30/11/2021 09:04 GMT+7

“Mũ cách ly di động” của Việt Nam được vinh danh tại Thụy Sĩ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sáng 29-11 giờ địa phương, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ, nhóm sáng chế "mũ cách ly di động" Vihelm gồm 3 bạn trẻ Việt Nam đã được trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO.

“Mũ cách ly di động” của Việt Nam được vinh danh tại Thụy Sĩ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, gặp nhóm sáng chế mũ Vihelm tại Geneva - Ảnh: VIỄN SỰ

Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng mới là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967). Vinh dự này đã trao cho ba thành viên của nhóm phát triển "mũ cách ly di động" Vihelm gồm các bạn Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc.

10 phút dành cho các nhà sáng chế

Được sự đồng ý của WIPO, tại buổi trao danh hiệu đại sứ của WIPO, ba thành viên của Vihelm đã được dành 10 phút để chia sẻ về tầm nhìn và hành trình sáng chế của họ.

Khánh An, cô gái duy nhất trong nhóm, chia sẻ về hình dung không mấy lạc quan về diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19. Theo An, chính hình dung đầy lo ngại đó đã thôi thúc nhóm Vihelm phát triển chiếc mũ.

Khánh An nhắc chuyện các nhà khoa học tin rằng virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi để lẩn tránh vắc xin, và đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Cô chia sẻ về những hình dung không mong muốn khi thế giới có thể bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của việc ứng phó đại dịch. "Tin tốt lành là nếu viễn cảnh này xảy ra, thế giới vẫn có thể sử dụng ý tưởng cách ly di động của chúng tôi để đánh bại mọi biến thể cùng một lúc", Khánh An nói.

Nối tiếp Khánh An, Hoàng Phúc nói về câu chuyện giáo dục và những thách thức trong thời đại Internet đặt ra với giới trẻ. Phúc cho rằng thế hệ mình sinh ra trong một thời đại cái gì cũng có trên mạng, nhưng trong sự dư thừa đó, vẫn rất thiếu những nguồn tài nguyên tin cậy, sự hỗ trợ kiến thức, định hướng đúng đắn cho tư duy sáng tạo, rất nhiều câu hỏi vì sao, như thế nào chưa được trả lời. Phúc thừa nhận bản thân và hai thành viên trong nhóm Vihelm đã may mắn hơn nhiều người khi có được sự chỉ dẫn, giúp đỡ trong những bước đầu tiên vào khoa học của người thầy cố vấn cho cả nhóm là nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam và các chuyên gia khác.

Với vinh dự trở thành đại sứ trẻ của WIPO, Phúc đề xuất giải pháp giáo dục phi tuyến tính, tức giải pháp giúp những người trẻ được học mọi kiến thức mong muốn vào mọi thời điểm phù hợp nhất với khả năng của họ mà không bị giới hạn bởi chương trình đào tạo hay lứa tuổi.

"Bản thân tôi là một kết quả của điều đó (tức giáo dục phi tuyến tính - PV), tôi đã học xong chương trình vật lý cấp phổ thông trung học ngay trước khi tới đây, thực sự tôi chỉ đang học lớp 9", Phúc nói, và cho biết cũng nhờ kiến thức đã học được đó mà em có thể đóng góp được nhiều hơn cho dự án của Vihelm.

Minh Đức, đội trưởng của nhóm các nhà sáng chế trẻ Vihelm, cho biết nhóm đã chuẩn bị cho công nghệ này hơn một năm qua nhằm mục tiêu giải quyết viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy tới của đại dịch COVID-19. "Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để tối đa hóa ảnh hưởng của mình là chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ với thế giới, và chúng tôi cũng đã bắt đầu làm điều này qua sáng kiến C-TAP (Chương trình thúc đẩy điều trị COVID-19) của WHO", Đức nói.

Nhà sáng chế trẻ nói thêm về triết lý chia sẻ của Vihelm, hiểu rằng việc chia sẻ có thể làm giảm bớt lợi ích của những người sở hữu sáng chế, nhưng nếu việc này được thực hiện đúng cách, những người sở hữu sẽ được nhận lại sự tin tưởng của mọi người, từ đó có thể có được vị thế dẫn dắt để đạt được những điều sẽ không thể có nếu chỉ hành động đơn lẻ.

"Sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện sự dẫn dắt đó là những gì chúng tôi đã và đang học hỏi ở Vihelm", Đức nói. Nhà sáng chế trẻ tuổi bày tỏ hy vọng với danh hiệu đại sứ sở hữu trí tuệ vừa được WIPO trao tặng, Đức có thể hỗ trợ những người cùng thế hệ phát huy năng lực sáng tạo và sử dụng hợp lý quyền sở hữu trí tuệ của họ giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.

“Mũ cách ly di động” của Việt Nam được vinh danh tại Thụy Sĩ - Ảnh 2.

Chiếc mũ cho phép người đội giữ được sự thoải mái trong thời gian dài - Ảnh: VILHELM

Đạt chuẩn lưu hành ở Việt Nam, Mỹ, EU

Câu chuyện khởi đầu về mũ Vihelm được khởi lên từ hơn một năm trước, khi Đỗ Trọng Minh Đức đang du học phải tạm trở về nước vì dịch COVID-19 bùng lên dữ dội tại Mỹ. Hạnh phúc khi được về nhà tránh dịch, nhưng dịch bệnh COVID-19 và sự tàn phá của nó vẫn là điều làm Đức suy nghĩ. Bởi vậy, khi người thầy khoa học từ nhỏ của Đức là nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam "ra bài tập" về ý tưởng chống dịch, Đức và hai bạn Trần Nguyễn Khánh An, Nguyễn Hoàng Phúc đã cùng bắt tay phát triển mũ Vihelm mà sau này cả nhóm vẫn thường gọi nó là "mũ cách ly di động".

Tên gọi đó nhấn vào điểm quan trọng nhất mà cả nhóm hướng tới, đó là sáng chế ra một công cụ có thể bảo vệ đường hô hấp, giúp người đội mũ có thể tiếp tục học tập, làm việc và đi lại an toàn ngay trong dịch COVID-19.

Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99. Tuy nhiên theo Bộ Y tế Hoa Kỳ, PAPR có nhược điểm không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Để khắc phục điều đó, nhóm sáng chế gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, giúp người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.

Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng, trong khi nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9% theo như đánh giá thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, phát triển.

Từ một sáng chế, sau hơn một năm đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, nhóm Vihelm đã chế tạo được sản phẩm y tế cụ thể, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn nhóm A, được phép lưu hành trên thị trường. Sau đó, mũ Vihelm cũng đã nộp hồ sơ đăng ký và được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép. Mới đây mũ cũng đã được Tây Ban Nha cấp chứng nhận CE, có nghĩa "Tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu", được phép bán tại thị trường EU và Khu vực kinh tế châu Âu.

Thông điệp của Vihelm

Nhóm Vihelm chọn thay đổi việc cách ly y tế bằng phương pháp "cách ly di động", tức là F0 hay F1 thay vì phải cách ly tại nhà hay tập trung vẫn có thể đội thiết bị này và ra ngoài sinh hoạt bình thường. Nhóm sáng chế tin rằng cách ly di động sẽ tránh cho xã hội tổn thất khi bị mất công việc và thu nhập, cũng như những tổn thất tinh thần khi phải tự giam mình trong nhà quá lâu.

“Mũ cách ly di động” của Việt Nam được vinh danh tại Thụy Sĩ - Ảnh 4.

Hiện các bạn trẻ đang tiếp tục hoàn thiện mũ để nó tối ưu hơn - Ảnh: VILHELM

Kiều bào Thụy Sĩ gặp Chủ tịch nước: Kiều bào Thụy Sĩ gặp Chủ tịch nước: 'Hai năm chưa về, nhớ quê nhà lắm'

TTO - Tình cảm, nỗi nhớ quê nhà càng trở nên da diết khi dịch bệnh COVID-19 làm đa số bà con kiều bào chưa thể về nước hai năm qua. Điều đó càng làm cho cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với kiều bào tại Thụy Sĩ trở nên xúc động.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên