05/06/2020 10:49 GMT+7

'Một chạm' lợi đủ đường...

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Metro TP.HCM sắp có tuyến đầu tiên. Ngay từ lúc này, các ngân hàng đã đón đầu thanh toán "một chạm".

Một chạm lợi đủ đường... - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang chạy chuyển đổi sang thẻ chip để mở rộng thanh toán các dịch vụ giao thông công cộng, y tế... - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Việc tích hợp thẻ còn giúp ngành giao thông giảm chi phí trang bị hệ thống thẻ, vé, máy bán vé tự động, chi phí phôi thẻ và chi phí quản lý hệ thống bán thẻ, vé giao thông.

Đại diện NAPAS

Theo các ngân hàng (NH), cú hích cho việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đó là việc ứng dụng thẻ chip vào việc phục vụ cho hạ tầng giao thông công cộng và nhiều lĩnh vực khác.

Trả tiền xe buýt, tàu điện ngầm...

Trong khuôn khổ họp báo hưởng ứng "Ngày không tiền mặt 2020", NH Vietbank cùng Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai thanh toán giao thông.

Theo đó, Vietbank sẽ phối hợp với NAPAS và các đơn vị vận hành giao thông nội đô tại TP.HCM để triển khai các giải pháp thanh toán giao thông bằng thẻ nội địa NAPAS không tiếp xúc.

Ông Hồ Phan Hải Triều - phó tổng giám đốc Vietbank - cho biết NH sẽ đóng vai trò phát hành thẻ; NH thanh toán, triển khai luồng giao dịch theo quy định của NAPAS và đầu tư hệ thống thiết bị chấp nhận thẻ phù hợp với loại hình giao thông tương ứng.

Vietbank và NAPAS sẽ phối hợp với các bên liên quan bao gồm UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM để xây dựng kế hoạch và phương án triển khai phù hợp với địa phương trong quý 3, quý 4-2020.

"Hiện nay, với định hướng xây dựng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng trở thành các đô thị thông minh với các dự án phát triển hạ tầng giao thông công cộng như hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt nội đô và xe buýt nhanh... thì việc phát triển ứng dụng thanh toán không tiếp xúc cũng giữ một vai trò quan trọng. 

Việc này sẽ góp phần vào việc mang đến những tiện ích cho người dùng, thu hút người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng nhiều hơn. Đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc minh bạch các nguồn thu, tránh bị thất thoát" - ông Triều nói.

Ông Triều cũng cho biết Vietbank đã đầu tư hàng chục triệu USD vào kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ 4.0 để có thể cung cấp các giải pháp thông minh không những đáp ứng về phát triển ứng dụng trong giao thông công cộng liên thông mà còn đáp ứng trong các lĩnh vực và nhu cầu khác của khách hàng. Hiện tại hệ thống thanh toán bù trừ của Vietbank có thể xử lý bình quân 10.000 giao dịch/giây.

Đại diện NAPAS cho biết khi dùng thẻ NH trong thanh toán vé xe buýt, tàu điện... người dùng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị và thực hiện chuyến đi. Giao dịch thanh toán được xử lý chỉ trong khoảng 1/3 giây. Chi phí phát sinh được trừ trực tiếp vào tài khoản NH.

Mặt khác, việc tích hợp thẻ còn giúp ngành giao thông giảm chi phí trang bị hệ thống thẻ, vé, máy bán vé tự động, chi phí phôi thẻ và chi phí quản lý hệ thống bán thẻ, vé giao thông.

Đa dạng kênh thanh toán

Song song với đẩy mạnh chuyển đổi thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip, VietinBank cho biết sẽ phát triển đa dạng hệ sinh thái thanh toán. Với ưu điểm nổi trội, công nghệ thẻ chip không chỉ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn phù hợp để ứng dụng thanh toán trong nhiều lĩnh vực.

"VietinBank đã và đang đẩy mạnh thanh toán thẻ chip E-Partner VCCS trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và mở rộng tới các lĩnh vực giao thông khác như thu phí cầu đường, thanh toán các dịch vụ như giao thông công cộng, thu phí phạt giao thông, hành chính công... Thậm chí còn được tích hợp với các thông tin cư dân" - đại diện VietinBank nói.

"Thời gian tới, VietinBank sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuyển đổi thẻ chip E-Partner VCCS và mong muốn Chính phủ, NH Nhà nước ban hành, hướng dẫn một tiêu chuẩn thống nhất giữa thanh toán NH và chấp nhận thanh toán tại các đơn vị y tế, giáo dục, giao thông để giảm thiểu chi phí trong quá trình kết nối và mở rộng hệ sinh thái của thẻ thanh toán NH nói chung và thẻ chip nội địa E-Partner VCCS của VietinBank nói riêng" - đại diện VietinBank đề nghị.

Độ an toàn cao

Theo ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, mục tiêu quan trọng nhất của việc chuyển đổi thẻ nội địa từ sang công nghệ chip là để giảm thiểu rủi ro phát sinh qua việc sử dụng thẻ vật lý (mà chủ yếu là để rút tiền mặt tại ATM), gia tăng tiện ích, thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài việc thực hiện chuyển đổi, VietinBank đang thực hiện hàng loạt các giải pháp công nghệ cao gồm nghiên cứu triển khai dịch vụ rút tiền mặt bằng mã QR tại ATM (không cần sử dụng thẻ vật lý), phát hành sản phẩm thẻ phi vật lý cho các khách hàng có nhu cầu chi tiêu online cao với nhiều ưu đãi hấp dẫn...

Một chạm lợi đủ đường... - Ảnh 4.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng khó Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng khó

TTO - Các bộ ngành và cơ quan đã có kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên