01/10/2021 14:42 GMT+7

Mở cửa kinh tế tránh 'lúc mở lúc đóng, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn'

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng 100 ngày tới là thời điểm “vàng” để phục hồi kinh tế. Việc mở cửa cần bền vững, không nên mở rồi lại đóng.

Mở cửa kinh tế tránh lúc mở lúc đóng, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các diễn giả tại buổi hội thảo trực tuyến - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL - dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức sáng 1-10, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cho rằng 3 tháng cuối năm 2021 là thời gian "vàng" và cũng là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế Việt Nam.

"Mở cửa là con đường không thể nào khác được và mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn. Chúng ta có thuận lợi là mở cửa nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát tốt, nhưng quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm", ông Lộc bày tỏ.

Theo ông Lộc, khi mở cửa thì tránh tình trạng lúc đóng, lúc mở, lúc siết, lúc buông, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường còn tỉnh B lập rào chắn, huyện thì bảo doanh nghiệp được vận hành bình thường nhưng xã phường thì bảo người lao động "ai ở đâu ở yên đó", ngăn sông cấm chợ một cách vô lối, làm khó cho doanh nghiệp, làm khổ dân sinh "và tôi cũng biết rằng nhiều doanh nghiệp đã chết oan vì điều đó".

Ông Lộc cho biết tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và doanh nghiệp vừa được tổ chức, ông chính thức đề nghị với Thủ tướng kiên định mở cửa nền kinh tế và đề nghị ban hành một cẩm nang thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19 mà theo đó cần xác lập được các kịch bản, khuôn khổ hành xử của các cấp chính quyền, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Khi có khung này rồi thì địa phương không phải xin phép trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải đợi có sự phê duyệt của chính quyền, đặc biệt doanh nghiệp có thể chủ động các phương án để duy trì sản xuất và các chủ nhãn hàng quốc tế cũng yên tâm thực hiện các hợp đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Trường chính sách công và quản lý Fulbright - cũng cho rằng tác động kinh tế vừa qua không chỉ do ca nhiễm COVID-19 mà còn do chính sách giãn cách xã hội quá mạnh tay, giãn cách nơi không cần thiết và không có trọng điểm. 

"Nhìn lại số ca không quá nghiêm trọng nhưng giãn cách quá tràn lan, yêu cầu doanh nghiệp, người lao động thực hiện các biện pháp không cần thiết, dẫn tới đóng cửa làm kinh tế suy giảm mạnh", ông Thành dẫn chứng.

Ông Thành cho rằng đối với doanh nghiệp lúc này rất kỳ vọng duy trì được một chính sách vĩ mô để doanh nghiệp và người dân xoay xở trong chính sách đó. Ông cho rằng nếu như công nhân chưa tiêm vắc xin hoặc lao động từ nơi khác đến phải yêu cầu "3 tại chỗ", "4 tại chỗ" thì không thể mở cửa bền vững nếu tiếp tục cách làm này.

"Chỉ cần công nhân được tiêm vắc xin được mũi 1, hoặc nếu chưa tiêm thì yêu cầu xét nghiệm thường xuyên, mà cũng nên làm ở nhóm có nguy cơ cao, trong bố trí sản xuất hạn chế tiếp xúc trực tiếp, khi có ca nhiễm ở khâu nào thì khoanh vùng khâu đó. Không thể 1 - 2 ca dương tính thì cả doanh nghiệp phải đóng cửa.

Tiếp theo, thích ứng an toàn có nghĩa là kiểm soát dịch, quản lý rủi ro là yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuân thủ, Nhà nước giám sát, không cần cấp phép, xin phép. Càng xóa bỏ giấy phép con thì tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực thi chính sách mà đẻ ra giấy phép thì sẽ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Thành đề xuất thêm.

"Bình thường mới là thế nào?"

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông cũng băn khoăn "3 chữ bình thường mới là thế nào" khi ai cũng nói về cụm từ này.

"Dịch bệnh và nhiều xu thế khác khiến chúng ta không phục hồi một cách bình thường nữa mà phải thích ứng. Xưa làm nhà máy tập trung để giảm chi phí quản trị, kho bãi…, phải chăng với bối cảnh này, nhiều lãnh đạo địa phương khuyến nghị doanh nghiệp thay vì tập trung một nhà máy ở một địa phương, thì chia ra nhiều địa phương, giả sử có đóng cửa nhà máy ở địa phương này thì còn ở địa phương khác.

Phương thức sản xuất nó cũng vậy, nền nông nghiệp cũng vậy. Nếu cả một cánh đồng lớn mà ta theo đuổi còn phù hợp xu thế mới hay không hay vừa có cánh đồng lớn vừa có cánh đồng nhỏ, nếu cánh đồng lớn ở vùng đỏ thì còn cánh đồng nhỏ ở vùng xanh", ông Hoan ví von.

Long An sẽ thí điểm Long An sẽ thí điểm 'xưởng điều trị COVID-19 dã chiến' tại các khu, cụm công nghiệp

TTO - Để tháo gỡ một trong những lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc xử lý khi phát hiện F0, bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết đang tính toán thí điểm mô hình 'xưởng điều trị COVID-19' trong các khu, cụm công nghiệp.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên