29/09/2021 10:34 GMT+7

Một năm có 8 tháng!

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Có thứ quá hạn không sao, nhưng nhiều thủ tục, dịch vụ cả công lẫn tư quá hạn là phạt, là làm lại từ đầu, là phải gia hạn tốn kém...

Một năm có 8 tháng! - Ảnh 1.

Nhiều ôtô "trùm mền" mấy tháng nay tại một chung cư trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Khắp nơi đang chộn rộn mở cửa lại. Sau 4 tháng phải xếp lại, giờ đây, mọi người lật giở lại công việc mới thấy nhiều thứ đình trệ do 4 tháng giãn cách. Nào là giấy phép hết hạn, quá hạn đóng tiền, quá hạn làm thủ tục... 

Mới đây, từ lo lắng của bạn đọc có giấy phép lái xe hết hạn nhưng không đổi được do giãn cách xã hội, Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông vận tải hướng xử lý. Nếu được Bộ đồng ý, người có giấy phép lái xe hết hạn được cộng thêm thời gian giãn cách của địa phương vào thời gian hiệu lực của giấy phép để không phải thi lại lý thuyết. 

Trước đó, ngành giao thông đã đề nghị cảnh sát giao thông không phạt ôtô hết hạn đi đăng kiểm. Hiện số xe đã hết hạn đăng kiểm rất lớn, riêng tại TP.HCM có gần 30.000 xe, nếu căng luật ra phạt sẽ dễ gây bức xúc. 

Đó chỉ là vài trường hợp được cơ quan quản lý "tinh mắt" lường trước. Thực tế còn vô vàn thủ tục mà ngay lúc này cần phải có hướng xử lý ngay để người dân không phải lo lắng hoặc sau này khi "đụng chuyện" dễ gây bức xúc.

Đến nay, nhiều tỉnh thành phía Nam đã giãn cách 4 tháng. Vì vậy, thay vì tính một năm 12 tháng, hãy loại trừ các tháng giãn cách. 

"1 năm có 8 tháng" - chỉ cần xác định như vậy và thống nhất áp dụng chung cho nhiều loại thủ tục là có thể xóa đi những lo lắng trong dân. Ví dụ, cơ quan thuế thông báo người đã nhận "thông báo nộp thuế" nhưng chưa nộp do giãn cách xã hội thì không phải nộp phạt do trễ hạn. 

Hay trường hợp có giấy phép xây dựng (thời hạn 12 tháng) hết hạn rơi vào các tháng giãn cách thì không phải làm thủ tục gia hạn, khi hết giãn cách vẫn được khởi công xây dựng. 

Hoặc người có ôtô hết hạn đăng kiểm có thời gian nhất định - ví dụ như 30 ngày kể từ ngày hết giãn cách - để đi đăng kiểm. 

Không quy định rõ thì khi hết giãn cách, lái ôtô ra đường người dân lo bị phạt, rồi chen nhau đi đăng kiểm sau giãn cách lại dẫn đến tụ tập đông người...

Không chỉ thủ tục hành chính và dịch vụ công, các dịch vụ kinh doanh cũng cần phải tính đến "1 năm có 8 tháng". Như mua bảo hiểm xe máy và ôtô bắt buộc, bảo hiểm ôtô tự nguyện theo năm nhưng đã có ít nhất 4 tháng xe nằm nhà, khả năng xảy ra bảo hiểm phải đền bù là rất thấp, vậy mà vẫn bị trừ phí đều đều (Đọc bài: Xe trùm mền nhiều tháng, đóng bảo hiểm cả năm). 

Phí dịch vụ trừ ra 4 tháng "nằm nhà" và chuyển phí những tháng này sang năm sau, dân đỡ biết mấy. 

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã linh hoạt, cộng thêm thời gian giãn cách vào hiệu lực của dịch vụ. Làm vậy doanh nghiệp thiệt chút ít, nhưng đổi lại khách hàng vui vẻ tiếp tục sử dụng dich vụ của đơn vị.

Hậu giãn cách sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc trong giao dịch giữa Nhà nước - công dân, giữa doanh nghiệp - khách hàng, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Với giao dịch Nhà nước - công dân, áp dụng "1 năm có 8 tháng" sẽ có lợi cho đại đa số người dân. Biết rằng áp dụng "1 năm có 8 tháng" lắm khi khó vượt qua do vướng luật, nghị định, nhưng nếu không linh hoạt thì những ngày hậu giãn cách khó tránh khỏi người dân và cơ quan chức năng cùng... rối!

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Trong thời gian giãn cách, giấy phép lái xe hết hạn thì sao? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Trong thời gian giãn cách, giấy phép lái xe hết hạn thì sao?

TTO - Nhiều bạn đọc ở TP.HCM đặt câu hỏi về việc giấy phép lái xe hết hạn trong thời gian TP thực hiện giãn cách thì có được cấp, đổi hay không?

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên