16/05/2020 08:18 GMT+7

Một tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng có được xem là hết dịch?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong 28 ngày tính từ ngày bệnh nhân gần nhất được cách ly, không ghi nhận thêm bệnh nhân mới bị lây nhiễm trong cộng đồng thì có thể công bố hết dịch.

Một tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng có được xem là hết dịch? - Ảnh 1.

Niềm vui sau khi hoàn thành cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hôm nay 16-5 là tròn 30 ngày tính từ ngày bệnh nhân COVID-19 cuối cùng phát hiện được ở cộng đồng (bệnh nhân 268, công bố nhiễm vào sáng 16-4).

Nhưng từ ngày 16-4 đến nay có 44 ca nhiễm đều từ nước ngoài về và đều được cách ly ngay (riêng trong ngày 15-5 ghi nhận 25 ca từ Nga và Dubai), không có nguy cơ lây ra cộng đồng, nên xét về điều kiện thì lại chưa đúng và đủ để có thể công bố hết dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-5, một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết Ban chỉ đạo đã đề xuất lên Thủ tướng về việc có nên công bố hết dịch COVID-19 trong cộng đồng. Đại diện một số bộ, ngành trong Ban chỉ đạo đã đồng thuận với đề xuất này.

Nếu chiếu theo điều kiện, tính từ bệnh nhân ghi nhận gần nhất ở cộng đồng là bệnh nhân 268 (thực ra được cách ly từ ngày 7-4) là thừa thời gian để công bố hết dịch ở cộng đồng.

"Đại diện Bộ Tư pháp có băn khoăn vì trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành không phân biệt dịch cộng đồng hay dịch xâm nhập" - vị đại diện này cho biết.

Một tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng có được xem là hết dịch? - Ảnh 2.

Tình hình phòng chống COVID-19 một tháng qua - Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: T.ĐẠT

Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã dẫn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, nguy cơ lây lan trong cộng đồng ở mức rất thấp.

Năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận công bố khống chế dịch SARS với bệnh nhân cuối cùng ra viện vào ngày 2-3-2003. Dịch COVID-19 xuất hiện sau 17 năm, có những điểm giống với dịch SARS, và lần thứ hai thế giới chứng kiến cách làm hiệu quả của Việt Nam.

"Khác với dịch SARS là bệnh nhân hầu hết đều chuyển nặng, đều phải vào bệnh viện, còn bệnh nhân COVID-19 có đến 40% không có biểu hiện lâm sàng nên không dễ phát hiện" - ông Nguyễn Văn Kính, chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế trong dịch COVID-19, nhắc nhở.

Một tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng có được xem là hết dịch? - Ảnh 3.

Người dân thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) hân hoan sau khi lệnh cách ly được gỡ bỏ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thế nhưng trong cuộc làm việc gần đây với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp chống dịch nhanh, hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai.

"Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế" - ông Park nói tại cuộc làm việc.

"Ấn tượng" của ông Park là việc Việt Nam đã có 30 ngày không ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng, đã khống chế dịch sớm trong thời điểm số mắc và số tử vong vẫn đang gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia.

Nhờ vậy Việt Nam đã sớm có đủ điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế, mở cửa trường học, doanh nghiệp trở lại. Cuộc sống bình thường đã trở lại sớm hơn so với nhiều quốc gia khác.

Việt Nam thêm 1 ca COVID-19 từ Nga về, đúng một tháng 0 ca nhiễm trong cộng đồng Việt Nam thêm 1 ca COVID-19 từ Nga về, đúng một tháng 0 ca nhiễm trong cộng đồng

TTO - Người phụ nữ từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay VN0062 đã được xác định mắc COVID-19, ca thứ 314 và đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Tính đến 6h sáng 16-5, tròn 30 ngày Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên