22/04/2022 09:58 GMT+7

Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Qua nền tảng mạng xã hội, mỗi khi đọc xong một cuốn sách, Hương đều chia sẻ kinh nghiệm hay cảm nhận đọc sách của bản thân, nhờ đó lan tỏa văn hóa đọc đến cho bạn bè và người thân xung quanh.

Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) hào hứng khám phá những trang sách tại chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022 - Ảnh: H.TH.

Dịch COVID-19 xảy đến, không ít bạn trẻ đắm mình trên không gian mạng mà bỏ quên việc khám phá tri thức qua những trang sách giấy. Bước đến ngày hội sách, tạm gác lại "ánh sáng xanh" từ màn hình điện thoại, mỗi bạn lựa cho mình một cuốn sách làm bạn, giúp họ tìm thấy niềm vui và niềm an ủi mỗi ngày.

Ngày 21-4, khi tham gia chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" năm 2022 và phát động chương trình thúc đẩy văn hóa đọc với chủ đề "Hành trang tri thức" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức, cô bạn Dương Hồng Ngọc (20 tuổi, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) hào hứng lần giở những trang sách có chủ đề phiêu lưu mạo hiểm vốn là sở thích gắn bó với cô từ thuở nhỏ.

"Dịch COVID-19 xảy đến, chúng mình rất khó để tìm kiếm không gian đọc, rất ít sự kiện về sách được tổ chức. Hôm nay biết đến ngày hội, mình rủ bạn bè đến tham gia ngay và tìm mua những cuốn sách thú vị", Ngọc bày tỏ.

Đọc sách giấy, lan tỏa qua mạng xã hội

Là "fan trung thành" của sách giấy, bạn Nguyễn Thu Hương (ở Hà Nội) thường dành dụm tiền để mua những cuốn sách yêu thích. Có niềm đam mê với tiểu thuyết trinh thám, khi bước vào giảng đường đại học, cô còn lựa chọn thêm các chủ đề sách phát triển bản thân, phát triển kỹ năng hoặc nghệ thuật giao tiếp, sách tâm lý và sách liên quan đến ngành nghề đang theo đuổi. Hiện nay Hương đang dành thời gian đọc lại 2 cuốn sách Đắc nhân tâm và Nhà giả kim.

"Sách giấy vẫn tạo hứng thú đặc biệt với tôi. Nó không gây đau mắt, mỏi mắt như đọc trên Internet. Mỗi lần đọc sách giúp tôi nhận thức sâu hơn, suy nghĩ sâu hơn, nắm bắt được những trải nghiệm, kinh nghiệm quý mà tác giả muốn chuyển tải. Đọc sách cũng giúp tôi rèn luyện được khả năng ngôn ngữ, mang lại cảm hứng mỗi ngày" - Hương bộc bạch.

Bí kíp lựa chọn sách của cô bạn này là thường xuyên đọc "review" trên mạng xã hội để tìm ra những trang sách hay, sách mới. Cũng qua nền tảng mạng xã hội, mỗi khi đọc xong một cuốn sách, Hương đều chia sẻ kinh nghiệm hay cảm nhận đọc sách của bản thân, nhờ đó lan tỏa văn hóa đọc đến cho bạn bè và người thân xung quanh.

Không có điều kiện để tiếp cận với nhiều loại sách, bạn Lục Nông Luyện (dân tộc Tày, ở Cao Bằng) chỉ biết đến sách qua thư viện trường hoặc tìm đọc sách trên mạng, trên kho sách nói. "Ở quê có rất ít không gian đọc sách, rất khó để tìm những cuốn sách hay" - bạn chia sẻ.

Từ thời điểm xuống thủ đô học tập, Luyện thường tìm đến địa điểm đường sách, phố sách để thoải mái tìm kiếm đầu sách và lựa chọn các cuốn sách hay, sách chuyên ngành phục vụ tốt hơn cho việc học tập. Điều bạn mong mỏi là làm sao để có nhiều không gian đọc yên tĩnh, thoải mái, phù hợp với sinh viên để "vừa đọc vừa suy nghĩ, vừa khám phá trang sách".

40% kiến thức từ sách

Dự chương trình, ông Lê Doãn Hợp, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn trẻ bằng chính câu chuyện của bản thân. Ví von nếu trong đầu có đến 100% kiến thức thì với ông có khoảng 20% kiến thức thu nhận từ giảng đường, 40% thu nhận từ sách nhờ văn hóa đọc và 40% kiến thức từ lăn lộn thực tiễn.

"Người ta có thể đọc báo để có thông tin làm giàu tốt hơn, đọc tạp chí để có kiến thức làm nghề tốt hơn, nhưng chỉ có đọc sách mới có vốn sống để làm người tốt hơn" - ông nhấn mạnh tầm quan trọng của đọc sách.

Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia thúc đẩy văn hóa đọc, cho rằng niềm yêu thích đọc sách phải hình thành từ chính không gian đọc trong gia đình. "Chúng ta không bao giờ có những đứa con thích đọc nếu như cha mẹ chúng không thích đọc" - ông nói. Ông cũng kể câu chuyện ngay trong chính gia đình mình dù có tủ sách nhưng sách được "bày bừa" khắp mọi nơi, để hễ các con quờ tay là có thể chạm ngay đến chúng.

Theo ông Tú, việc thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi theo phong trào mà điều cần thiết là phải tạo được không gian, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận văn hóa đọc.

Khẳng định sách giúp mỗi người tự học, tự bồi dưỡng và nuôi dưỡng ước mơ, là chìa khóa mở cánh cổng tri thức đưa đến thành công, anh Nguyễn Hải Minh - phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - cho biết thông qua chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách, đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong hội viên, thanh niên. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong hội viên, thanh niên.

Bên cạnh đó còn tạo sức lan tỏa và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập, xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức của các bạn trẻ.

Năm 2022 tặng 20 tủ sách, thư viện sách

Năm 2022, chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" tập trung triển khai một số nội dung. Trong đó, tổ chức các hoạt động truyền thông thúc đẩy đam mê đọc sách trong thanh niên như xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền, lựa chọn các câu nói hay, tổ chức nhiều tọa đàm, giao lưu về chủ đề văn hóa đọc và thực hiện chủ điểm tại 5 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM và Cần Thơ.

Cùng với đó, lựa chọn và giới thiệu các ấn phẩm hay, ý nghĩa để giới thiệu đến hội viên, thanh niên và tạo điều kiện để các bạn tiếp cận các nguồn sách phù hợp. Trong năm 2022 phấn đấu vận động tặng 20 tủ sách, thư viện sách cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng khó khăn và tổ chức cuộc thi trực tuyến "Cuốn sách thay đổi đời tôi".

Ngày hội sách và ngày hội văn hoá đọc lần 1 năm 2022 Ngày hội sách và ngày hội văn hoá đọc lần 1 năm 2022

‘Sách và Chuyển đổi số’ là chủ đề của ngày Sách và Ngày hội văn hóa đọc lần thứ 1 năm 2022 đang được diễn ra tại TP.HCM. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ Metaverse tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên