15/06/2022 09:29 GMT+7

Mới ra trường, cần làm gì để 'sống sót' với công việc văn phòng?

VIÊN VY
VIÊN VY

TTO - Với nhiều nhân viên, sinh viên thực tập và mới ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng, trong đó vấn đề về giao tiếp được quan tâm nhiều hơn so với năng lực hay kiến thức.

Mới ra trường, cần làm gì để sống sót với công việc văn phòng? - Ảnh 1.

Các bạn trẻ làm việc tại một văn phòng theo kiểu "trong suốt" - Ảnh: VŨ THỦY

Chưa biết cách giao tiếp, ngại hỏi

Chưa nói đến năng lực, nhiều nhân viên lâu năm cho hay họ thường gặp các vấn đề về giao tiếp với sinh viên thực tập/mới ra trường. Các bạn còn thụ động không hỏi lại khi gặp khó khăn, hoặc chỉ báo cáo tiến độ khi được người hướng dẫn hỏi đến.

Mỹ Linh (29 tuổi, chuyên viên đào tạo và phát triển tại một công ty ngành giáo dục ở quận 1, TP.HCM) đang hướng dẫn một nhóm sinh viên thực tập. Theo đánh giá của cô, các bạn vẫn chưa biết cách sắp xếp công việc (nhất là những việc cần ưu tiên).

“Mình giao việc và đã hướng dẫn, các bạn không ghi chép lại, rồi quên cách làm nhưng không chủ động hỏi lại. Đến khi mình hỏi kết quả thì các bạn nói không biết làm, mình phải thao tác thêm một lần nữa, tốn thời gian, trễ deadline”, Mỹ Linh nói.

Kiều Oanh (27 tuổi, quản lý hành chính nhân sự tại công ty thiết kế ở TP Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Lúc trước, trường mình có môn học khá hay và áp dụng được khi đi làm là “kỹ năng giao tiếp”. Vì thế mình thường áp dụng những cái cơ bản trong giao tiếp để đánh giá các sinh viên thực tập, hoặc mới ra trường”.

Cô cho biết gặp kha khá trường hợp sinh viên có vấn đề về giao tiếp, như tác phong viết email không chuẩn (thư không có chủ đề và câu từ cộc lốc), không phản hồi khi được nhận phỏng vấn, đến phỏng vấn trễ giờ hoặc hủy mà không thông tin lại, làm nhân sự phải chờ, không lắng nghe đồng nghiệp, tự ý nghỉ ngang mà không báo trước, không đọc mô tả công việc trước khi nộp CV...

Chưa tôn trọng nhà tuyển dụng

Mới ra trường, cần làm gì để sống sót với công việc văn phòng? - Ảnh 2.

Ham học hỏi, tôn trọng đồng nghiệp là chìa khóa để bạn hòa nhập - Ảnh minh họa: SPIN

"Ảo năng lực" và tư duy không làm ở công ty này thì làm ở công ty khác cũng là trường hợp phổ biến. Không muốn bắt đầu bằng những việc nhỏ, đơn giản, nhiều bạn quyết định nghỉ ngang vì chán dù chỉ mới thử việc một tuần.

Nguyễn Bá Hồng Phúc (chuyên viên trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số, TP.HCM) nhận định, có thể do một số bạn đọc nhiều thông tin bay bổng về sự thành công của những người trẻ nên tưởng cái gì cũng dễ và hay nóng vội.

“Vừa rồi, công ty có nhận một thực tập sinh. Công việc đầu tiên của bạn là thêm logo vào hình ảnh, do bạn chưa vững để giao nhiệm vụ khác, nhưng bạn thấy chán rồi nghỉ luôn”, anh kể.

Trà My (chuyên viên đối ngoại tại một công ty ở quận 3, TP.HCM) cũng đau đầu về tình trạng thích thì đi làm, không thì viện cớ nghỉ hoặc nghỉ ngang của các bạn nhưng lỗi là của... nhà tuyển dụng, vì "không truyền đạt kinh nghiệm gì" cho người mới vào.

Tương tự, công ty của Kiều Oanh cũng từng gặp trường hợp sinh viên ra trường đang trong quá trình thử việc, không hỗ trợ đồng nghiệp, không tiếp thu ý kiến của người khác, thậm chí khi được về công ty, bạn thản nhiên bảo "không biết gì".

Sau đó, bạn tự thiết kế sản phẩm theo ý riêng mà không theo màu chủ đạo của công ty, dù đã được hỏi thăm và gợi ý chỉnh sửa từ các anh chị cùng phòng và cả lãnh đạo. Sau thời gian thử việc, bạn lại so sánh lương với một anh có kinh nghiệm 5 năm nên ra đi.

Cần nhiều hơn sự khiêm tốn và chủ động

Thực tế, nhà tuyển dụng không dựa vào năng lực hay kiến thức đầu vào, mà dựa trên quá trình và kết quả công việc các bạn được giao để đánh giá thực tập sinh, trong đó thái độ ham học hỏi và biết tôn trọng đồng nghiệp, giao tiếp lễ phép là điểm cộng.

Mới ra trường, cần làm gì để sống sót với công việc văn phòng? - Ảnh 3.

Hồng Phúc sẵn sàng chỉ dẫn các bạn sinh viên nếu chịu khó lắng nghe và tiếp thu, vì anh hiểu công việc về marketing khác nhiều so với kiến thức thực tế - Ảnh minh họa: T.L.

Mỹ Linh chia sẻ, nếu ứng tuyển vào ngành liên quan đến nhân sự và phát triển, kỹ năng luôn cần được trau dồi bằng cách chịu khó học hỏi, có thể tự do sáng tạo nhưng vẫn cần theo cách vận hành của tổ chức.

"Mình có thể thông cảm, không ngại hướng dẫn, nhưng cũng không có nhiều thời gian để hỏi thăm công việc của các bạn thường xuyên, vì vậy mình hy vọng sinh viên cần chủ động và đừng chủ quan, sợ sai mà không dám chịu trách nhiệm với những cơ hội của mình", Linh cho hay.

Kiều Oanh cũng từng là sinh viên thực tập và được công ty ngỏ lời làm việc chính thức nên hiểu được tâm trạng của thực tập sinh: "Nếu bạn tôn trọng nhà tuyển dụng thì bạn sẽ được tôn trọng. Còn năng lực thì trong quá trình làm việc, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy được".

Sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể thảo luận vấn đề lương bổng sao cho phù hợp với năng lực cá nhân, nhưng đừng đưa ra một mức "giá trên trời" rồi bỏ ngang vì thấy không hợp với công việc.

Những nhân viên làm việc lâu năm đều luôn chào mừng người mới, bởi họ tin rằng, với sự năng động, tài năng, sáng tạo, có ý chí học hỏi điều mới, người trẻ chắc chắn có thể đáp ứng được những đòi hỏi và làm mờ khuyết điểm khi ứng tuyển vào công việc khối văn phòng.

Nghỉ việc cho tự do như freelancer, có chơi có chịu Nghỉ việc cho tự do như freelancer, có chơi có chịu

TTO - Nhiều người thường nghĩ làm việc tự do (freelance) sung sướng, không bó hẹp về thời gian, không bị sếp nào la mắng… Không ít người quyết định nghỉ việc để thành freelancer để rồi nhận ra kiếm cơm bằng cách nào cũng không hề đơn giản.

VIÊN VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên