thể đi đâu ngoài căn cứ, ai cũng phải tự tìm niềm vui trong công việc và làm cho bản thân bận rộn.

Nhìn lại hơn một năm qua, tôi chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, kể cả khi đang giờ nghỉ thì bị gọi vì có ca cấp cứu. Tôi tham gia lễ tân, hát, múa, nấu ăn, khiêng thiết bị, xếp, chuyển đồ bên cạnh việc chính của mình là điều dưỡng. Tôi chọn thái độ nhiệt tình và tích cực vì mỗi công việc đều là sự học tập và trải nghiệm.

Cái lớn nhất tôi thấy mình thay đổi là trong suy nghĩ của tôi không còn nhỏ nhen, ích kỷ như ngày trước. Vì ở đây ai cũng bỏ qua cho nhau nên trước khi làm việc gì, tôi cũng nghĩ xem có ảnh hưởng người khác không. Tôi đang sống với những người khác 24/7, từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ, trong môi trường đó càng không so đo, tính toán thì càng thoải mái hơn.

Cuộc sống ở Nam Sudan không quá khó khăn như tôi đã nghĩ. Trong một năm huấn luyện ở Việt Nam trước khi lên đường, thứ tôi chuẩn bị nhiều nhất là ý chí và tinh thần trải qua mọi gian khổ. Tôi hình dung Nam Sudan là nước rất dễ sợ - nội chiến, xung đột sắc tộc, đói nghèo. Chúng tôi thực hành nhiều lần việc dựng lều và chuẩn bị tinh thần sẽ sống, làm việc trong nhà lều. Tuy nhiên khi sang đây, chỉ hai tháng đầu khám bệnh trong lều, rồi sau đó chuyển về bệnh viện được xây...

Nhiều người, kể cả một số đồng nghiệp ở nhà hỏi tôi sao không ở nhà cho yên ổn, còn lấy chồng sinh con, đi đến đất nước còn mùi thuốc súng, nghèo đói, bệnh tật làm gì.

Nhưng khi tôi mới nghe về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là đã muốn đi rồi. Tuổi tôi cái gì cũng thấy mới, cái gì cũng muốn học. Tôi nghĩ các bạn trẻ như tôi ai cũng háo hức tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Không phải đi đến những nước phát triển, điều kiện đầy đủ mới là đi và học hỏi. Đi đâu mình cũng có thể học và tôi không hối hận về quyết định của mình.

Được về Việt Nam sau hơn một năm công tác ở Nam Sudan, trong lòng tôi cũng rất lưu luyến. Tuy nhiên, chỉ là lưu luyến thôi, vì chặng đường này đã hoàn thành, những hành trình khác sẽ mở ra. Tôi mong muốn những ngày cuối ở đây là những ngày sống trọn vẹn nhất với anh em, bạn bè. Tôi cũng đã đăng ký tham gia gìn giữ hòa bình lần nữa dù sứ mệnh ở đâu. Tinh thần là nếu được đi thì sẽ vẫn đi, vẫn tận tâm phục vụ.

Căn nhà hai lầu khang trang duy nhất đầy lỗ đạn chúng tôi nhìn thấy trên đường đi trung tâm Bentiu được cho là nhà thủ lĩnh phe đối lập. Những trận đánh dữ dội từng xảy ra ở đây. Xác xe to, xe nhỏ, xe tăng, xe bồn, cây xăng, nhà cửa bị đốt cháy dọc đường...

Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 6.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 1.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 2.

Những ngôi nhà trông như chiếc hộp chắp vá từ các miếng tôn gỉ sét, những mảnh bạt tận dụng từ đồ bỏ đi của các tổ chức phi chính phủ. Đường chỉ rộng 5m, 8m, 12m nhưng thênh thang lạ lùng vì vô cùng ít xe cộ, rất hiếm khi thấy có người chạy xe đạp hoặc xe máy. Đại đa số người dân Nam Sudan đi bộ hoặc chen chúc trên thùng xe bán tải.

Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 3.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 4.

Khu bảo vệ thường dân (POC) ở Bentiu, Nam Sudan là khu bảo vệ thường dân lớn nhất ở toàn châu Phi, do Liên Hiệp Quốc (LHQ) thành lập để cung cấp nơi ở an toàn, thực phẩm, nước sạch, mùng ngủ chống sốt rét... cho những người chạy trốn bạo lực trong nước.

Ngày tôi có mặt, POC là mảnh đất rộng khoảng 4km2, được bảo vệ bằng hàng rào công sự. Bên trong, vùng lõi là nơi người dân sinh sống và vùng đệm là đường đi, hào nước rộng 3-5m, sâu 2-3m. Lớp ngoài cùng có nhiều vọng gác bộ binh giữ an ninh.

Theo một đại diện của bệnh viện không biên giới Medecins Sans Frontieres (MSF), nơi đây có khoảng 150.000 người sinh sống, tại thời điểm tháng 11-2019 là khoảng 200.000 người do tình hình an ninh nhiều biến động.

Trong POC có nhà thờ, trạm xá, nhà trẻ, trường cấp I và cấp II, chợ... Người dân tự dựng lều bằng tôn, thiếc, cỏ tranh, cây sậy, bạt... và tự bầu người đứng đầu mỗi khu dân cư. Một số ít nuôi gà, dê, trồng ít loại rau như đậu bắp, trong khi đại đa số sống nhờ lương thực trợ cấp của LHQ, mà có khi vừa nhận xong, họ mang lương thực miễn phí ra ngoài bán.

Đại đa số không việc làm. Người lớn, trẻ em nếu không chơi bóng đá thì đứng quanh xem đá bóng hoặc tha thẩn đi, đứng, ngồi cho hết ngày... Tôi không kìm được nỗi niềm khi nhìn nhiều trẻ nhỏ trần truồng, chân đất hồn nhiên chạy chơi.

Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 5.

Cuộc sống trong POC là xã hội thu nhỏ, đông đúc và phức tạp, có trộm cắp, đánh nhau, gây rối dù có đội cảnh sát LHQ tuần tra. Thiếu các điều kiện sống tối thiểu như nước sạch, điện... nên nơi đây còn là ổ bệnh khổng lồ. Dù vậy, họ vẫn mang thai và sinh nở. Mỗi phụ nữ đẻ trung bình 5-6 con và coi con cái là món quà của thượng đế.

Khi màn đêm xuống, chỉ có ánh trăng soi chiếu những túp lều. Không phải ai cũng có màn để bảo vệ khỏi những đàn muỗi sốt rét. Trời mưa, lều họ xiêu vẹo trong gió, bên trong không một chỗ khô và ai cũng ướt, lạnh. Hào nước là nơi chứa chất thải từ những nhà vệ sinh tạm bợ ở trên chảy xuống. Người dân tắm giặt ở những con kênh tương đối sạch hơn ở phía ngoài. Nước sạch là thứ vô cùng xa xỉ trong POC, không đủ để uống, chưa nói đến những nhu cầu khác.

Người bệnh được chữa trong trạm xá của POC. Trường hợp bệnh nặng, họ được chuyển đến bệnh viện không biên giới MSF. MSF có 5 bác sĩ tình nguyện quốc tế và luôn quá tải. Bệnh viện thiếu máy móc, kể cả máy chụp X-quang để cứu người bị gãy chân tay. MSF đứng ngoài chính trị, đảng phái, chỉ tập trung vào người bệnh.

"Xin các vị đấy, đừng mang quà bánh đến đây. Trẻ nhỏ rất nhiều, nay có quà, hôm sau không có quà, các em khóc lóc mè nheo, chúng tôi không giải quyết được", đại diện bệnh viện cho biết.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân từng kể với tôi chị có vài dịp ra ngoài khám bệnh cho một số quan chức bang Unity và thăm Bệnh viện Bentiu. Bác sĩ Ngân tâm sự: "Ra ngoài mình mới biết được cuộc sống họ vất vả thế nào. Rất thiếu thốn. Bệnh viện không còn thuốc cấp cho bệnh nhân. Trang thiết bị thiếu, người bệnh nằm la liệt".

Thăm bệnh viện MSF và POC trở về, đầu tôi đau nhức vì những gì nhìn thấy quá ám ảnh. Bất lực và giận dữ khi được biết bất cứ ai cũng có thể bị vết thương nhỏ nhưng vì thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu dẫn đến viêm loét nặng, trẻ em bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy cũng do vệ sinh... Tôi tận mắt thấy nước sạch quan trọng đến nhường nào. Cuộc sống cần nhiều thứ, nhưng đều quy về những thứ cơ bản nhất: nước sạch, vệ sinh, xà phòng, bữa ăn no, đừng ốm đau bệnh tật và được yên ổn...

Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 6.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 7.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 8.

Bentiu có đường nhựa ở những tuyến chính. Các tuyến đường còn lại dù to, rộng nhưng là đường đất đỏ hoặc đất sét lẫn đá cuội. Trên đoạn đường gần 10km ra trung tâm Bentiu, dân cư và nhà cửa thưa thớt, tập trung chủ yếu khu vực gần chợ. Có hai loại nhà, một là tukul - loại nhà tròn, mái vòm lợp bằng sập, dáng thuôn như cái dù, đường kính khoảng 3m và cao 2-3m, vách đất, bên trong là cọc gỗ. Người Nam Sudan khá cao nhưng có truyền thống ở trong tukul thấp bé.

Loại nhà thứ hai được thấy nhiều ở các khu chợ, cao hơn, rộng hơn một chút, được chắp vá từ những miếng tôn đủ kích cỡ, gia cố bằng những tấm bạt nhặt nhạnh từ đồ bỏ đi của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Căn nhà một trệt, hai lầu khang trang duy nhất chúng tôi nhìn thấy trên đường đi trung tâm Bentiu được cho là nhà của thủ lĩnh phe đối lập đầy những lỗ đạn. Nó là "nhân chứng" cho những trận đánh dữ dội từng xảy ra ở đây. Xác các loại phương tiện như xe to, xe nhỏ, xe tăng, xe bồn, cây xăng, nhà cửa bị đốt cháy nằm dọc đường như kể về những trận chiến ác liệt của các bên.

Trẻ em, người lớn chở nước sạch trong những thùng phuy móp méo, kéo bằng lừa hoặc bò. Chợ nào cũng nhiều người bán, ít người mua. Quầy tạp phẩm buồn thiu với những gói đường, gia vị... Dầu ăn bán trong từng bịch nilông nhỏ như thời bà ngoại tôi còn sống khoảng 30 năm trước ở Đà Lạt.

Chợ có nhiều tiệm bán quần áo rẻ tiền, dép nhựa, cả sạp bán tóc giả, cột tóc, sơn móng tay và nhiều thứ phụ kiện làm đẹp khác. Khoảng chục phụ nữ ngồi bán các mặt hàng giống nhau với mấy quả cà chua, nhúm ớt, mớ đậu bắp, trái bí đỏ. Không biết họ kiếm được bao nhiêu tiền so với công sức ngồi bán.

Trẻ em cũng có mặt ở chợ, thường nhìn thẳng người đối diện và hỏi "Money", nhưng các em không vòi vĩnh. Vì nhiều lý do, LHQ khuyến cáo nhân viên không tặng quà, bánh hay cho tiền các em. Nếu cho, cần thông qua tổ chức trung gian. Một số người tình cờ mang theo bánh cho các em, kể lại khi một em có quà, cả đội quân trẻ vây kín họ để xin thêm, hoàn cảnh vô cùng khó xử và lộn xộn.

Ngày 12-11-2019, lẽ ra các bên ở Nam Sudan đã có thể ký một thỏa thuận thành lập chính phủ hợp nhất nhưng sự kiện được chờ đợi này đã không diễn ra. Họ lùi lại thêm 100 ngày và điều này thực sự gây thất vọng. Nội chiến đã phá hủy bệnh viện, sân bay, đóng cửa ngân hàng, trạm xá... và không biết khi nào hòa bình mới thực sự trở lại...

Khi ai đó đến Bentiu, người cũ thường nói: "Chào mừng đến thiên đường" (Welcome to Bentiu paradise). Họ giải thích "thiên đường" một cách châm biếm, ý ngược lại. Cũng có người nói Bentiu từng chiến sự, nhiều người chết, nên "thiên đường Bentiu" có ý nghĩa là nơi của những linh hồn...

Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 9.
Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 10.
Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 1.
Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 2.
Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 3.

Cũng có người giải thích vì Bentiu từng là nơi chiến sự, nhiều người chết, biệt danh "thiên đường Bentiu" nghĩa là nơi của những linh hồn. Dù trong trường hợp nào, không ai bảo Bentiu thực sự là "thiên đường".

Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 4.

Căn cứ Bentiu có gần 2.500 người đi theo các đơn vị tập thể công binh, bệnh viện, bộ binh... Ngoài ra, còn có khoảng 1.500 người là nhân viên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Từ tháng 10-2019, một tháng trước thời điểm cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam về nước, bạn bè quốc tế đã hẹn gặp để... nói lời tạm biệt.

Bentiu là một trong ba căn cứ khó khăn nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan , chủ yếu do vấn đề giao thông. Suốt thời gian mùa mưa 5-6 tháng liền, đường bộ từ thủ đô Juba về Bentiu gần như đóng cửa vì hư hỏng và trơn trượt như bôi mỡ.

Bentiu không có dịch vụ, hàng quán, địa điểm giải trí, thư viện, công viên, những thứ tưởng như bình thường trong xã hội. "Ai cũng có thể có tiền để mua đồ nhưng vấn đề là họ có thể mua những thứ mình cần ở đâu tại một nơi như thế này?", một nhân viên LHQ cảm thán nói.

Trừ một số người có nhiệm vụ, rất nhiều người chưa từng ra khỏi chính đơn vị mình, chưa nói đến đi xa hơn là ra ngoài căn cứ.

Khoảng hơn 4.000 nhân viên nhưng chỉ có một quán cà phê do đơn vị Mông Cổ mở, ba điểm bán bia - gọi là tukul (tên gọi loại nhà của người địa phương lợp bằng sậy, vách đất). Tukul có rất ít bàn ghế, mỗi người đến mua 1-2 lon bia, đứng nói chuyện với nhau đến khuya, rồi ai nấy về đơn vị của mình - đó gọi là giải trí cuối tuần.

Một người làm việc ở Bentiu đã được ba năm chia sẻ với tôi: "Ngày tôi mới đến, một tuần liên lạc được với gia đình hai lần là may. Hiện nay Internet vẫn còn khó khăn, chủ yếu ở sự đắt đỏ nhưng đã tốt hơn nhiều so với trước. Ở căn cứ này, nhân viên không được mang theo gia đình, ngoài công việc, chúng tôi chỉ có những người bạn".

Anh Emmanuel Tandoh, nhân viên y tế kiêm lái xe cấp cứu của Bệnh viện dã chiến cấp 1 đơn vị Ghana FPU, cho biết: "Thời gian trôi thật nhanh.

Tôi đến đây tháng 4-2019. Giờ thấy các bạn Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ về nước, tôi rất bùi ngùi. Bác sĩ Bình (đại úy, bác sĩ khoa nội Nguyễn Công Bình) là bạn tốt của tôi. Tôi sẽ rất nhớ các bạn và mong ngày nào đó các bạn có thể đến thăm quê hương Ghana chúng tôi".

Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 5.

Ngày 15-11, đúng vào tối thứ sáu, tối xôm tụ vì đa số nhân viên nghỉ làm vào thứ bảy, một nhóm gần 10 anh em Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã tổ chức một bữa tiệc BBQ để chia tay bạn bè quốc tế đến từ Zimbabwe, Namibia, Ấn Độ, Nepal, Brazil, Guatamala, Nam Phi...

Anh Deepark Tristar, người Ấn Độ, đã ở lại đến những giây phút cuối cùng của bữa tiệc. Anh tâm sự với tôi: "Tuấn (đại úy Vũ Anh Tuấn, điều dưỡng khoa khám bệnh) là thầy dạy đàn guitar cho tôi ở đây.

Lúc tôi bị đau vai, tôi đến bệnh viện làm vật lý trị liệu với Huyền (thiếu úy Phan Thị Minh Huyền, kỹ thuật viên vật lý trị liệu) và đỡ hẳn tới giờ. Tôi đã thấy nhiều đoàn đến rồi đi, dù vậy tôi vẫn ghét những lúc phải chia tay những người bạn tốt".

Anh Rishi Semwal, người Ấn Độ, trải lòng: "Cho tôi ngả mũ trước các bạn, những người biến không thành có. Tôi thích cách các bạn cùng nhau làm việc.

Không phải tập thể nào cũng được như vậy - các bạn rất tự lập, tự cường, tự cắt cỏ, làm bàn làm ghế, trồng cây, trồng rau, tạo ra sự khác biệt ngay trong căn cứ Bentiu bằng nghị lực và tinh thần đồng đội của mình. Nhóm Bệnh viện dã chiến cấp 2 khác sẽ đến, tôi chắc chắn vẫn sẽ yêu mến họ vì tôi đã có những người bạn Việt Nam rất tuyệt vời".

Đoàn cán bộ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan về nước - Video: MỸ THƯƠNG – HỒNG ĐỨC – QUỐC HUY

Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 6.

Khi tôi đi tập thể dục vào buổi chiều với một số nhân viên bệnh viện Việt Nam, bạn bè quốc tế nhận ra họ và cất tiếng chào. Chúng tôi đi ba vòng, mỗi lần đi qua chốt gác của anh lính người Nam Sudan là mỗi lần anh nói: "Việt Nam, very good".

Thiếu úy Phạm Thị Thùy, sinh năm 1993, cho biết: "Tôi có bạn thân người Ghana. Bạn ấy chỉ tôi học tiếng Anh hầu như mỗi ngày. Thậm chí bạn ấy còn lên kế hoạch học tập cụ thể để giúp tôi nói tiếng Anh tốt hơn. Chúng tôi thường xuyên nhắn tin, có khi gọi điện thoại kể cho nhau về cuộc sống hằng ngày của mình".

Trở về VN trong đợt đầu sau một năm, đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân không vội thu xếp vali. Ngân tâm sự: "Không hiểu sao tôi không thấy quá nôn nao. Tôi có dịp đi ra ngoài khám bệnh cho hoạt động dân vận của bệnh viện, có đến bệnh viện Bentiu tìm hiểu hoạt động của đồng nghiệp. Ở đó, bệnh nhân nằm la liệt mà thiếu thuốc men trầm trọng. Rất thương cho người dân...".

Khó có thể kể hết sự hi sinh và trăn trở của mỗi thành viên cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế này. Sau lý tưởng, vinh quang của Tổ quốc là những người lính, người y bác sĩ với bao hi sinh thầm lặng. Họ đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc bên người thân ở Việt Nam: bé yêu biết bơi, biết đi xe đạp khi mẹ vắng nhà, con trai thành chàng trai độc lập, trưởng thành khi vắng bố...

Chia tay Bentiu và được LHQ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ đã làm trọn phần việc của mình. Qua công việc cũng như lối sống, họ thể hiện tầm vóc, trình độ của y bác sĩ Việt Nam, được bạn bè quốc tế yêu mến, trân trọng...

Lưu luyến nhưng đã đến lúc trở về gia đình, tiếp tục những kế hoạch còn dang dở, kể cả là đám cưới của chính mình như trường hợp của Hà Minh Tuấn.

"Ở đây, tôi có niềm vui thử món ăn truyền thống mà bạn bè các nước nấu. Có lần tôi trực, chưa kịp ăn sáng và rất mệt mỏi thì nhận điện thoại của người bạn Thụy Điển. Bạn ấy sẽ nấu đồ ăn sáng mang đến cho tôi. Đó là hỗn hợp gồm sữa với phômai, ăn rất ngán vì lạ khẩu vị nhưng tôi cố ăn hết vì xúc động trước sự nhiệt tình của bạn", Tuấn chia sẻ.

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát tâm sự: "Tôi có con gái 6 tuổi ở nhà nên tôi nghĩ rất nhiều về trẻ nhỏ ở đây. Tôi nghĩ con mình quá may mắn.

Ở đây trẻ em không được đến trường, rất là thương. Sau này nếu có cơ hội quay lại, tôi mong mỏi nhất là được thấy cuộc sống của trẻ em thay đổi ra sao. Tôi thực sự mong mỏi các em có ngày được đến trường, có đủ cơm ăn, áo mặc. Tôi chỉ tiếc mình đã không mang theo dù là vài bộ đồ trẻ em để tặng cho các bé...".

Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 7.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0