04/12/2019 08:08 GMT+7

Môi trường thuận lợi, thủ tục đơn giản sẽ thu hút đầu tư

ĐỨC BÌNH - ĐẶNG TUÂN
ĐỨC BÌNH - ĐẶNG TUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết để nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư các dự án vào Quảng Ninh, tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Môi trường thuận lợi, thủ tục đơn giản sẽ thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái do tư nhân đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh phát triển trong tương lai - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bên cạnh đó, tỉnh đã quyết liệt cải cách hành chính, khâu đột phá là thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. "Bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, rút ngắn 2/3 thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư là những gì Quảng Ninh đã làm được thời gian vừa qua"- ông Thắng nhấn mạnh khi mở đầu cuộc trao đổi.

Chủ động mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực

* Năm 2019, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút hàng nghìn tỉ đồng vốn tư nhân vào xây dựng các dự án hạ tầng tại các thành phố, thị xã và các huyện trên địa bàn. Vậy đây có phải là mục tiêu quá tham vọng?

- Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay vì bị động "chờ" nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. 

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược tìm hiểu, đầu tư vào địa bàn tỉnh như Amata (Thái Lan), Công ty cổ phần Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong - Trung Quốc) và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam là Vingroup, Sun Group, FLC, MyWay, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Australia, Tập đoàn Thành Công...

Thay vì bị động “chờ” nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm 40% số thời gian giải quyết. Quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư. Thường xuyên đối thoại, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp...”

Từ những thành công đó, trong năm 2019 các nhà đầu tư chiến lược đã đầu tư và chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm mang tính động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh như: dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng mức đầu tư 12.650 tỉ đồng; dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay có tổng mức đầu tư 2.661 tỉ đồng; dự án Furma Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas có tổng mức đầu tư 739,9 tỉ đồng...

* Nhiều địa phương đang dựa vào tài nguyên đất đai, quỹ đất đô thị để gọi vốn đầu tư dự án PPP, ngoài tài nguyên đất đai đô thị, tỉnh Quảng Ninh có giải pháp, ưu đãi gì khác để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng?

- Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Với những tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế của mình, Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần chủ động, bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Quảng Ninh liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng với việc quyết liệt cải cách hành chính, mà khâu đột phá là thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) từ năm 2011 hoạt động với mục tiêu đổi mới quy trình đầu tư theo hướng từ "trên xuống" thay vì từ "dưới lên" như trước đây. Bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, rút ngắn 2/3 thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Từ năm 2015, tỉnh triển khai đánh giá chất lượng năng lực điều hành địa phương và sở, ban, ngành của tỉnh thông qua Bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 20 năm 2012 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Chính từ những đổi mới này đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược...

Quảng Ninh cũng quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật tạo quỹ đất "sạch" cho nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó đã tạo lập, củng cố và nâng cao niềm tin của doanh nghiệp.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

* Các nhà đầu tư lớn không chỉ bỏ vốn đầu tư vào một dự án, mà cam kết tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án hạ tầng lớn tại Quảng Ninh. Quảng Ninh có "bí quyết" gì để giữ chân các nhà đầu tư lớn đặc biệt trong việc tạo niềm tin để họ tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào tỉnh?

- Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc thu hút và hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Kết quả này được khởi nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò quyết định của người đứng đầu địa phương.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế được tỉnh tập trung khơi thông, không phải từ ngân sách T.Ư hỗ trợ, mà là sự chủ động, sáng tạo từ việc ban hành nghị quyết gắn với những đề xuất chính sách, cơ chế phù hợp cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

* Thu hút đầu tư cũng là một "đột phá"của tỉnh để đầu tư cho xây dựng hạ tầng. Chủ tịch cho biết tình hình, kết quả thu hút đầu tư nhân vào các dự án hạ tầng hiện nay thế nào?

- Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả. Tỉ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách năm 2015 là 52,6%; năm 2016 là 64,96%; năm 2017 là 66,7%; năm 2018 là 66,6%.

Từ năm 2013, Quảng Ninh đã đột phá, tiên phong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 44 dự án có tổng số vốn 44.495 tỉ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng). 

Giai đoạn 2016-2018, tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả của nhiệm kỳ trước, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhất là đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách quốc tế; hạ tầng du lịch... gắn với các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, FLC...

Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2018 đạt 183.654 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 ước đạt 340.850 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Những tham vọng của ngành du lịch Quảng Ninh Những tham vọng của ngành du lịch Quảng Ninh

Thông tin doanh nghiệp - Trong những bước đột phá của kinh tế Quảng Ninh, ngành du lịch ghi dấu ấn sâu đậm.

ĐỨC BÌNH - ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên