14/09/2020 13:29 GMT+7

Mũ chống COVID-19 của học sinh Việt giành giải vàng thi đổi mới sáng tạo quốc tế

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ban tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế lần thứ 5 tại Canada (iCAN 2020) vừa trao giải đặc biệt chung cuộc, giải top 10 thiết kế công nghệ và huy chương vàng cho 'mũ cách ly di động' Vihelm của hai nhà sáng chế trẻ người Việt.

Mũ chống COVID-19 của học sinh Việt giành giải vàng thi đổi mới sáng tạo quốc tế - Ảnh 1.

Nhóm sáng chế lắng nghe ý kiến phản biện từ các bác sĩ Bệnh viện Vinmec về mũ Vihelm ngày 5-8-2020 - Ảnh: H.TRẦN

Tác giả của sáng chế độc đáo Vihelm (ghép từ hai chữ Vietnam và helmet - chiếc mũ) là Đỗ Trọng Minh Đức (17 tuổi) và Trần Nguyễn Khánh An (13 tuổi).

Những cải tiến giá trị

Ý tưởng mũ Vihelm trên thực tế là đề bài do người thầy khoa học của Đức và An là nhà sáng chế trẻ Nguyễn Đình Nam, một tên tuổi trong giới công nghệ Việt Nam, giao cho hai bạn với mục tiêu ban đầu để tham dự cuộc thi iCAN 2020.

Minh Đức trở về Việt Nam tránh dịch trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng tại Mỹ. Việc được gặp thầy Nam là một dấu mốc quan trọng với em. "Được về nhà an toàn với mẹ, rồi lại được trao cơ hội nghiên cứu sáng tạo một thiết bị y tế phòng chống dịch, với em là những món quà đáng quý" - Minh Đức, học lớp 12 ở Montverde Academy, bang Florida (Mỹ), chia sẻ.

Để giải quyết nhiệm vụ thầy giao là nghiên cứu, cải tiến các mũ bảo hộ phòng dịch hiện có trên thị trường quốc tế, Đức cùng An (lớp 8 Trường Chu Văn An, Hà Nội) bắt đầu nghiên cứu nguyên lý hoạt động của loạt mặt nạ đã có là PAPR - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99.

Từ những hiểu biết này, hai bạn nghĩ nhiều hơn về giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại, những điều khiến mặt nạ PAPR dù chống dịch rất tốt nhưng ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Luôn ghi nhớ lời thầy là làm khoa học với tâm thế hướng về con người, Đức và An suy nghĩ giải pháp làm ra chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp. 

Bên trong mũ, không khí được bơm liên tục qua một màng lọc virus được gọi là "hộp khử khuẩn" khiến mầm bệnh không thể xâm nhập qua trong khi đội. Chiếc mũ còn có hệ thống quạt làm thoáng khí, không đọng hơi nước bên trong để không gây cản trở tầm nhìn, đặc biệt với những người phải đeo kính.

Để khắc phục những điều có thể còn coi là nhược điểm của PAPR, Vihelm gắn thêm chiếc găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt, thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.

Với những cải tiến trên, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Thậm chí, họ còn có thể ăn uống để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu.

Còn nhiều việc phải làm

Sau khi có những chỉnh sửa và cải thiện từng bước ở phiên bản 2 của mũ Vihelm, nhóm (giờ có thêm một thành viên trẻ là Phúc An tham gia) đã chủ động mang sản phẩm xin được gặp các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực y tế, công nghệ và sản xuất như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Nhà máy sản xuất thông minh Vinsmart thuộc Tập đoàn Vingroup để xin ý kiến phản biện, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, tìm hướng sản xuất.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, chia sẻ: "Tới đây, chúng ta sẽ phải tìm cách sống và làm việc chung với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Ý tưởng sáng tạo này của các bạn trẻ nếu đi vào sản xuất được, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn y tế sẽ hỗ trợ nhiều cho các bác sĩ tuyến đầu. 

Rất đáng khen tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Chính phủ nên nhanh chóng cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất phục vụ chống dịch. Tuy nhiên, nhóm cần nghiên cứu thêm về vật liệu để cải tiến phiên bản mũ này dùng trong phòng mổ theo hướng an toàn, gọn nhẹ hơn".

Theo nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam - người phụ trách các khâu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và sản xuất cho sản phẩm, "những ý tưởng hoàn thiện cho sản phẩm hiện có rất nhiều, song do tính cấp thiết của dịch bệnh nên nhóm sẽ ưu tiên phát triển những điều căn cốt nhất". 

Trong tương lai, nhóm Vihelm còn mong muốn phát triển chiếc "mũ cách ly di động" này trở thành chiếc mũ thông minh, ngoài tác dụng phòng bệnh còn có thể kết nối dữ liệu, phục vụ nhiều hơn nữa nhu cầu của người dùng.

Chống lây nhiễm 99,9%

Theo kết quả đánh giá thử nghiệm của đội ngũ Vihelm, người đội mũ có thể làm việc bình thường với nguy cơ lây nhiễm được giảm tới 99,9%. Thiết kế mũ Vihelm đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong tháng 6-2020 và cũng đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới.

Bệ phóng gia đình

Trong quá trình làm mũ cách ly phòng dịch COVID-19, Minh Đức và Khánh An luôn có được sự ủng hộ tuyệt đối cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình. Hai bạn chia sẻ từ nhỏ đã được sống và học tập bên cạnh những người thân làm khoa học, có lý tưởng sống tốt đẹp.

gap bo y te - h

Minh Đức và Khánh An trong cuộc gặp ông Hà Anh Đức - chánh Văn phòng Bộ Y tế - Ảnh: H.TRẦN

Với An, cô bé mới 13 tuổi nhưng đã có ít nhất 5 năm quẩn quanh bên phòng làm việc của mẹ, được quan sát, nói chuyện và học hỏi từ mẹ cũng như các cô chú làm khoa học là đồng nghiệp của mẹ trong một startup công nghệ.

Còn với Đức, đó là tấm gương của người mẹ làm trong lĩnh vực ngoại giao, rồi làm thông tin khoa học và công nghệ. Ngoài ra, Đức còn được truyền cảm hứng khoa học bất tận từ thần tượng công nghệ Mỹ - Elon Musk.

Mũ cách ly di động của hai học sinh Việt Nam Mũ cách ly di động của hai học sinh Việt Nam

TTO - Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa tiếp nhận và chia sẻ thông tin về sáng chế mới tiêu biểu 'mũ cách ly di động' của hai học sinh Việt Nam có thể giúp phòng chống đại dịch COVID-19.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên